Diễn biến này đến từ nhiều yếu tố, trong đó nổi bật là hiệu quả kinh doanh tích cực của Công ty cũng như triển vọng tăng trưởng bền vững dựa trên mở rộng đầu tư bài bản.

Báo cáo tài chính quý II/2024 của Công ty cho biết, kết thúc quý II, May Sông Hồng ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.333 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái song lãi ròng tăng 8%, đạt 92 tỷ đồng.

Lũy kế nửa đầu năm 2024, Công ty ghi nhận doanh thu 2.104 tỷ đồng, giảm 3%; nhưng lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 23% so với cùng kỳ, đạt 139,4 tỷ đồng. Qua đó, Công ty đã hoàn thành 40% kế hoạch doanh thu và 38% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Báo cáo tài chính cũng cho thấy, đơn hàng của Công ty tăng mạnh trong nửa cuối năm. Cụ thể, tính đến cuối quý II/2024, lượng hàng tồn kho của May Sông Hồng đạt 1.107 tỷ đồng, tăng 25% so với hồi đầu năm; trong đó, lượng hàng thành phẩm đã tăng hơn gấp đôi.

Điểm cộng của MSH trong mắt giới đầu tư là tiềm năng tăng trưởng lớn ở phía trước khi năng lực và quy mô sản xuất liên tục được cải thiện. Thông tin từ doanh nghiệp cho biết, nhà máy Xuân Trường với quy mô 50 dây chuyền may dự kiến sẽ hoạt động vào cuối năm 2024, đầu năm 2025, đón đầu chu kỳ phục hồi của ngành. Ngoài ra, với việc đơn hàng hồi phục tích cực, Nhà máy Sông Hồng 10 đã bắt đầu hoạt động một nửa công suất so với công suất thiết kế và dự kiến chạy đủ 100% công suất vào cuối năm nay, với nhiều đơn hàng có giá trị cao.

Không chỉ mở rộng đầu tư trong nước, kế hoạch đầu tư ra nước ngoài của Công ty cũng được triển khai đúng tiến độ. Trong quý II vừa qua, May Sông Hồng đã liên doanh với Giza For Upper Egypt Development để thành lập công ty dệt may tại Ai Cập. Dự kiến, quá trình đầu tư xây dựng nhà máy sẽ hoàn tất trong năm nay.

Động thái đầu tư vào Ai Cập của May Sông Hồng là nhằm tận dụng lợi thế về chi phí nhân công tại đây, mức chi phí này hiện thấp hơn đáng kể so với Việt Nam. Ngoài ra, Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với Israel mang lại cơ hội xuất khẩu hàng hóa từ Ai Cập sang Mỹ với thuế suất 0%. Bên cạnh đó, khoảng cách địa lý thuận lợi cũng giúp rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa đến các thị trường lớn như Mỹ và EU.

Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Với việc ngành dệt may đang bước vào quá trình phục hồi kết hợp với mùa cao điểm đơn hàng thường diễn ra vào các quý cuối năm, kết quả kinh doanh của May Sông Hồng dự kiến sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm nay.

Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của Công ty là các sản phẩm có giá trị cao như áo khoác, áo jacket, áo vest... sẽ gia tăng nhu cầu khi thời tiết tại các thị trường xuất khẩu chính là Mỹ và EU bắt đầu chuyển lạnh.

Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình chính trị tại Bangladesh đang diễn biến phức tạp thì May Sông Hồng có thể tận dụng các lợi thế trên để gia tăng thị phần ở Mỹ và EU.

Bangladesh là nước xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ hai trên thế giới (chỉ sau Trung Quốc), đặc biệt là có lực lượng lao động rất lớn, với mức lương rẻ. Hiện tại, theo báo Business Standard của Bangladesh, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu dệt may của Bangladesh đang phải chứng kiến số lượng đơn hàng giảm từ 25 - 40%. Các nhà máy dệt may nước này cũng chịu cuộc khủng hoảng nguồn cung khí đốt khiến giá nhiên liệu tăng mạnh.

Hiệp hội Dệt may nhận định, với tình hình trên thì trước mắt ngành dệt may Việt Nam sẽ có một số lợi thế khi năng lực sản xuất hàng dệt may của Bangladesh bị giảm sút (giữa mùa cao điểm, đang sản xuất hàng cho mùa đông). Nhiều khách hàng sẽ phải dịch chuyển đơn hàng sang nước khác, để bù đắp số lượng thiếu hụt. Ngoài ra, niềm tin của khách hàng đối với ngành dệt may Bangladesh sẽ bị giảm sút. Nước này cũng sẽ chịu sức ép tăng lương cho lao động dệt may nên lợi thế về phí nhân công giá rẻ sẽ giảm đi.

Hà Trần (t/h)