Hiện, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá có 13/15 xã thực hiện xây dựng nông thôn mới (02 xã không thực hiện xây dựng nông thôn mới là Hải Yến và Hải Hà do đang thực hiện di dân để giải phóng mặt bằng), trong đó có 7/13 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Còn lại 6 xã chưa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, gồm: Trường Lâm, Phú Sơn, Tân Trường, Phú Lâm, Tùng Lâm và xã đảo Nghi Sơn.
Đến nay, bình quân toàn thị xã đạt 16,76 tiêu chí/xã. Tổng huy động nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới của thị xã đạt 5.076,9 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương chiếm 11,74%; ngân sách tỉnh chiếm 12%; ngân sách thị xã chiếm 15,55%; ngân sách xã 11,1%; vốn doanh nghiệp 1,4%; vốn tín dụng 11%; Nhân dân đóng góp 37,21%.
Toàn thị xã đã có 19 sản phẩm được đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP từ 3 đến 4 sao. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, thị xã Nghi Sơn còn gặp nhiều khó khăn, các xã còn lại chưa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đều là những xã vùng bán sơn địa và xã đảo, trong đó có 02 xã vừa ra khỏi danh sách xã đặc biệt khó khăn thuộc diện đầu tư của chương trình 135.
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa được đầu tư đồng bộ, chưa có xã nào có công trình cấp nước sạch tập trung nên gặp nhiều khó khăn trong thực hiện đạt các tiêu chí nông thôn mới. Hệ thống thủy lợi phục vụ vùng lúa trọng điểm tại 7 xã phía Bắc của thị xã được đầu tư đã lâu, nay đã xuống cấp, nhất là trạm bơm và hệ thống kênh nhánh, việc tưới, tiêu không chủ động, hàng năm thường xảy ra ngập úng vào mùa mưa và hạn hán vào mùa khô, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất của người dân, do đó rất cần được đầu tư nâng cấp, cải tạo…
Thị xã Nghi Sơn phấn đấu đến năm 2025 có 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới, gồm: Trường Lâm, Phú Sơn, Tân Trường, Phú Lâm, Tùng Lâm. Có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là Hải Nhân, Thanh Sơn và Thanh Thủy. Có thêm 10 sản phẩm được xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Để đạt được mục tiêu trên, thị xã Nghi Sơn mong muốn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm đầu tư các công trình trạm bơm tiêu xã Thanh Thủy đang xuống cấp và nâng cấp tuyến đê sông Thị Long đoạn từ xã Thanh Thủy đến xã Thanh Sơn. Sớm ban hành các văn bản hướng dẫn, quy định các nội dung tiêu chí nông thôn mới theo bộ tiêu chí mới được ban hành để địa phương áp dụng thực hiện.
Tại buổi làm việc, các thành viên của đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ ra những hạn chế và đưa ra các giải pháp để thị xã Nghi Sơn quan tâm thực hiện trong xây dựng nông thôn mới, như xã hội hóa các công trình cấp nước sạch và vệ sinh môi trường; ưu tiên các nguồn lực kết hợp với nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới; nâng cao chất lượng văn hóa - thể thao trong cộng đồng dân cư; khai thác tiềm năng du lịch của thị xã gắn với phát triển làng nghề…
Đồng thời đề nghị, trong thời gian tới, thực hiện theo bộ tiêu chí mới với yêu cầu cao hơn nên thị xã Nghi Sơn cần định hướng rõ lộ trình thực hiện nông thôn mới trong giai đoạn tới và theo hướng đô thị hóa. Phát triển du lịch biển dựa trên giá trị văn hóa gắn với các sản phẩm đặc trưng của địa phương và thu hút nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú… Từ đó, giúp thị xã Nghi Sơn sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Hoài Thu