Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu PNJ

CTCK Agriseco (AGR)

Kết quả kinh doanh quý II/2024 của CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ – sàn HOSE) ghi nhận doanh thu đạt gần 10.000 tỷ đồng (tăng 42,8% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế đạt 429 tỷ đồng (tăng 26,9%). Qua đó trong 6 tháng đầu năm, kết quả kinh doanh của PNJ duy trì tăng trưởng tích cực với doanh thu tăng 34,3% và lợi nhuận sau thuế tăng 7,4% so với cùng kỳ. Các mảng kinh doanh chính đều tăng trưởng, trong đó doanh thu mảng bán lẻ tăng 14%, mảng bán sỉ tăng 20% và đặc biệt doanh thu vàng 24K tăng đến hơn 80% nhờ sự sôi động của thị trường vàng.

PNJ đang tung ra nhiều bộ sưu tập phù hợp với thị hiếu khách và triển khai nhiều chiến dịch marketing tạo điểm nhấn, kỳ vọng hỗ trợ kết quả kinh doanh giai đoạn tới. Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm trang sức cũng đang có tín hiệu phục hồi trở lại. Bên cạnh đó, giá vàng bình ổn trở lại sẽ tác động tích cực tới mảng bán lẻ trang sức, giúp PNJ duy trì được giá vốn ở mức ổn định qua đó cải thiện biên lợi nhuận.

Định giá ở vùng khá rẻ trên hiệu quả sinh lời: PNJ hiện đang giao dịch ở mức P/E là 16,1 lần và P/B là 3 lần. Đây là mức định giá thấp hơn trung bình quá khứ 3 năm trở lại đây và là mức khá hấp dẫn với vị thế doanh nghiệp đầu ngành có mức lợi nhuận tăng trưởng đều đặn và hiệu quả sinh lời trên vốn chủ (ROE) ở mức cao từ 21-25%.

Agriseco Research kỳ vọng kết quả kinh doanh của PNJ sẽ duy trì tích cực nhờ thị trường vàng đã được bình ổn và sức cầu vẫn đang tăng trưởng ổn định. Ngoài ra, PNJ đang có những chiến lược thúc đẩy doanh thu bán lẻ và bán sỉ, hai nguồn doanh thu có biên lợi nhuận gộp cao. Do đó, chúng tôi khuyến nghị tăng tỷ trọng cổ phiếu PNJ với giá mục tiêu 110.000 đồng/CP (upside 16% với giá hiện tại), cắt lỗ khi giá cổ phiếu giảm về dưới vùng 89.000 đồng/CP.

Khuyến nghị nắm giữ dành cho cổ phiếu FPT

CTCK Agriseco (AGR)

Quý II/2024, CTCP FPT (FPT – sàn HOSE) ghi nhận doanh thu đạt 15.245 tỷ đồng (tăng 22% so với cùng kỳ), lợi nhuận trước thuế đạt 2.664 tỷ đồng (tăng 20%) chủ yếu đóng góp từ mảng Công nghệ. Lũy kế nửa đầu năm 2024, doanh thu và lợi nhuận trước thuế đạt 29.338 tỷ đồng (tăng 21%) và 5.198 tỷ đồng (tăng 20%). Cụ thể, kết quả các lĩnh vực hoạt động như sau:

Khối Công nghệ: Quý II, doanh thu đạt 9.606 tỷ đồng (tăng 31%) và lợi nhuận trước thuế đạt 1.295 tỷ đồng (tăng 18%). Động lực tăng trưởng chính đến từ thị trường quốc tế khi giá trị hợp đồng ký mới trong quý tăng gấp đôi svck lên 8.853 tỷ đồng, tập trung ở Nhật và APAC. Doanh thu Chuyển đổi số ghi nhận tăng mạnh 35% đạt 3.748 tỷ đồng. Tỷ trọng doanh thu đóng góp của mảng Chuyển đổi số vào Khối công nghệ tiếp tục gia tăng từ mức 43% lên 46%. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Khối công nghệ doanh thu tăng 27% và lợi nhuận trước thuế tăng 22%, đóng góp chính vào tốc độ tăng của FPT.

