Theo đó, mục tiêu cụ thể của Kế hoạch là phấn đấu đến năm 2025:
Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình, 100% xã, phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh;
Số thuê bao băng rộng di động/100 dân đạt tối thiểu 85%, tỷ lệ thuê bao sử dụng điện thoại thông minh/tổng thuê bao điện thoại di động đạt tối thiểu 80%, tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt tối thiểu 80%;
Tốc độ băng rộng di động đạt 45 Mbps (tốc độ tải xuống theo i-Speed, hiện tại là 38,09 Mbps); tỷ lệ thôn, làng được phủ sóng di động băng rộng đạt 100%, tỷ lệ dùng chung vị trí trạm thu phát sóng (BTS) đạt tối thiểu 13%;
Tỷ lệ thuê bao băng rộng cố định/100 dân đạt tối thiểu 10,81%; tỷ lệ hộ gia đình có truy nhập Internet băng rộng cáp quang đạt tối thiểu 80%, tốc độ băng rộng cố định đạt 100 Mbps (tốc độ tải xuống theo i-Speed, hiện tại là 92,65 Mbps);
Tỷ lệ thôn, làng được phủ băng rộng cố định (cáp quang FTTH) đạt 100%; tối thiểu 50% các hệ thống thông tin dùng chung cấp tỉnh có sử dụng dịch vụ điện toán đám mây; nâng cấp trung tâm dữ liệu của tỉnh Gia Lai đạt tiêu chuẩn điện toán đám mây.
Về hạ tầng công nghệ số: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ chuỗi khối (blockchain), Internet vạn vật (IoT) vào các lĩnh vực kinh tế và xã hội; hỗ trợ hiệu quả cho chương trình chuyển đổi số tỉnh, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hệ thống quản trị số địa phương và năng lực quản trị; xây dựng và thiết lập ban đầu hệ thống tiêu chuẩn AI, blockchain, IoT; từng bước hình thành hệ sinh thái hạ tầng công nghệ AI, blockchain, IoT...
Có ít nhất 70% cơ quan, tổ chức nhà nước, 60% doanh nghiệp sử dụng nền tảng số phục vụ chuyển đổi số; hình thành hệ sinh thái nền tảng số đáp ứng cơ bản yêu cầu chuyển đổi số, được sử dụng sâu rộng để phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và trong từng ngành, lĩnh vực, địa bàn, góp phần quan trọng để đạt được các chỉ tiêu chiến lược quốc gia phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Kế hoạch đã đề ra các nhiệm vụ để thực hiện, gồm:
Phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng, phổ cập, bền vững, an toàn; phát triển hạ tầng trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây; phát triển hạ tầng công nghệ số; phát triển nền tảng số có tính chất hạ tầng;
Hoàn thiện các chính sách, thúc đẩy, ưu tiên, tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng, xây dựng các trung tâm lưu trữ dữ liệu, trạm trung chuyển Internet... trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch của doanh nghiệp;
Ưu tiên phát triển hạ tầng số đồng bộ với hạ tầng giao thông, năng lượng; huy động tổng hợp các nguồn lực, bảo đảm kinh phí, nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng số; bảo đảm an toàn hạ tầng số, an toàn, an ninh mạng, quyền lợi hợp pháp của người dùng; đo lường, quản lý, giám sát; puyên truyền, nâng cao năng lực khai thác hạ tầng số; tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế.
Để đạt được các mục tiêu của Kế hoạch, UBND tỉnh yêu cầu hạ tầng số được lập kế hoạch, triển khai song song, đồng bộ hoặc lồng ghép với triển khai hạ tầng giao thông, hạ tầng điện, hạ tầng chiếu sáng, hạ tầng công trình ngầm, các hạ tầng kỹ thuật khác.
Các doanh nghiệp phối hợp phát triển hạ tầng số theo nguyên tắc dùng chung, chia sẻ. Phát triển hạ tầng số đảm bảo tính kế thừa, đồng bộ, an toàn, tin cậy có bước đi và lộ trình cụ thể.
Hạ tầng số phát triển theo hướng mở, ảo hóa, tối ưu cho việc dùng chung để có thể được cung cấp như một dịch vụ, trong đó giải pháp đột phá là hạ tầng điện toán đám mây và các nền tảng số. Hạ tầng số phát triển an toàn, tin cậy, góp phần tạo lập niềm tin số.
Yến Linh