Dốc sức phục hồi kinh tế

Với chủ đề "Cùng nỗ lực vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế", Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN – diễn ra tại Hà Nội mới đây, đã nêu ra các giải pháp mở cửa thị trường, tạo “chất keo” để dán lại những đứt gãy về lao động,  thuế, phí...

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết: Thống kê, có khoảng 86% DN bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Các DN có quy mô càng lớn thì tỷ lệ chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 càng cao. Một trong những khó khăn lớn nhất của các DN hiện nay là thiếu vốn, nhất là vốn lưu động. Có trên 45% số DN đang bị thiếu hụt nguồn vốn cho SXKD, trong đó khu vực DNNN là nhóm có tỷ lệ thiếu hụt nguồn vốn cho SXKD cao nhất với gần 50% số DN. Khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản có tỷ lệ DN bị thiếu hụt vốn cao nhất với trên 51% số DN.

Trong giai đoạn khó khăn này, cộng đồng DN vẫn nỗ lực duy trì SXKD và việc làm cho người lao động. Nhiều sáng kiến đã được triển khai như áp dụng giờ làm linh hoạt; cắt giảm chi phí sản xuất; rà soát, tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên vật liệu thay thế. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn đồng hành cùng DN, người lao động để vượt qua khó khăn, vừa ổn định và khôi phục sản xuất, vừa đảm bảo an sinh xã hội.

Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty CP công nghệ NamugaSản xuất linh kiện điện tử tại Công ty CP công nghệ Namuga

Thời gian tới là thời điểm để các DN Việt có cơ hội tập trung đổi mới trang thiết bị tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trong đó, để tháo gỡ khó khăn cho SXKD của các DN, Bộ KH&ĐT kiến nghị Chính phủ xác định các nhóm ngành hàng, nguyên vật liệu đầu vào bị thiếu hụt để định hướng cho DN dịch chuyển cơ cấu sản xuất thay thế nhập khẩu.

Cụ thể, khuyến khích các DN CN hỗ trợ sản xuất các nguyên phụ liệu đầu vào cho một số ngành như dệt may, da giày... Phát triển mạnh các vùng sản xuất, các KCN, KKT để chủ động hơn nguồn cung ứng nguyên liệu. Đồng thời, liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm tạo thành chuỗi liên kết khép kín, đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ, cũng như xúc tiến lưu thông hàng hóa, kết nối và đa dạng hóa thị trường đầu ra.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ khôi phục kinh tế sau hơn 90 ngày chống chọi đại dịch Covid-19. Mục tiêu trước mắt được Chính phủ đặt ra là ngay trong năm 2020, phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP hơn 5%, đưa nền kinh tế trở về trạng thái “bình thường mới” để từ đó phát triển bứt phá, hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thịnh vượng vào năm 2045. Đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó không thể thiếu vai trò chủ công của cộng đồng DN, doanh nhân Việt Nam.

Từ chỗ có hơn 750 nghìn doanh nghiệp vào cuối năm 2019, đến nay, lực lượng doanh nghiệp đã bị giảm sút đáng kể về số lượng, “sức khỏe” cũng bị bào mòn nhưng sức sống kiên cường và tinh thần kinh doanh vẫn luôn mãnh liệt. Kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về triển vọng kinh doanh quý III/2020 cho thấy, khoảng 55% số doanh nghiệp có ý định tiếp tục duy trì ở quy mô hiện tại; 22% quyết định mở rộng quy mô và chỉ có 21% tính đến khả năng thu hẹp. Dịch Covid-19 đã gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực làm đứt gãy chuỗi cung ứng và sụt giảm tổng cầu, đẩy nhiều DN đến tình trạng thua lỗ nhưng trong hoàn cảnh đó nhiều DN vẫn xoay xở bằng mọi cách để duy trì việc làm cho công nhân. Hành động này không chỉ thể hiện sự chia sẻ khó khăn của DN với người lao động mà còn thể hiện trách nhiệm xã hội của DN, doanh nhân trong lúc đất nước khó khăn.

Nhà máy sản xuất ô tô THACO Mazda

Lúc này, câu hỏi lớn đặt ra là khôi phục kinh tế bắt đầu từ đâu, cần hành động như thế nào để vượt qua thách thức? Ngay từ đầu tháng 3, Chính phủ đã đưa ra các gói hỗ trợ tín dụng, tài khóa, an sinh xã hội và quy mô của các gói hỗ trợ này sẽ còn tăng lên. Tuy nhiên, theo phản ánh, hiện tại không ít doanh nghiệp vẫn đang phải loay hoay tìm hướng tiếp cận đầu mối chính sách hỗ trợ và cách thức thực hiện. Nguyên nhân chủ yếu vì thủ tục hành chính rườm rà, quy trình phức tạp, tiến độ thực hiện chậm, thái độ và tinh thần trách nhiệm của một số cán bộ thực thi chính sách chưa thật sự hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp.

Cần sự vào cuộc đồng bộ trên mặt trận kinh tế

Để “ngọn lửa tăng trưởng phải cháy, sớm bùng lên trở lại" khi dịch được kiểm soát như quyết tâm của Thủ tướng Chính phủ, rất cần sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị trên mặt trận kinh tế. Chính điều này đã giúp Việt Nam giành chiến thắng trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 và đây là thời điểm quan trọng để vận dụng, tạo ra “thắng lợi kép” trên mặt trận kinh tế.

