“Nốt trầm” của thị trường
Nói về thị trường bất động sản (BĐS) 6 tháng đầu năm, Phó Chủ tịch HĐQT CenGroup, ông Phạm Thanh Hưng cho biết, thị trường có sự tăng trưởng vượt bậc. Sự tăng trưởng này đến từ lo ngại kinh tế tăng trưởng thấp, đồng tiền mất giá. Vì vậy, dòng tiền đổ vào các thị trường mang tính đầu tư dài hạn rất lớn, trong đó có bất động sản.
Ông Hưng cho rằng, bất động sản tăng giá trong tương lai sẽ chủ yếu nhờ tăng giá đất, chứ không do công trình xây dựng, dù có nhiều công trình dát vàng hay kèm các nội thất hiện đại cũng không làm thay đổi giá trị đáng kể.
Lấy ví dụ về thị trường phía Tây Hà Nội, khi công bố quy hoạch 17.000 ha cho dự án thành phố mới Hòa Lạc đã làm cho khu vực phía Tây Hà Nội "sốt nóng". Một điều cần hết sức lưu ý là khu vực này mới chỉ có quy hoạch tổng thể, chứ chưa có quy hoạch chi tiết. Hay như phía Đông TP.HCM, với sự hình thành TP.Thủ Đức đã khiến giá đất tại khu vực này tăng tốc.
Về phía cơ quan chức năng, ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, đầu năm 2021, giá đất nền tăng nóng và cục bộ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cho thị trường bất động sản. Đặc biệt là những giao dịch không đủ điều kiện pháp lý, nhiều giao dịch được thực hiện ở đất rừng, nông nghiệp… chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng.
Còn bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land chia sẻ, dù dịch bệnh đã bắt đầu từ năm trước, nhưng những tháng đầu năm 2021 vẫn có sự bật dậy của thị trường bất động sản. Tuy vậy, đến làn sóng Covid-19 lần thứ tư, các doanh nghiệp bất động sản thực sự đối mặt kịch bản rủi ro cao nhất.
Với tình hình thị trường hiện tại, giao dịch giảm, nguồn cung giảm, bà Hương đánh giá, đây là “khoảng lặng” của thị trường mà chúng ta phải chấp nhận, là yếu tố bất khả kháng mà doanh nghiệp cũng đồng lòng với Chính phủ.
Khơi thông chính sách
Nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường bất động sản trong thời gian tới vẫn tiếp tục gặp khó khăn. Mặc dù bất động sản không phải là ngành chịu ảnh hưởng lớn của đại dịch Covid-19, nhưng dịch kéo dài sẽ ảnh hưởng nhiều đến hoạt động đầu tư từ các thị trường khác tác động vào bất động sản, đơn cử như giá vật liệu xây dựng vừa qua tăng cao làm giá thành đầu tư bất động sản tăng theo.
Bên cạnh đó, các cơ chế về đất đai vẫn chưa được tháo gỡ kịp thời, mặc dù các hoạt động đầu tư liên quan đến xây dựng đã thông thoáng hơn, nên các vấn đề về giao đất, cho thuê đất, bồi thường giải phóng mặt bằng rất khó khăn.
Đáng chú ý, bộ máy chính quyền địa phương mới bắt đầu triển khai thực hiện các chính sách mới, nên chưa có tác động mạnh đến thị trường.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, đáp ứng nhu cầu mới, trước tiên phải tiếp tục hoàn thiện thể chế về đầu tư kinh doanh BĐS, sửa đổi bổ sung Luật Đất đai, quy định đầu tư kinh doanh bất động sản nhà ở.
“Do đó, trong thời gian tới, chúng tôi yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nghiêm túc thực hiện trình tự thủ tục đầu tư, nhất là thủ tục giao đất”, ông Sinh nhấn mạnh.
Cùng với đó, Bộ Xây dựng đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng nhà ở phải đảm bảo đồng bộ hạ tầng, đảm bảo tính pháp lý và kinh doanh đúng pháp luật.
Ông Sinh cũng khuyến cáo người dân bình tĩnh, cẩn thận trước những thông tin đồn thổi. “Người dân khi thực hiện các giao dịch BĐS cần xem xét cẩn thận các hồ sơ pháp lý và chỉ giao dịch với các dự án có pháp lý rõ ràng”, ông Sinh nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản chia sẻ, thời gian vừa qua, Chính phủ đã ban hành một số nghị định liên quan đến kinh doanh BĐS. Bộ Xây dựng cũng đang nghiên cứu sửa đổi trình Chính phủ vào quý III, IV/2021 để Chính phủ ban hành những quy định cụ thể hơn, nhằm hạn chế hoặc kiểm soát các hoạt động giao dịch của thị trường, đặc biệt là các giao dịch liên quan đến đất nền, kinh doanh bất động sản.
Ông Khởi cũng khuyến nghị: “Các doanh nghiệp cũng nên tham gia đóng góp ý kiến tích cực để chúng tôi có cơ sở báo cáo Chính phủ. Từ nay đến cuối năm, Bộ Xây dựng sẽ ban hành một loạt chính sách mới”.
Trúc Mai