“Sau giai đoạn biến động và trầm lắng vì những ảnh hưởng của dịch Covid-19, du lịch Việt Nam đã phục hồi trở lại như giai đoạn trước đại dịch. Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong năm nay có thể đạt mức 18 triệu lượt khách và sẽ tăng lên 20-25 triệu lượt khách vào những năm tới khi nhu cầu du lịch tới Việt Nam vẫn đang gia tăng mạnh mẽ”, đó là nhận định của ông Rajit Sukumaran, Phó Chủ tịch cấp cao kiêm Giám đốc điều hành khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, Tập đoàn IHG Hotels & Resorts.
Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam trong 10 tháng đầu năm đạt hơn 14,1 triệu lượt người, tăng 41,3% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, hai tháng cuối năm, nước ta cần đón thêm 3,9 triệu lượt khách quốc tế nữa để hoàn thành mục tiêu đề ra.
Kích cầu du lịch những tháng cuối năm
Thời điểm này đang vào “mùa vàng” cao điểm đón khách, nhất là khách quốc tế. Do đó, ngành du lịch tận dụng cơ hội để hiện thực hóa các mục tiêu đặt ra về lượng khách du lịch của cả năm 2024. Theo đó, nhiều địa phương trên cả nước và các đơn vị, doanh nghiệp du lịch đã và đang triển khai các kế hoạch để kích cầu du lịch, “tăng tốc” dịp cuối năm.
Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu hết năm 2024 đón khoảng 26,5 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 5 triệu lượt khách quốc tế. Qua hơn 10 tháng, tổng số du lịch đến Hà Nội ước đạt trên 23 triệu lượt, tăng hơn 11% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khách quốc tế đã chạm mức gần 5 triệu lượt, tăng 35,8% so với cùng kỳ năm trước với tổng thu từ khách du lịch ước đạt 90,065 nghìn tỷ đồng.
Mùa Thu – Đông là mùa vàng của du lịch Thủ đô Hà Nội, để tăng tốc đạt mục tiêu đề ra, từ tháng Mười cho đến cuối năm, Hà Nội có nhiều hoạt động diễn ra sôi nổi nhằm thu hút khách du lịch như: Lễ hội quà tặng du lịch Hà Nội năm 2024, chuỗi các sự kiện du lịch thể thao, âm nhạc... Cũng mới đây ngày 24/11, nhân dịp khai trương mạng 5G đầu tiên tại Việt Nam và kỷ niệm 20 năm kinh doanh dịch vụ di động, Siêu nhạc hội Viettel Y- FEST 2024 chính thức diễn ra tại quảng trường Cách mạng tháng 8 – Phố đi bộ Hồ Gươm thu hút đông đảo người dân thủ đô và du khách đến tham dự. Hơn 60.000 khán giả tham dự chuỗi sự kiện tại khu vực xung quanh tuyến phố đi bộ đã ví Y-Fest như “siêu nhạc hội của các nhạc hội”, đem lại bầu không khí cuồng nhiệt chưa từng có từ trước đến nay. Đây cũng là dịp để người dân được trải nghiệm hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ trên nền 5G- thế hệ di động mới nhất tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, Hà Nội tiếp tục xây dựng mô hình thí điểm phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn để tăng trải nghiệm cho du khách ở ngoại thành.
Tại tỉnh Lào Cai, ngành du lịch Lào Cai đã phục hồi trở lại sau siêu bão số 3 (bão Yagi). Theo số liệu thống kê của Sở Du lịch, tổng lượng khách du lịch đến Lào Cai tháng 11 đạt 619.170 lượt, tăng 51% so với tháng trước (tháng 10 đón 410.112 lượt khách). Trong đó, khách quốc tế là 66.653 lượt, khách nội địa là 552.517 lượt. Những tháng cuối năm, ngành du lịch Lào Cai sẽ tiếp tục triển khai nhiều hoạt động kích cầu, quảng bá du lịch như: Tham gia Hội chợ kinh tế thương mại biên giới Trung - Việt (Hà Khẩu) năm 2024; tổ chức đoàn khảo sát đánh giá tiềm năng và hiện trạng phát triển du lịch của xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa; tổ chức Hội thảo phát triển du lịch nông nghiệp và sản phẩm lưu niệm quà tặng tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lào Cai…
Việc kích cầu ngành du lịch đã trở thành xu hướng hợp tác giữa các doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Mới đây đã diễn ra lễ công bố hợp tác kích cầu du lịch “Quảng Ninh - Điểm đến bốn mùa” do Sở Du lịch Quảng Ninh phối hợp với Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh thực hiện đã diễn ra. Chương trình có sự tham gia của gần 340 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực như khách sạn, nhà hàng, điểm tham quan, du thuyền… với trên 350 gói sản phẩm kích cầu, nhằm tạo động lực cho hoạt động du lịch của Quảng Ninh trong những ngày còn lại của năm 2024 và đầu năm 2025.