Cần quán triệt quan điểm hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho DN phát triển, coi thực hiện các giải pháp, chính sách hỗ trợ, phát triển DN và khôi phục nền kinh tế là nhiệm vụ trọng yếu, cấp bách. Cần thực hiện nhất quán và triệt để cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tập trung giải quyết các điểm nghẽn, bất cập đang cản trở sự phát triển của DN. Các chuyên gia kinh tế nhận định, những giải pháp này có ý nghĩa quan trọng hơn việc chi tiền cứu trợ và đây cũng chính là nguyện vọng lớn nhất của cộng đồng DN Việt Nam. Trong hoàn cảnh khó khăn vừa qua, khi dịch Covid-19 bùng phát, kiến nghị lớn nhất của DN không tập trung vào các gói hỗ trợ tài chính mà là mong mỏi được trao cơ chế để nắm bắt cơ hội trong một trật tự thế giới mới ở giai đoạn hồi sinh sau đại dịch.

Chủ tịch HĐQT THACO Trần Bá Dương nhìn nhận, thấu hiểu với những khó khăn chung của cộng đồng doanh nghiệp, cũng như NSNN trong hoàn cảnh khủng hoảng dịch Covid-19 hiện nay, ngoài việc Chính phủ phải tập trung lo cho người nghèo, trong đó có hỗ trợ nhất định cho các DN, nhưng nên ưu tiên cho các thành phần dễ bị tổn thương như hộ cá thể, doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp…

Nhà máy sản xuất ô tô THACO MazdaNhà máy sản xuất ô tô THACO Mazda

Đánh giá một cách khách quan, trong quá trình phát triển kinh tế, có những lúc gặp khó khăn, thuận lợi, khủng hoảng lớn, nhỏ là tất yếu. DN hoạt động có khi lời, khi lỗ, khi thành công, khi thất bại. Do vậy, các giải pháp điều hành phục hồi kinh tế, cũng như các biện pháp can thiệp của Chính phủ vào thị trường lúc này cần có sự cân nhắc hài hòa giữa việc giải quyết khó khăn trước mắt với những nguyên tắc của thị trường. Điều đó, không chỉ vượt qua khó khăn trước mắt, mà còn khuyến khích tinh thần đổi mới, với mục tiêu chung là tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng và phù hợp với kinh tế thị trường chung của thế giới.

Đơn cử, có thể dẫn chứng, trong khi Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trăn trở về giá thịt lợn, thì nhìn ở khía cạnh khác, giá thịt lợn cao cũng là cơ hội để khuyến khích đầu tư một cách bài bản, có chiến lược, lâu dài trong ngành chăn nuôi. Sau này, nguồn cung sẽ đầy đủ và không phải bận tâm phải giải cứu cho người nuôi lợn hay can thiệp điều hành giá thịt lợn, thậm chí cơ hội xây dựng ngành nuôi lợn xuất khẩu.

"Bên cạnh đó, các giải pháp điều hành nền kinh tế, cũng như các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần giúp DN đứng vững trên đôi chân của mình, chứ không ỷ lại, trông chờ. Việc điều hành phục hồi kinh tế sau dịch, cần thực hiện với tinh thần tập trung cao độ quyết liệt, đồng lòng trong các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, các tỉnh như trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 vừa qua. Đặc biệt, Chính phủ cũng nên sớm nới lỏng chính sách với một số nước (Lào, Campuchia…) để các DN 2 bên tiếp tục mở rộng hợp tác; sớm tái mở cửa với các nước có nguy cơ dịch bệnh thấp, ưu tiên mở cửa khẩu đường bộ sớm hơn để phục vụ giao thương và SXKD giữa doanh nghiệp Việt Nam với các nước bạn", ông Dương nói.

Chủ tịch HĐQT THACO Trần Bá Dương cho biết, từ trước tới nay, THACO nhập linh kiện về nhưng phải xuất đến 90% container rỗng về TP. HCM hoặc ra Hải phòng. Hàng XK từ miền Trung cũng thường phải đưa đi nơi khác rồi mới chuyển đi các nước dẫn đến giá thành vận chuyển cao gấp rưỡi so 2 đầu của đất nước. Trong bối cảnh lượng hàng từ miền Trung XK tăng nhanh, để giảm chi phí logistics, Chính phủ đã chủ trương đầu tư 2 dự án lớn từ năm 2018, nhưng đến nay chưa triển khai. Đó là dự án luồng tàu Cửa Lở đón tàu 50.000 tấn (vốn đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng) và dự án nâng cấp QL14E nối cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đến đường Hồ Chí Minh (vốn đầu tư khoảng 1.700 tỷ đồng).

Vì tính cấp thiết của 2 dự án và trên tinh thần thúc đẩy SXKD, phục vụ nền kinh tế, nhất là đón đầu sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu cho miền Trung, THACO đề xuất xin chủ trương đầu tư ứng vốn để thực hiện và xin cơ chế để tạo nguồn thu hoàn vốn theo quy định pháp luật.

Hoan Nguyễn