Cụ thể, tổng thu ngân sách Nhà nước 10 tháng đạt 1,65 triệu tỷ đồng, đạt 97,2% dự toán năm và tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là một kết quả khả quan và cho thấy nỗ lực tích cực của các cơ quan chức năng trong việc thu hút nguồn lực cho ngân sách quốc gia. Riêng, tháng Mười ghi nhận mức thu đạt 178.500 tỷ đồng và góp phần quan trọng vào tổng thu của 10 tháng.
Về cơ cấu nguồn thu, thu nội địa đóng góp chính vào tổng thu ngân sách Nhà nước của 10 tháng với giá trị xấp xỉ 1,38 triệu tỷ đồng, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước và tương đương 95,4% dự toán năm. Nguồn thu từ dầu thô lại giảm 6% so với cùng kỳ và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng mạnh 18,9%, đạt 227.200 tỷ đồng (đạt 111,4% dự toán năm), qua đây phản ánh sự phục hồi tích cực của hoạt động thương mại quốc tế.
Về cân đối nguồn lực, tổng chi ngân sách Nhà nước 10 tháng đạt gần 1,4 triệu tỷ đồng, bằng 66% dự toán năm và tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chi thường xuyên đạt 956.300 tỷ đồng, tăng 9,5%, đáp ứng nhu cầu hoạt động của bộ máy Nhà nước. Tuy nhiên, chi đầu tư phát triển chỉ đạt 355.600 tỷ đồng, giảm 8,7%, qua đây đòi hỏi sự cần thiết phải tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và các dự án trọng điểm. Ngoài ra, chi trả nợ lãi đạt 85.800 tỷ đồng, tăng 8,1%.
Với ghi nhận trên, báo cáo đánh giá thu-chi ngân sách Nhà nước mười tháng của năm 2024 đảm bảo các nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn cũng như chi trả kịp thời cho các đối tượng theo quy định.
Phương Thảo(t/h)