Ngày 19/4 (tức mùng 8/4 âm lịch) tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng, Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương 2021 tổ chức Hội thi Gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy. Hội thi quy tụ hàng trăm nghệ nhân đến từ 13 huyện, thành, thị trong tỉnh Phú Thọ.

Các đội tham dự Hội thi sẽ tranh tài ở hai phần thi là gói, nấu bánh chưng và giã bánh giầy. Ở phần thi gói, nấu bánh chưng, đội thi thực hiện gói 10 chiếc bánh từ 5 kg gạo nếp, 1 kg đỗ xanh, 1 kg thịt lợn trong thời gian tối đa 10 phút; luộc bánh trong 5 giờ. Phần thi giã bánh giầy, đội thi thổi 5 kg gạo nếp thành xôi trong thời gian tối đa 30 phút, giã và làm thành 10 chiếc bánh giầy trong thời gian tối đa 15 phút. 

Sản phẩm sau khi hoàn thành phải đạt tiêu chí về thẩm mỹ, bánh chưng phải chín rền, đảm bảo thơm ngon, mùi vị hấp dẫn; bánh giầy phải dẻo, mịn, trắng, bánh tròn, thành cao, bày trên mâm có dán chữ “Phúc” màu đỏ.

Với tấm lòng thành kính, các đội thi đã chọn nguyên liệu làm bánh ngon nhất, thao tác nhanh và chuẩn xác nhất để có thể hoàn thành việc gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy trong thời gian ngắn nhất mà vẫn bảo đảm chất lượng.

Kết thúc hội thi, ở nội dung thi gói, nấu bánh chưng, Ban Tổ chức đã trao giải Nhất cho Đoàn Văn hóa dân gian huyện Cẩm Khê; giải Nhì là Đoàn Văn hóa dân gian TP. Việt Trì, Phù Ninh, Thanh Sơn; giải Ba là Đoàn Văn hóa dân gian Lâm Thao, Tân Sơn, Yên Lập, Hạ Hòa, Thanh Thủy, Thanh Ba, Đoan Hùng, thị xã Phú Thọ, Tam Nông.

Ở nội dung giã bánh giầy, giải Nhất thuộc về Đoàn Văn hóa dân gian Yên Lập; đoàn Thanh Ba, Tam Nông, TP. Việt Trì giành giải Nhì; đồng giải Ba thuộc về các đoàn Cẩm Khê, Thanh Sơn, Phù Ninh, Đoan Hùng, thị xã Phú Thọ, Thanh Thủy, Hạ Hòa, Lâm Thao.

Từ xưa đến nay, những sản vật bánh chưng, bánh giầy có một vị trí quan trọng trong tâm thức của người Việt Nam. Những sản vật có từ lâu đời thể hiện quan niệm về vũ trụ của người xưa, gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng Quốc tổ Hùng Vương.

Bánh chưng, bánh giầy được chế biến từ lúa nếp thơm, một sản phẩm tiêu biểu của nghề trồng lúa nước có từ thời Vua Hùng. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, hai sản vật này gắn với câu chuyện huyền sử về lòng hiếu thảo của chàng hoàng tử Lang Liêu thời Hùng Vương dựng nước, sâu xa hơn là ý chí vượt khó, cần cù lao động khẩn hoang, mở mang bờ cõi, khẳng định chủ quyền của người Việt trên những vùng hải đảo Biển Ðông, được giữ gìn, truyền tụng qua các thế hệ.

Bánh chưng với nhân mỡ hành, đậu xanh, bên ngoài bọc lá dong xanh vuông vức tượng trưng cho đất; bánh giầy làm từ gạo trắng, thổi xôi giã nhuyễn, nặn tròn trịa biểu tượng của trời. Bánh chưng, bánh giầy là hình ảnh của quê hương với mầu xanh ruộng đồng, sông núi, được làm ra từ những hạt "ngọc thực" quý nhất của thiên nhiên, sinh sôi nảy nở trên những triền đất phù sa đồng bằng dưới sức lao động của con người. Những sản vật giản dị, đậm đà hương vị không những ẩn chứa các giá trị văn hóa và tâm linh mà còn mang ý nghĩa triết lý nhân sinh sâu sắc.

Ngày nay, cứ vào mỗi dịp mùa xuân tháng ba âm lịch, nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, những người con đất Việt từ nam ra bắc lại tiếp nối truyền thống tốt đẹp ấy, mở hội thi gói bánh chưng, giã bánh giầy ở nhiều nơi, dâng cúng Tổ tiên và những bậc tiền hiền dựng nước. Không chỉ đơn giản là một món ăn truyền thống, các công đoạn chuẩn bị, chế biến và trình bày còn thể hiện sự tập trung, khéo léo và tinh tế của người thể hiện.

Trong không khí rộn ràng, phấn khởi của mùa Lễ hội Ðền Hùng - Giỗ Tổ Hùng Vương 2021, Hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy đã mang đến một cuộc thi tài sôi nổi, mang đậm bản sắc văn hóa. Từ những hạt gạo thơm tinh túy của đất trời, với bàn tay tài năng của các nghệ nhân vùng đất Tổ đã tạo nên những chiếc bánh vừa đẹp mắt, vừa thơm ngon. Bằng tất cả lòng thành kính hướng về cội nguồn, những chiếc bánh thảo thơm là lễ vật ý nghĩa tri ân các Vua Hùng, là lời nguyện cầu và cũng là niềm tin vào quốc thái dân an, mùa màng bội thu, ấm no, hạnh phúc.

Hình ảnh ghi nhận tại Hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy 2021:

Hoan Nguyễn