Trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII trình Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng và toàn dân ta cho thời gian tới là “Giữ vững độc lập, tự chủ, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”.

Báo cáo chỉ ra rằng, cần phải “triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng” và “bảo đảm trên hết và trước hết lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi”. Dự thảo Báo cáo định hướng rõ cần phải “tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín đất nước. Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân”.

Đóng góp của đối ngoại vào sự nghiệp cách mạng của cả dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng là rất quan trọng và quyết định trong tất cả các giai đoạn cách mạng đến nay. Đối ngoại vừa là một mặt trận và nguồn lực, vừa là một trong những nhân tố góp phần đảm bảo cho thắng lợi của cuộc cách mạng ở nước ta. Thành tựu đối ngoại đã góp phần mở ra cho đất nước những chương sử phát triển đi vào tương lai trên mọi phương diện.

Năm 2020, Việt Nam đã hoàn thành trọng trách Chủ tịch ASEAN.
Năm 2020, Việt Nam đã hoàn thành trọng trách Chủ tịch ASEAN

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là dấu mốc quan trọng mới trong lịch sử đất nước ta. Sứ mệnh của sự kiện trọng đại này là mở ra thời kỳ phát triển mới cho đất nước, là đặt đất nước lên bệ phóng vươn tới những mục tiêu phát triển cao cả và cao xa hơn, cụ thể là làm cho đất nước ta trở thành “nước phát triển” vào năm 2045, thời điểm 100 năm nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.

Để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thành công những mục tiêu được Đại hội Đảng đề ra, đối ngoại không chỉ phải đảm nhận trọng trách và nhiệm vụ to lớn hơn mà còn phải tiếp nhận, thực thi và hoàn thành sứ mệnh lịch sử mới. Đất nước cần phải vươn tới những mục tiêu phát triển cao xa hơn và đất nước hiện tại có đủ thế và lực để hoàn toàn tự tin là sẽ đạt được những mục tiêu ấy. Thế giới và quan hệ quốc tế luôn biến động trong dòng chảy của thời gian. Thời cuộc luôn xoay vần. Tất cả những điều ấy tác động rất mạnh mẽ và sâu sắc tới môi trường chính trị, an ninh, đối ngoại và kinh tế đối ngoại của nước ta, bao hàm cả tác động, hậu quả và hệ luỵ có thể dự báo được lẫn không thể lường trước và lường hết được. Trong những biến động ấy luôn tiềm tàng nguy cơ và rủi ro nhưng cũng luôn tiềm ẩn cơ hội và điều kiện thuận lợi đối với mọi quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Bài toán đặt ra cho đối ngoại của nước ta trong việc thực hiện các nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ 13 là đối ngoại phải đi tiên phong, phải là lực lượng chủ lực và phải thành công trong việc không những chỉ duy trì mà còn phải không ngừng cải thiện môi trường bên ngoài hoà bình và ổn định, thuận lợi và có lợi về chính trị, an ninh, đối ngoại và kinh tế đối ngoại cho đất nước ta phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế. Đấy là bài toán về kết hợp gây dựng cái “tĩnh” giữa biến động với tận dụng cái biến động sao cho có lợi nhất trong môi trường chính trị, an ninh, đối ngoại và kinh tế đối ngoại.

Từ giác độ chiến lược cho thời gian tới cũng như cho lâu dài, vấn đề đặt ra cho đối ngoại của nước ta là tạo ra được sự đột phá chiến lược mới. Lượng đã được tích luỹ đủ mức để có thể biến thành chất và giờ là lúc cần phải biến thành chất. Quan hệ đối ngoại của quốc gia vẫn cần được tiếp tục mở rộng nhưng đưa các mối quan hệ hợp tác song phương và đa phương, đặc biệt quan hệ đa phương, đi vào chiều sâu hiện quan trọng, cần thiết và quyết định hơn cả. Yêu cầu đòi hỏi này được định lượng hóa và định tính hóa ở mức độ và bản chất hiệu quả thiết thực thật sự của hoạt động đối ngoại. Đất nước cần vận hội phát triển mới và không thể chờ vận hội đó tự đến.

Trong thế giới hiện đại ngày nay, đất nước phải tạo ra vận hội phát triển mới và đối ngoại phải đi tiên phong trong việc gây dựng vận hội mới này cho đất nước. Đất nước chỉ có thể vững bước đi vào tương lai phồn vinh và thịnh vượng khi an ninh được đảm bảo, quốc phòng được chắc chắn, phát triển kinh tế - xã hội bền vững và hiệu quả hoạt động đối ngoại thật sự thiết thực. Để thực hiện thành công trọng trách lớn trong giai đoạn cách mạng mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, đối ngoại cần sự đồng hành của ba thành tố kia, phải phục vụ thiết thực ba thành tố kia nhưng đồng thời ba thành tố kia cũng phải có trách nhiệm tham gia hoạt động đối ngoại và phục vụ mục tiêu đối ngoại.

Thủ tướng Nhật Bản trong chuyến thăm Việt Nam tháng 10/2020. Ảnh: Ngọc Khánh
Thủ tướng Nhật Bản trong chuyến thăm Việt Nam tháng 10/2020. Ảnh: Ngọc Khánh/VOV

Đối ngoại phải nhìn ra từ rất sớm nguy cơ và rủi ro từ bên ngoài đối với đất nước để đẩy chúng ra xa đất nước nhưng đồng thời phải nhận diện ra cũng từ rất sớm những cơ hội và thuận lợi từ bên ngoài đối với đất nước để kéo chúng về cho đất nước. Đối ngoại phải đóng vai trò quyết định trong việc xây dựng cho đất nước vị trí và thế đứng có lợi nhất, cụ thể ở đây trước hết là yên ổn nhất, ổn định nhất và tranh thủ được nhiều nguồn ngoại lực nhất, cho đất nước trong thế giới hiện đại bất kể tình hình thế giới rồi sẽ còn diễn biến như thế nào và xảy ra những đột biến gì, bất kể nội trị các đối tác của nước ta biến động ra sao và quan hệ giữa họ với nhau suôn sẻ hay trắc trở. Trách nhiệm của đối ngoại về đảm bảo và phục vụ cho lợi ích quốc gia - dân tộc chính là đấy.

Ở thời bình như hiện tại, cách tiếp cận vào hoạt động đối ngoại phải là phục vụ “dựng nước” để đồng thời góp phần “giữ nước”. Vì thế, câu hỏi đặt ra ở đây cũng còn là hoạt động đối ngoại hữu ích và thực chất đến đâu cho cả đất nước nói chung và cho từng địa phương trong cả nước và cho từng ngành nói riêng. Vì thế, vấn đề được đặt ra ở đây là phải có cách tiếp cận mới trong triển khai thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII mà cụ thể là phải triển khai các hoạt động đối ngoại dưới sự lãnh đạo và quản lý thống nhất của Đảng, đồng thời phải huy động sự tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đối ngoại đã trở nên rất đa dạng và cụ thể. Đối ngoại chỉ có thể hoàn thành trọng trách mới trong giai đoạn mới khi tạo dựng nên được hiệu ứng thiết thực cộng hưởng của tất cả các hoạt động đối ngoại của đất nước.

Đại sứ Trần Đức Mậu - (Nguyên Vụ trưởng Vụ Chính sách đối ngoại, Bộ Ngoại giao)