Hay như tại tỉnh Nghệ An, để quảng bá - giới thiệu các sản phẩm du lịch thì Sở Du lịch Nghệ An đã ban hành nhiều kế hoạch kích cầu du lịch như: Tổ chức các sự kiện gắn với hoạt động du lịch văn hóa những tháng cuối năm 2024; tổ chức các hoạt động bên lề kỷ niệm 10 năm Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; các sản phẩm ẩm thực tại các điểm tham quan du lịch mùa thu đông với chủ đề “Trải nghiệm ẩm thực Thu - Đông Nghệ An”;…
Tại TP.HCM, theo Sở Du lịch TP.HCM, thành phố đã đón gần 35 triệu lượt khách trong 10 tháng năm 2024 (trong đó: có gần 4,7 triệu lượt khách quốc tế và 31 triệu lượt khách nội địa). Lượng khách quốc tế đến TP.HCM trong tháng 10 tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 650.000 lượt.
TP.HCM đang tích cực triển khai công tác phối hợp tổ chức các hoạt động, sự kiện du lịch; đồng thời, tiếp tục triển khai Đề án phát triển du lịch thông minh trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025, trong đó tập trung cho dự án “Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dịch vụ du lịch”, tiếp tục triển khai kế hoạch truyền thông điểm đến “TP. Hồ Chí Minh - Chào đón bạn” năm 2024.
Khu vực vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cũng đang tích cực chuyển đổi xanh trong lĩnh vực du lịch với nhiều mô hình du lịch xanh thu hút du khách. Đặc thù miệt vườn sông nước, hệ thống kênh rạch cùng hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển và các vùng đất ngập nước đồng bằng độc đáo, đây là một lợi điểm giúp ĐBSCL thu hút rất đông khách du lịch trong và ngoài nước tới thăm quan, trải nghiệm. Khách quốc tế đặc biệt quan tâm tới các sản phẩm du lịch cộng đồng liên tỉnh, thăm cù lao Thới Sơn, Tiền Giang; các làng nghề làm bánh kẹo thủ công truyền thống ở Bến Tre; các tour du lịch làng hoa Sa Đéc; thăm nhà cổ Huỳnh Thủy Lê…
Ngoài ra, ngành du lịch vùng này cũng đẩy mạnh đầu tư, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, khai thác tiềm năng của các loại hình du lịch mới như: Du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch mạo hiểm kết hợp với phát huy các tiềm năng, thế mạnh của các vùng du lịch, các địa phương; nâng cao chất lượng dịch vụ, nhân lực du lịch; cải thiện cơ sở hạ tầng và các dịch vụ đi kèm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách…
Giải pháp nào để du lịch Việt Nam bứt tốc những tháng cuối năm?
Mặc dù đạt được kết quả tích cực trong những tháng đầu năm song ngành du lịch Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt là sự cạnh tranh từ các nước trong khu vực như: Thái Lan, Singapore, Malaysia...
Từ giờ đến cuối năm đang trong thời gian cao điểm khách quốc tế, bên cạnh các sản phẩm du lịch văn hóa truyền thống, các địa phương đã phát triển nhiều sản phẩm du lịch mới, du lịch ở ngoại thành. Đây được coi là giải pháp để tránh tình trạng ùn tắc, quá tải khách cục bộ ở các điểm du lịch khu nội đô vào dịp Tết.
