Truyền thống đạo lý "uống nước nhớ nguồn", đồng bào cả nước đã động viên, khích lệ chăm sóc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho thương bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng trên khắp cả nước.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tặng quà người có công với cách mạng tại Hà Nội
Quan tâm, chăm sóc chu đáo, toàn diện…
Những năm qua, tỉnh Thái Nguyên luôn chú trọng thực hiện tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, quan tâm chăm lo cho các gia đình liệt sỹ, thương bệnh binh và người có công với cách mạng, bằng nhiều hoạt động cụ thể, thể hiện trách nhiệm và tình cảm tri ân sâu sắc.
Toàn tỉnh hiện đang quản lý, thực hiện chính sách ưu đãi cho trên 130.000 người có công với cách mạng.
Trong đó, có 1.158 người hoạt động cách mạng trước 1/1/1945 và người hoạt động cách mạng từ 1/1/1945 đến trước tổng khởi nghĩa, 562 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 10.821 liệt sỹ, 7.189 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh, 2.742 bệnh binh, 13.178 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học, trên 95.000 người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc được tặng thưởng huân chương, huy chương kháng chiến đã được hưởng chính sách ưu đãi 1 lần...
Hằng năm, tỉnh có trên 6.000 người hưởng chế độ thờ cúng liệt sỹ và gần 22.000 người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng.
Theo Sở LĐ-TB&XH, các đối tượng người có công được chăm sóc đầy đủ và toàn diện, trên các lĩnh vực: Nhà ở, đất đai, chăm sóc nuôi dưỡng, điều dưỡng sức khỏe, giáo dục, y tế…
Trong 7 năm (2012 - 2019), toàn tỉnh đã vận động được trên 42 tỷ đồng cho Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; có 9.821 gia đình có công với cách mạng được hỗ trợ nhà ở. NSNN hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở trên địa bàn tỉnh là 227 tỷ đồng; cấp ủy, chính quyền địa phương còn hỗ trợ, vận động DN, xã hội, bà con hàng xóm quyên góp, người có công với cách mạng đối ứng 265 tỷ đồng để xây mới, sửa chữa nhà ở.
Qua đó, phát huy tinh thần trách nhiệm, truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, chung tay của cộng đồng, giúp các gia đình có công với cách mạng ổn định cuộc sống.
Đặc biệt, dịp Tết Cổ truyền dân tộc và Kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7), ngoài việc chuyển quà tặng của Chủ tịch nước đến tận tay các đối tượng người có công kịp thời, Thái Nguyên còn tổ chức các đoàn đến thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách.
100% Mẹ Việt Nam Anh hùng được cơ quan, tổ chức, DN nhận chăm sóc phụng dưỡng; gần 100% gia đình chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú; 100% xã, phường được công nhận làm tốt công tác thương binh - liệt sỹ và người có công.
Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thái Nguyên: Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trong những năm qua đã được xã hội hóa sâu rộng, huy động được sức mạnh của toàn xã hội. Trong đó, phải kể đến các hoạt động: Xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa, “Nhà tình nghĩa”; phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng; chăm sóc giúp đỡ thương bệnh binh nặng, bố mẹ liệt sỹ già yếu, cô đơn, con liệt sỹ mồ côi...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng quà các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng
Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong các tầng lớp nhân dân, nhất là giáo dục cho thế hệ trẻ lòng biết ơn và tiếp tục làm tốt công tác chăm sóc người có công, đảm bảo tất cả gia đình người có công được cải thiện nhà ở.
Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ”, tập trung thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; tạo mọi điều kiện thuận lợi để gia đình người có công tham gia các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống”.
Tại Phú Thọ, quá trình thực hiện chính sách đã huy động sự vào cuộc của đông đảo tầng lớp nhân dân, các tổ chức, góp phần nâng cao đời sống của một bộ phận người có công với cách mạng, tạo sự phấn khởi trong nhân dân.
Thương binh nặng 1/4 Đỗ Văn Đơ (xã Bắc Sơn, huyện Tam Nông, Phú Thọ) chia sẻ: “Phục viên trở về địa phương với sức khỏe yếu, kinh tế gia đình chồng chất khó khăn. Chắt chiu lắm, năm 2010, vợ chồng mới xây được ngôi nhà cấp 4, nhưng cũng chỉ dừng lại ở phần thô mà chưa có điều kiện hoàn thiện. Năm 2018, được Nhà nước quan tâm hỗ trợ 20 triệu đồng, tôi sửa lại căn nhà khang trang, sạch sẽ hơn”.
