Khai mạc Lễ hội Chùa Tiên năm 2024
Khai mạc Lễ hội Chùa Tiên năm 2024

Xứng danh “Trấn doanh bát cảnh”

Di tích chùa Tiên hay còn được biết đến với tên chùa Song Tiên. Chùa nằm trong lòng núi Đại Tượng, phố Hoàng Hoa Thám, thuộc địa phận phường Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn. Vị trí cách cầu Kỳ Cùng khoảng 500 m. Đây là nơi hàm chứa nhiều giá trị văn hóa, tín ngưỡng phong phú và đặc biệt. Với các câu chuyện dân gian và các pho tượng cổ đậm nét văn hóa dân tộc.

Bên cạnh những ghi chép lịch sử trên, theo người dân nơi đây sự ra đời của di tích chùa Tiên gắn liền với một điển tích cực kỳ thú vị.

Lễ hội
Lễ hội Chùa Tiên năm 2024 đã thu hút trên 17.000 lượt nhân dân và du khách thập phương tham gia lễ hội

Chuyện kể rằng, có một ông Tiên ngự trên núi thường được lũ trẻ chăn trâu trong làng nhường phần cơm ít ỏi cho mình. Ông Tiên đã dẫm chân xuống núi đá và biến nơi đây thành Giếng Tiên. Ban cho dân làng Phai Luông nguồn nước trong vắt. Giúp cho dân làng trong những ngày thiếu mưa và hạn hán. Đây là một điển tích dân gian được dân làng lưu giữ cho tới tận bây giờ.

Chùa có kiến trúc nằm sâu trong động đá rất độc đáo. Động Tiên không nằm sát chân núi Đại Tượng như các chùa khác của Lạng Sơn. Muốn vào động để thăm chùa, du khách phải vượt qua hơn 65 bậc đá uốn khúc. Bậc đá được xây dựng với lan can vịn và không hề trơn trượt, khá dễ đi. Giúp khách du lịch có thể dễ dàng di chuyển lên thăm chùa.

Di tích chùa Tiên gồm những tòa thạch động rất kỳ vĩ, đẹp mắt, với nhũ đá hình muôn hình sinh động theo hình dung của con người như: hình tượng tiên ông, đầu sư tử, dơi... khá độc đáo và thú vị.

Hiện nay, tại Chùa Tiên Lạng Sơn vẫn còn lưu giữ được nhiều hiện vật cổ có giá trị nghệ thuật cao. Đó là các tượng pháp, câu đối và bia đá. Người dân thời xưa đã dùng 13 bia khắc trên vách đá của các vị quan thuộc nhiều triều đại. Đặc biệt nhất là tấm bia khắc bài “Trấn Doanh bát cảnh” của Ngô Thì Sĩ. Bài thơ ca ngợi cảnh đẹp của 8 địa danh Lạng Sơn, trong đó có Chùa Tiên.

Cách chùa Tiên không xa, là động Thủy Cung với hệ thống cung, ban thờ linh thiêng cùng với những thạch nhũ đá muôn hình, muôn vẻ được thiên nhiên kiến tạo qua hàng nghìn năm, lung linh và vô cùng sống động.

Ngoài động chính giữa lòng núi, còn có những ngách hang thông ra sườn núi. Từ đây có thể chiêm ngưỡng cảnh quan TP. Lạng Sơn với con sông Kỳ Cùng tựa như dải lụa mềm quanh co, uốn lượn. Đặc biệt, bên trong lòng động có mạch suối ngầm với nguồn nước mát, trong vắt tuôn ra từ lòng núi và không bao giờ cạn.

Khi màn đêm buông xuống, hệ thống ánh sáng tại Động Thủy Cung hòa cùng với khu di tích Chùa Tiên - Giếng Tiên, càng tôn lên vẻ đẹp của Danh thắng di tích, tựa như một viên ngọc quý tỏa sáng giữa lòng thành phố.

