Trung tâm hành chính hiện đại bậc nhất...
Không thể phủ nhận sự tiện lợi của trung tâm hành chính tập trung, thay vì phải đi lại nhiều nơi như trước đây, nay người dân chỉ việc di chuyển từ tầng này lên tầng khác.
Trung tâm Hành chính tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tọa lạc tại phường Phước Trung (TP. Bà Rịa)
Sự tiện lợi của một trung tâm hành chính tập trung là điều không phải bàn cãi. Chỉ có điều, để xây dựng tòa nhà hành chính có giá trị ngàn tỷ đồng này, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phải mượn tiền ứng trước từ ngân sách của tỉnh, Bộ Tài chính và kho bạc, bán các trụ sở cũ để tài trợ cho dự án.
Trung tâm Hành chính tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tọa lạc tại phường Phước Trung (TP. Bà Rịa) trên khu đất rộng khoảng 20 ha, được đưa vào hoạt động từ tháng 4/2012, tổng mức đầu tư là hơn 1.000 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh. Trung tâm được quy hoạch và đầu tư theo mô hình tập trung, hiện đại, gồm 7 cụm tòa nhà văn phòng, mỗi cụm cao 6 tầng, phục vụ cho tất cả các khối nghiệp vụ hành chính, nhà nước của tỉnh. Việc đưa tất cả các sở, ngành về một nơi nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức và người dân thực hiện giao dịch hành chính, liên hệ công tác và các công việc liên quan.
Ngoài ra, công trình còn được đầu tư đầy đủ các hạng mục phụ trợ và hạ tầng kỹ thuật như hệ thống cấp, thoát nước, hệ thống điện, camera quan sát… Do Bà Rịa - Vũng Tàu được chọn làm điểm để thực hiện theo mô hình tập trung nên từ công tác, thiết kế, kiến trúc đến xây dựng đều có nhiều khác biệt so với trước đây. Ngoài việc được đầu tư xây dựng theo hình thức tập trung nhằm thống nhất về mặt kiến trúc và giảm chi phí, khi Trung tâm Hành chính chính trị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đi vào hoạt động, còn tạo ra một phong cách làm việc mới, năng động và hiệu quả hơn.
Đây là dự án trung tâm hành chính chính trị cấp tỉnh đầu tiên trong cả nước được quy hoạch và đầu tư mới theo mô hình tập trung, hiện đại, sẽ bảo đảm thực hiện tốt chức năng tập trung về một mối, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức và cá nhân thực hiện giao dịch hành chính công, liên hệ công tác và các công việc liên quan cũng như là tạo sự kết nối cơ động giữa các sở, ban, ngành.
Hơn nữa, việc chọn trung tâm hành chính chính trị của tỉnh tại TP. Bà Rịa là để ưu tiên phát triển du lịch cho TP. Vũng Tàu, đồng thời lấy TP. Bà Rịa làm hạt nhân phát triển cho các huyện lân cận và của cả tỉnh.
Công trình ngàn tỷ nhưng nước dột lênh láng
Được biết, thời điểm dự án được triển khai, Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm chủ đầu tư công trình và nhà thầu là các công ty Công ty THHH Xây dựng Đông Nam, Công ty CP ĐT & XD Tân Phước Thịnh và Công ty CP Xây dựng và phát triển Đô thị tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu - UDEC.
Tại buổi làm việc với chủ đầu tư và các nhà thầu, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Trần Minh Sanh yêu cầu Sở Xây dựng tập trung mọi nguồn lực, chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng, bảo đảm hoàn thành công trình vào cuối quý I/2012. Từ ngày 1 - 15/4, Sở Xây dựng hoàn thiện thủ tục bàn giao toàn bộ công trình cho Ban quản lý Trung tâm Hành chính - chính trị tỉnh. Đến ngày 30/4/2012, Trung tâm Hành chính - chính trị tỉnh chính thức làm việc tại trụ sở mới ở Bà Rịa.
Theo ông Trần Minh Sanh, việc di dời trung tâm hành chính từ Vũng Tàu về Bà Rịa là để ưu tiên phát triển du lịch cho TP. Vũng Tàu, đồng thời lấy TX. Bà Rịa (nay là TP) làm hạt nhân phát triển cho các huyện lân cận.
Tuy nhiên, có một nghịch lý, một trung tâm hành chính được đầu tư bài bản, tiêu tốn ngàn tỷ đồng nhưng vừa đưa vào sử dụng được vài năm, đã lộ rõ dấu hiệu xuống cấp. Trái ngược với vẻ long lanh hoành tráng bề ngoài, tại khu vực lầu 6 của tòa nhà, khu vực trụ sở của Sở Giao thông vận tải có hiện tượng dột, nước chảy lênh láng khắp hành lang. Tường và trần nước rỉ liên tục, khiến cho công tác vệ sinh phải thực hiện liên tục mà vẫn không xuể.
Hiện tượng nước rỉ dột lênh lánh khắp khu vực hành lang lầu 6 Sở GTVT, nhân viên phải huy động loạt sô chậu để hứng nước
Bằng mắt thường quan sát có thể dễ dàng nhận thấy, tường nhà đang bị nứt gãy tạo thành những đường nứt ngang dọc, mặc dù đã được trám tạm bằng xi măng nhưng hiện tượng dột nước vẫn xảy ra. Ngay trong phòng làm việc của cán bộ, viên chức cũng phải để sẵn thau chậu và khăn lau để hứng và thấm nước dột. Điều này, gây bất tiện cho cán bộ, nhân viên cũng như người dân tới liên hệ làm việc…
Tường và trần nhà có dấu hiệu nứt gãy, dù đã được trám tạm bằng xi măng nhưng nước rỉ liên tục
Dư luận đặt câu hỏi: Vì sao một trung tâm hành chính - bộ mặt của cả tỉnh, được đầu tư hoành tráng và vừa đưa vào sử dụng đã có dấu hiệu xuống cấp; do chất lượng công trình hay do lỗi kỹ thuật? Ai sẽ phải chịu trách nhiệm...?
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
Hải Dương