Nói về mục tiêu thu hút 18 triệu lượt khách quốc tế năm 2024, ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho rằng, đây là mục tiêu hoàn toàn khả thi. Vì đây là thành quả của những nỗ lực từ nới lỏng chính sách thị thực, quảng bá hình ảnh đất nước đến nâng cao chất lượng dịch vụ. “Kỳ vọng trong những tháng còn lại năm 2024, lượng khách quốc tế đến Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng đột phá, ngành du lịch sẽ hoàn thành mục tiêu đón từ 17 - 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay”, đại diện Cục Du lịch Quốc gia nhận định.
Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, Việt Nam có thể đón được trên dưới 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024 và hoàn thành mục tiêu đề ra. Có thể con số sẽ thấp hơn hoặc cao hơn một chút nhưng sẽ cách mục tiêu không quá xa. Tôi hoàn toàn cho rằng ngành du lịch có thể làm được khi Việt Nam đang trong dịp đón khách quốc tế đông đảo nhất.
Theo ông Thành, để có thể thu hút thêm nhiều khách quốc tế hơn, Việt Nam cần rút ra các bài học kinh nghiệm cũng như phát huy các thế mạnh sẵn có. "Chúng ta có thể nhìn thấy rõ sự dịch chuyển của khách du lịch, nhiều thị trường khách mới đến với Việt Nam như các đoàn khách lớn đến từ Ấn Độ. Điều đó cho thấy chúng ta hoàn toàn có thể đón những đoàn khách đông đảo", ông Thành nhấn mạnh.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2024, những tháng cuối năm, các địa phương cần phải lên kế hoạch đón mùa cao điểm khách quốc tế, từ tháng Mười đến tháng Tư năm 2025. Trong đó, những địa phương có lợi thế du lịch biển như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa... mở thêm hướng phát triển du lịch tàu biển. Những tỉnh miền núi như Hà Giang, Sơn La, Lào Cai, Điện Biên, Cao Bằng... tiếp tục tận dụng lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, đẩy mạnh sản phẩm du lịch về hoa; tour du lịch biên giới...
Do đó chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần phải thúc đẩy mạnh các hoạt động quảng bá trong thời gian sắp tới để thu hút thêm nhiều thị trường khách mới và chất lượng. Đồng thời, cần có những chính sách để kết nối các ngành kinh doanh dịch vụ trong nước với nhau, từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ trong nước, thu hút khách quốc tế quay lại với lại với Việt Nam nhiều lần.
"Về lâu dài cần triển khai một số giải pháp là mở rộng và cung cấp thêm các hoạt động dịch vụ như quán bar, vũ trường, những khu mua sắm quy mô lớn; những sản phẩm thủ công, mỹ nghệ mẫu mã đẹp, sản xuất theo nhu cầu của khách thay vì chỉ có những sản phẩm thuần túy từ các làng nghề", Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam đưa ra gợi ý.
Vừa qua, tạp chí du lịch nổi tiếng của Mỹ Condé Nast Traveler công bố Giải thưởng Readers’ Choice Awards 2024, Việt Nam vinh dự được xếp trong danh sách 20 quốc gia được yêu thích nhất bởi du khách toàn cầu.
Đứng ở vị trí thứ 15 trong danh sách 20 quốc gia được yêu thích nhất với số điểm 89,11/100, Việt Nam được đánh giá là điểm đến văn hóa đa dạng, hấp dẫn du khách. Condé Nast Traveler cũng ca ngợi, sự mộc mạc và quyến rũ của Việt Nam đã góp phần đưa đất nước này trở thành một trong những điểm đến được yêu thích hàng đầu.
Condé Nast Traveler cũng nhắc đến những giải thưởng danh giá mà du lịch Việt Nam giành được tại World Travel Awards vừa qua. Trong đó, Việt Nam lần thứ 6 được bình chọn là “Điểm đến hàng đầu châu Á”, cùng với đó là các danh hiệu như “Điểm đến di sản hàng đầu châu Á” và “Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á”.
“Việt Nam không còn là một điểm đến đáng chú ý nữa, mà là điểm đến nhất định phải ghé thăm”, tạp chí Condé Nast Traveler nhận định
Minh An