Bà Lê Thị Nhiên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Chi Lăng, TP. Lạng Sơn cho biết:

Năm 1992, Chùa Tiên – Giếng Tiên Lạng Sơn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp vào danh sách di tích cấp quốc gia. Trải qua nhiều năm tháng nhưng Danh thắng Di tích Chùa Tiên - Giếng Tiên vẫn là một thắng cảnh đẹp, vừa là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân quanh vùng và du khách thập phương, thu hút nhiều du khách từ khắp nơi đến chiêm bái và thưởng ngoạn.

Du Xuân trẩy hội Chùa Tiên
Du khách tham quan, lễ hội Chùa Tiên

Du Xuân trẩy hội Chùa Tiên

Bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ đá, thờ nguồn nước của các cư dân nông nghiệp. Đặc biệt vào dịp 18 tháng Giêng hằng năm, lễ hội Chùa Tiên được tổ chức trang nghiêm, linh thiêng. Đây là một trong lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc, đông vui của người dân tỉnh Lạng Sơn. Ngoài việc được tới chiêm ngưỡng nét nguyên sơ hiếm có của một hang động với những thạch nhũ kỳ ảo độc đáo, lễ hội còn là nơi gặp gỡ của đồng bào các dân tộc Lạng Sơn, nơi diễn ra các trò chơi, diễn xướng dân gian như: Ô ăn quan, bịt mắt đập niêu, đẩy gậy, múa sạp, hát Sli, lượn và những hoạt động mang đậm dấu ấn của văn hóa truyền thống xứ Lạng.

Năm 2024, phường Chi Lăng được lãnh đạo TP. Lạng Sơn lựa chọn Lễ hội Chùa Tiên là lễ hội điểm của thành phố Xuân Giáp Thìn năm 2024. Đặc biệt, điểm đặc sắc của lễ hội năm nay là nghi lễ rước nước từ Giếng Tiên về Chùa Tiên - thể hiện lòng thành kính của Nhân dân đối với Tiên Ông đã ban nước cứu người dân thoát khỏi nạn hạn hán.

Lễ hội Chùa Tiên là dịp để người dân địa phương cũng như du khách gần xa thỏa mãn nhu cầu tâm linh và ôn lại công đức tổ tiên, thể hiện lòng biết ơn các vị thánh, tiên và các anh hùng dân tộc đã có công giúp dân, giúp nước, cầu mong tài lộc, may mắn và bình an cho gia đình trong năm mới. Đây cũng là cơ hội để gặp gỡ trao đổi, gắn kết cộng đồng và nâng cao ý thức trách nhiệm bảo tồn văn hóa và các di sản, danh lam thắng cảnh của quê hương Xứ Lạng.

Theo thống kê, lễ hội Chùa Tiên năm 2024 đã thu hút trên 17.000 lượt nhân dân và du khách thập phương tham gia lễ hội.

Bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Phó Chủ tịch UBND TP. Lạng Sơn cho biết: “Cùng với hệ thống các di tích danh thắng trên địa bàn thành phố, hang Thủy Cung, di tích Chùa Tiên - Giếng Tiên, phường Chi Lăng sẽ tạo thành một điểm nhấn trong hệ thống tour tham quan du lịch của TP. Lạng Sơn, góp phần quảng bá các giá trị di tích, văn hóa tâm linh, lễ hội gắn với phát triển du lịch trên địa bàn thành phố. Tham quan, vãn cảnh nơi đây sẽ là trải nghiệm tuyệt vời, hứa hẹn sẽ làm hài lòng mỗi du khách khi có dịp đến với TP. Lạng Sơn - thành phố rực rỡ sắc hoa đào”.

Theo sách “Đại Nam Nhất Thống Chí” của Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, chùa Tiên (Song Tiên Tự) được lập từ thời Lê Hồng Đức (khoảng từ năm 1460 – 1497). Khởi nguyên là một ngôi chùa nhỏ cạnh Giếng Tiên ở ngay sườn núi Đèo Giang – Văn Vỷ (cách cửa động chùa Tiên chừng 200 m). Vào khoảng nửa cuối thế kỷ XVIII, do bị hư hại, xuống cấp, chùa được chuyển vào trong động Song Tiên.

Triệu Thành