Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) cho rằng, những điều kiện của gói vay trả lương lãi suất 0% là quá khắt khe khiến DN khó tiếp cận.

Theo ông Đồng, trong thời điểm này, nếu tiếp tục hỗ trợ nên chuyển sang hỗ trợ thêm cho NLĐ, chứ cho DN vay sẽ không có ý nghĩa nhiều, vì quá muộn.

Còn nếu muốn tiếp tục hỗ trợ, phải thay đổi điều kiện trong Quyết định 15, chỉ cần đưa ra tiêu chí DN bị sụt giảm doanh thu do tạm dừng sản xuất trong thời gian dịch COVID-19 và sự xác nhận của chính quyền địa phương là có thể giải ngân được.Ảnh minh họaẢnh minh họa

Ông Đồng cho rằng, trong gói vay này, nguyên nhân khiến việc triển khai không hiệu quả là do cơ sở dữ liệu để hoạch định chính sách có vấn đề. “Chúng ta có Chính phủ điện tử nhưng công tác thống kê, quản lý cơ sở dữ liệu lại kém. Khi ban hành chính sách, Bộ LĐ-TB&XH cần tính toán được có bao nhiêu DN đóng cửa, bao nhiêu DN có 20% hay 50% số lao động phải nghỉ việc... để cân đối chứ không thể áng chừng được”, ông Đồng nói.

Ngoài ra, theo ông Đồng, cần thực hiện nhanh, khẩn trương gói hỗ trợ, bởi đến bây giờ DN đã chuyển sang giai đoạn phục hồi sản xuất, nên sự hỗ trợ đã giảm đi nhiều ý nghĩa. Ngoài ra, Bộ LĐ-TB&XH có thể tham vấn bên ngân hàng thương mại về nhu cầu vay của DN. Trong gói vay này, Ngân hàng Nhà nước có thể bơm tiền cho ngân hàng thương mại để triển khai, giám sát thuận tiện hơn.

TS Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, ngay từ khi chính sách cho DN vay trả lương lãi suất 0% được ban hành, cộng đồng DN vừa và nhỏ rất mong sớm được tiếp cận.

Là một trong những lãnh đạo DN háo hức chờ gói vay lãi suất 0% để trả lương cho NLĐ, nhưng ông Phạm Văn Việt, Tổng Giám đốc Cty TNHH Việt Thắng Jean (quận 1, TPHCM) tỏ ra “thất vọng” khi hồ sơ của công ty bị loại ngay từ vòng gửi xe.

Ông Việt cho biết, khi dịch COVID-19 xảy ra, hàng loạt đối tác tạm dừng nhập hàng khiến dòng tiền của công ty đứt quãng. Công ty rất cần tiền để chi trả các khoản lương cho công nhân, bởi chỉ riêng khoản này, mỗi tháng công ty phải chi tới gần 40 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi làm hồ sơ, thủ tục vay tiền, công ty không đáp ứng được.

“Riêng gói này, sau khi đọc xong, nói thật công ty bỏ sang ngay một bên vì nếu đáp ứng đủ, công ty đã phá sản rồi. Làm gì có DN nào như thế để đi vay”.

Chiều 10/6, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh cho biết, bộ đang tổng hợp các ý kiến, đề xuất từ các địa phương liên quan đến việc triển khai gói 62 nghìn tỷ đồng. Đối với việc cho DN vay lãi suất 0% để trả lương cho NLĐ, bộ đang xây dựng dự thảo để kiến nghị Thủ tướng điều chỉnh lại một số điều kiện cho vay, theo hướng giảm các tiêu chí.

Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho biết, đến nay chưa có DN nào được vay từ gói 16 nghìn tỷ đồng. Một phần do các DN bị ảnh hưởng đã bắt đầu quay trở lại làm việc, có DN còn tích lũy kinh phí để trả lương. Mặt khác, do phải chứng minh tài chính ở chừng mực nào đó khiến DN e ngại ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh nên chưa chủ động trong việc lập hồ sơ đề nghị vay vốn và xác nhận các chế độ hỗ trợ khác cho NLĐ.

 T.Nguyễn