Ảnh minh họa
Ảnh minh họa (Ảnh: internet)

Chiến dịch này là một phần trong nỗ lực của châu Âu nhằm thay đổi nguồn cung và làm suy yếu nguồn tài chính của Nga. Trong khi dòng khí tự nhiên vận chuyển qua đường ống từ Nga đã giảm xuống mức thấp kỷ lục, thì việc vận chuyển LNG qua kênh khác lại tăng lên.

“Thông điệp của tôi là năm nay phải giảm bớt xuất khẩu của Nga hơn nữa…Tại EU, chúng tôi đang dần dần gây áp lực lên các công ty châu Âu để giảm việc mua LNG của Nga, và ở đây một lần nữa niềm tin vào nguồn cung của Mỹ là rất quan trọng”, Ủy viên Năng lượng châu Âu, Kadri Simson cho biết sau cuộc họp của Hội đồng Năng lượng EU-Mỹ tại Washington.

Các chính phủ EU sẽ có một công cụ mới để ngừng nhập khẩu khí đốt từ Nga sau khi luật có hiệu lực trong vài tuần tới sẽ cho phép ngăn chặn các dòng chảy đó mà không sử dụng các biện pháp trừng phạt. Một số quốc gia thành viên EU đã kêu gọi ủy ban đảm bảo sử dụng quy định một cách phối hợp để tránh các chuyến hàng bị chuyển hướng sang các nước láng giềng có thể di chuyển với tốc độ chậm hơn.

Quy định này sẽ trao quyền cho các quốc gia thành viên EU ngừng nhập khẩu LNG của Nga mà không cần dùng đến các biện pháp trừng phạt. Quy định này cũng nhằm ngăn chặn các nhà xuất khẩu Nga và Belarus tiếp cận cơ sở hạ tầng cần thiết cho các chuyến hàng LNG, và bảo vệ lợi ích an ninh thiết yếu của EU.

“Trong những tháng gần đây, chúng tôi thấy Nga giảm doanh thu, nhưng chúng tôi vẫn còn nhiều việc phải làm để ngăn chặn LNG của Nga tiếp cận thị trường châu Âu”, bà Kadri Simson cho biết.

Bà cũng nhấn mạnh khả năng của EU trong việc quản lý mà không cần khí đốt qua đường ống của Nga đi qua Ukraine, cho thấy các tuyến cung cấp thay thế và các cơ sở LNG có thể giảm thiểu rủi ro an ninh lớn.

“Quan điểm của EU vẫn là có các tuyến cung cấp thay thế, sử dụng mạng lưới của mình từ nam sang tây, tận dụng các cơ sở LNG và các kết nối đường ống khác…Chúng tôi tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các quốc gia thành viên EU bị ảnh hưởng nặng nề nhất để đảm bảo rằng các giải pháp thay thế đã sẵn sàng”, bà Kadri Simson cho biết.

Trong khi đó, thị trường LNG toàn cầu đang chứng kiến những thay đổi đáng kể, với việc Mỹ vượt qua Úc và Qatar về sản lượng xuất khẩu LNG. Sự gia tăng sản lượng này của Mỹ diễn ra trong bối cảnh các cuộc thảo luận về nhu cầu LNG trong tương lai, trong đó Woodside Energy Group - nhà xuất khẩu LNG hàng đầu của Úc - dự kiến mức tiêu thụ sẽ tăng 50% trong thập kỷ tới. Tuy nhiên, thị trường này vẫn phải đối mặt với những thách thức, bao gồm những bất ổn về quy định ở Mỹ và các điều kiện thị trường được đưa ra sắp tới có thể ảnh hưởng đến cân bằng cung và cầu.

Hà Trần(t/h)