Bà Nguyễn Thị Thanh Lạc (Khu 10, xã Xuân Thủy, huyện Yên Lập, Phú Thọ) là thân nhân của 2 liệt sỹ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, được ở trong ngôi nhà kiên cố thay thế ngôi nhà tạm là niềm vui, hạnh phúc. Vì chồng con thường xuyên đau ốm nên nhiều năm gia đình bà là hộ nghèo. Năm 2019, từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước với số tiền 40 triệu đồng, gia đình bà đã xây được ngôi nhà rộng rãi. Bà Lạc rất phấn khởi, động viên các con chịu khó làm ăn để gia đình có cuộc sống ấm no…
Từ khi triển khai việc hỗ trợ xây dựng nhà ở theo QĐ số 22/2013/QĐ-TTg (ngày 26/4/2013) của Thủ tướng Chính phủ, Sở Xây dựng đã phối hợp với Sở LĐ-TB&XH, Sở Tài chính và các sở, ngành liên quan tỉnh Phú Thọ, thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc chỉ đạo thực hiện.
Công tác xã hội hóa trong hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở được quan tâm. Cùng với nguồn hỗ trợ của Trung ương và đối ứng của tỉnh theo quy định, nhiều địa phương trong tỉnh đã huy động hỗ trợ từ các cơ quan, DN, cá nhân trên địa bàn bằng nhiều hình thức tiền mặt, hiện vật, ngày công lao động…
Công tác lập hồ sơ hoàn công cho từng gia đình được hỗ trợ về nhà ở; quản lý, cấp phát, thanh quyết toán các nguồn vốn hỗ trợ đảm bảo chính xác, dân chủ, công khai đúng đối tượng, đúng mục đích và có hiệu quả. Nhà ở sau khi xây dựng mới và sửa chữa, đảm bảo đúng theo diện tích và chất lượng theo quy định.
Tính đến cuối năm 2019, toàn tỉnh Phú Thọ đã có 8.411 hộ chính sách đã được nhận hỗ trợ, trong đó hơn 3.800 hộ chính sách xây mới và hơn 4.500 hộ chính sách sửa chữa nhà ở với tổng số kinh phí ngân sách trung ương đã được thanh quyết toán là 245,56 tỷ đồng.
Ngoài chương trình hỗ trợ nhà cho người có công theo QĐ22, còn nhiều chương trình khác như nhà đại đoàn kết, nhà tình thương… Các dự án tài trợ của các nhà hảo tâm, doanh nghiệp cho người có công trên địa bàn tỉnh cũng được thực hiện thường xuyên, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc…
Lan tỏa các phong trào đền ơn đáp nghĩa
Trong suốt 73 năm qua, Ðảng và Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và có nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ và người có công với cách mạng.
Phong trào “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng”, Quỹ “Ðền ơn đáp nghĩa”…, ngày càng phát triển sâu rộng, được đông đảo các tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng và trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa của xã hội, đời sống của các gia đình chính sách không ngừng được cải thiện.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, Kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2020) - sẽ là một trong chuỗi những sự kiện quan trọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân trong năm nay. Đây chính là dịp để tri ân, tưởng nhớ công ơn của những Anh hùng liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng đã cống hiến to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Các hoạt động nổi bật trong dịp Kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ tại cấp trung ương: Dự kiến vào tháng 8, Chính phủ sẽ trình UBTVQH thông qua Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi); tổ chức dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại Đài Tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ và viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh vào dịp 27/7…
Đặc biệt, ngày 25/7/2020, Chương trình “Gặp mặt Bà mẹ Việt Nam anh hùng toàn quốc 2020” do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Bộ Quốc Phòng, Công an, Nội vụ, Y tế, UBND TP. Hà Nội và các cơ quan diễn ra tại Hà Nội để lại ấn tượng, ý nghĩa sâu sắc.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, 2020 là năm rất đặc biệt, gắn liền với nhiều sự kiện trọng đại của đất nước và đây cũng là một năm cả nước gồng mình chống dịch Covid-19. Vì vậy, công tác tri ân đối với người có công càng phải làm tốt để làm ấm lòng dân, củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước.
