ssssssssss
Dù đã liên tiếp hai phiên giảm mạnh lấy đi hơn 25 điểm của VN-Index, nhưng dòng tiền bắt đáy chưa thực sự xuất hiện. Ảnh minh họa.

Sau khi phục hồi tăng điểm cuối phiên trước, VN-Index tăng nhẹ lên 1.289 điểm trong phiên hôm qua và bắt đầu chịu áp lực điều chỉnh gia tăng, phần lớn đến từ áp lực bán của khối ngoại, VN30 VN-Index chịu áp lực bán mạnh hơn trong phiên chiều. Kết phiên giao dịch 3/4, VN-Index giảm 15,57 điểm (-1,21%) về mức 1.271,47 điểm, kiểm tra lại vùng giá quanh 1.265 điểm, tương ứng giá trung bình MA20 phiên. HNX-Index giảm 1,95 điểm (-0,79%) về mức 243,96 điểm.

Thị trường phân hóa mạnh, dòng tiền ngắn hạn vẫn luân chuyển nhưng áp lực bán cũng gia tăng. Với áp lực bán ròng của khối ngoại nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục tạo áp lực điều chỉnh lên thị trường khi hầu hết chịu áp lực giảm điểm, thanh khoản gia tăng trên mức trung bình.

Sang phiên giao dịch chứng khoán sáng nay (4/4), dù đã liên tiếp hai phiên giảm mạnh lấy đi hơn 25 điểm của VN-Index, nhưng dòng tiền bắt đáy chưa thực sự xuất hiện. Thay vào đó là sự thận trọng tiếp tục diễn ra trên thị trường khi thanh khoản xuống thấp, các nhóm ngành cổ phiếu hầu như chỉ biến động nhẹ về giá. Chỉ số theo đó giằng co, rung lắc nhẹ ở trên tham chiếu sau hơn 1 giờ mở cửa với chỉ hơn 7.000 tỷ đồng giao dịch trên HOSE.

Điểm nhấn có lẽ chỉ đến từ hai cái tên NVL và DBC, khi đang dẫn đầu về khối lượng khớp lệnh trên sàn. Đối với NVL, thông tin mới nhất là việc đã có thông báo về kết quả việc triển khai thỏa thuận dàn xếp để tái cấu trúc khoản nợ trái phiếu chuyển đổi trị giá 300 triệu USD thành cổ phần phổ thông của NVL.

Trong khi đó, DBC thu hút nhà đầu tư bởi kế hoạch kinh doanh năm 2024 với tổng doanh thu 25.380 tỷ đồng, tăng 14% so với thực hiện năm 2023 và lợi nhuận sau thuế gần 730 tỷ đồng, gấp hơn 29 lần so với con số lãi 25 tỷ đồng trong năm 2023.

Minh An (t/h)