Dữ liệu từ Drewry Shipping cho biết, cước vận tải để vận chuyển 1 container kích thước 40 feet từ Thượng Hải (Trung Quốc) cho tới Rotterdam (Hà Lan) hiện đã chạm mức cao kỷ lục 10.522 USD, tức tăng 547% so với mức trung bình 5 năm về trước.
Theo Bloomberg, với hơn 80% tổng hàng hóa thương mại được vận chuyển bằng đường biển, cước vận tải biển tăng mạnh có nguy cơ làm nâng giá của mọi thứ, từ nhu yếu phẩm đến linh kiện ô tô. Tình trạng này càng làm gia tăng mối lo ngại về lạm phát trên thị trường toàn cầu, trong bối cảnh áp lực lạm phát vẫn đang đến từ nhiều phía.
“Trong 40 năm kinh doanh bán lẻ đồ chơi, tôi chưa bao giờ thấy tình hình giá cả căng thẳng đến vậy”, Gary Grant, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành của hãng đồ chơi The Entertainer ở Anh, cho biết. Ông đã phải ngừng nhập khẩu những con gấu teddy cỡ đại từ Trung Quốc vì sẽ phải tăng gấp đôi giá bán lẻ mới đủ để bù đắp chi phí vận chuyển.
Hiện thị trường đang phải đối mặt với hàng loạt yếu tố căng thẳng: nhu cầu tăng vọt, tình trạng thiếu container, các cảng tắc nghẽn, thiếu tàu cũng như thiếu công nhân bốc dỡ tại cảng. Hệ quả là mọi tuyến đường đều phải chịu sức ép lớn.
Gần đây, dịch bệnh COVID-19 tái bùng phát tại một số trung tâm xuất khẩu của châu Á như ở một số cảng của Trung Quốc khiến tình hình càng tồi tệ hơn. Các chặng đường dài bị ảnh hưởng nặng nề nhất, trong đó cước vận chuyển từ Thượng Hải đến Rotterdam đắt hơn 67% so với từ Thượng Hải tới Bờ Tây nước Mỹ.
Trước đây, cước vận tải biển thường được coi là không ảnh hưởng nhiều đến lạm phát bởi chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng chi phí. Tuy nhiên, hiện các nhà kinh tế học cho rằng cần phải chú ý nhiều hơn đến yếu tố này. HSBC ước tính giá cước vận chuyển bằng container tăng 205% sẽ khiến chi phí sản xuất (PPI) của khu vực đồng Euro tăng thêm 2%.
Các nhà bán lẻ đối mặt với 3 lựa chọn: tạm ngừng nhập hàng, tăng giá hoặc tự hấp thụ chi phí để sau này mới chuyển gánh nặng lên người tiêu dùng. Tất cả phương án này đều khiến giá cả tăng, theo Jordi Espin - chuyên gia của Hội đồng các nhà vận tải biển ở châu Âu, tổ chức đại diện cho khoảng 100.000 nhà bán lẻ, bán buôn và nhà sản xuất. Theo ông, hiện một phần gánh nặng chi phí đã được chuyển sang cho người tiêu dùng.
Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, các công ty vẫn đang cố gắng hết sức. Một số ngừng xuất khẩu đến một vài thị trường, trong khi nhiều công ty khác thử tìm kiếm nguồn hàng hóa hoặc nguyên vật liệu ở gần hơn giảm chi phí. Tình trạng càng kéo dài lâu, càng nhiều công ty sẽ có nguy cơ phải tái cấu trúc, rút ngắn chuỗi cung ứng.
Đến nay, các ngân hàng trung ương vẫn coi nhẹ hiện tượng cước phí vận tải tăng trên toàn cầu khi cho rằng đà tăng giá xuất phát từ những điểm tắc nghẽn trên chuỗi cung ứng dù có thể kéo dài đến hết năm nay nhưng sẽ sớm phai nhạt. Ngoài ra, các công ty thường ký hợp đồng theo năm với các hãng tàu, vì vậy giá cước trên thực tế có thể thấp hơn nhiều so với giá giao ngay mà báo chí giật tít.
Dù vậy, giới phân tích kinh tế cảnh báo không nên coi thường nguy cơ lạm phát. "Ngay cả khi mức độ nhỏ hơn so với ước tính, cơn sóng lạm phát đã tích tụ suốt hơn 1 năm, do đó sẽ có những ảnh hưởng nhất định. Tồn tại nguy cơ chúng ta đang đánh giá các tác động thấp hơn so với thực tế có thể xảy ra", giáo sư Volker Wieland của Goethe University (Frankfurt, Đức) nhận định.
Trúc Mai