Bên cạnh những hoạt động lớn như gặp gỡ, thăm hỏi, động viên và tuyên dương những người có công với cách mạng, hoạt động trọng tâm nhất của năm nay là cuộc Gặp mặt 300 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng toàn quốc năm 2020. Đây là những đại biểu đại diện cho những người mẹ đã đóng góp vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc bằng sự hy sinh thầm lặng và vĩ đại.
Cuộc gặp gỡ là một sự kiện rất có ý nghĩa, thể hiện sự tri ân sâu sắc, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể cùng đồng bào và chiến sỹ cả nước trong công tác chăm sóc đối với người có công với cách mạng, đồng thời lan tỏa những thông điệp về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” tới xã hội, cộng đồng, Nhân dân cả nước.
Sự kiện là dịp tri ân các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, những người đã không ngừng nỗ lực trong cuộc sống, đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội, là những tấm gương sáng cho các thế hệ noi theo.
Tiếp tục thực hiện tốt chính sách đối với người có công
Với chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực thực hiện chính sách ưu đãi người có công, nhân dịp Kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ, Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể tiếp tục hoàn thiện Dự án Pháp lệnh ưu đãi người có công (sửa đổi).
Trong đó, tập trung chỉ đạo các địa phương giải quyết hồ sơ tồn đọng xác nhận người có công; tiếp tục đẩy mạnh công tác xác định hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin; xây dựng quy chế Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” và tăng cường công tác kiểm tra thực hiện chính sách người có công tại các địa phương.
Nhằm phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, thời gian tới, các cấp, ngành cần thực hiện tốt nhiệm vụ và giải pháp sau.
Các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và đoàn thể cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo; tiếp tục quán triệt, tuyên truyền sâu rộng hơn nữa quan điểm, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với thương bệnh binh, thân nhân liệt sỹ, người có công với cách mạng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Trọng tâm là thực hiện tốt Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư “Về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác người có công với cách mạng”.
Lãnh đạo tỉnh Phú Thọ thăm và tặng quà thương binh 1/4 Trần Nguyên Bình (TP. Việt Trì)
Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng”; tích cực ủng hộ Quỹ “Ðền ơn đáp nghĩa”, bảo đảm thiết thực, sâu rộng, hiệu quả.
Phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và của toàn xã hội trong công tác chăm sóc người có công với cách mạng. Thường xuyên quan tâm, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người có công, kiến nghị cấp ủy và cơ quan nhà nước có thẩm quyền kịp thời giải quyết các vấn đề liên quan, bảo đảm quyền lợi của người có công với cách mạng.
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, chế độ ưu đãi xã hội đối với người có công với cách mạng, phấn đấu đến năm 2020, hoàn chỉnh hành lang pháp lý trong lĩnh vực này. Trước mắt, cần thể chế hóa đầy đủ các quy định về xác nhận thương binh, liệt sỹ, người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học.
Điều chỉnh chế độ trợ cấp ưu đãi trên cơ sở mức tiêu dùng bình quân xã hội; triển khai thực hiện đồng bộ các chế độ ưu đãi nhằm nâng cao mức sống người có công để bản thân và gia đình họ có mức sống trên mức trung bình của xã hội.
Thông qua các chính sách phát triển KT-XH, chương trình mục tiêu quốc gia về GD&ĐT, dạy nghề, việc làm, giảm nghèo… tạo điều kiện cho bản thân người có công và gia đình họ (đặc biệt là con của họ) học tập, học nghề, tạo việc làm, phát triển về kinh tế nhằm ổn định, nâng cao đời sống gia đình, đồng thời góp phần phát triển KT-XH chung của đất nước.
Với sự quan tâm thiết thực và đầy ý nghĩa, những năm qua, các gia đình thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công trên cả nước đã có cuộc sống ngày càng ổn định và từng bước được nâng cao, cả về vật chất và tinh thần.
Nhiều gia đình thương bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng đã phát huy phẩm chất Bộ đội cụ Hồ, trở thành tấm gương điển hình - tiêu biểu cho ý chí vươn lên, tinh thần vượt khó, giúp nhau cùng phát triển và thành công trên nhiều lĩnh vực. Các gia đình chính sách đã gương mẫu xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng đô thị văn minh.
Nhiều thương binh, bệnh binh thể hiện rõ quyết tâm và nghị lực thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thương binh tàn nhưng không phế”…
Hoan Nguyễn