Khối Viễn thông: Lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2024 đạt 1.759 tỷ đồng, (tăng 16%) nhờ tăng trưởng mảng Data center (DC), PayTV và phục hồi mảng quảng cáo trực tuyến. Dự kiến lợi nhuận năm 2024 sẽ tiếp tục được hỗ trợ khi Data center mới tại Quận 9, TP.HCM sẽ đi vào vận hành và mảng quảng cáo phục hồi.

Khối Giáo dục: Doanh thu ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao 24%, đạt 3.425 tỷ đồng. FPT đang tiếp tục xây dựng trường học tại các tỉnh thành trên cả nước và mở thêm ngành đào tạo về Vi mạch bán dẫn. Chúng tôi kỳ vọng Khối giáo dục sẽ tăng trưởng cao từ 25-30% trong các năm tới nhờ nhu cầu học công nghệ gia tăng.

Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024 duy trì tăng trưởng 20% nhờ đóng góp từ mảng công nghệ nước ngoài. Theo đó, chúng tôi kỳ vọng kết quả kinh doanh nửa cuối năm 2024 và cả năm 2024 sẽ tiếp nối đà tăng hai chữ số. Việc hợp tác với Nvidia phát triển AI và chiến lược M&A các thị trường nước ngoài kỳ vọng sẽ thúc đẩy triển vọng kinh doanh khả quan.

FPT hiện đang giao dịch P/Ef 2024 ở mức 23,1x, cao hơn bình quân 5 năm trước. Hiện giá cổ phiếu đang chịu lực bán khi đã tăng mạnh từ đầu năm, phù hợp với nhận định của chúng tôi tại báo cáo ngày 29/05/2024 khi nhận định giá cổ phiếu đã phản ánh tăng trưởng lợi nhuận. Tuy nhiên, Agriseco Research đánh giá FPT vẫn là cơ hội đầu tư hấp dẫn trong dài hạn. Do đó, chúng tôi khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu với giá mục tiêu hướng đến trong năm 2025 quanh vùng 140.000 - 150.000 đồng/CP.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu ACB

CTCK DSC

Kết thúc quý II, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng TMCP Á Châu đạt 12,4%, tương đương tăng 8,2% so với cùng trước, cao hơn nhiều so với tăng trưởng toàn hệ thống đạt khoảng 6%. Trong đó, tín dụng khách hàng cá nhân và doanh nghiệp lớn tiếp tục là động lực tăng trưởng lần lượt đạt 12,3% và 37,6%. Như vậy ACB đã hoàn thành 75% hạn mức được NHNN cấp từ đầu năm, chúng tôi kỳ vọng với chất lượng tài sản top đầu ngân hàng sẽ được NHNN xem xét cấp thêm room tín dụng.

NIM quý II (quy năm) của ACB tiếp tục hồi phục nhẹ từ đáy quý IV/2023 như dự báo nhờ lãi suất cho vay đã chạm đáy trong khi COF vẫn tiếp tục giảm nhẹ. Tuy nhiên tốc độ cải thiện chậm hơn chúng tôi kỳ vọng do áp lực cạnh tranh lãi suất cho vay gay gắt. Áp lực tăng cường huy động trong môi trường lãi suất huy động bắt đầu tăng trở lại và nhu cầu tín dụng vẫn tương đối yếu sẽ tiếp tục làm chậm quá trình hồi phục. Dự báo NIM cả năm có thể đi ngang hoặc giảm nhẹ so với năm 2023.

Tỷ lệ nợ xấu tăng nhẹ từ 1,47% lên 1,5%, vẫn thuộc top các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất, trong đó tỷ lệ nợ xấu do ảnh hưởng từ CIC là 0,14%. Nợ xấu tăng đồng đều ở cả nhóm khách hàng cá nhân và doanh nghiệp cho thấy các khoản cho vay được đa dạng tốt. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu đi ngang quanh 78% và tỷ lệ chi phí trích lập dự phòng/Dư nợ cho vay khách hàng vẫn được kiểm soát ở mức thấp.

Quý II/2024, ACB ghi nhận tổng thu nhập đạt 8.652 tỷ (tăng 7,8% so với cùng kỳ, tăng 5,9% so với quý trước) và lợi nhuận trước thuế đạt 5.598 tỷ (tăng 15,8% so với cùng kỳ, tăng 14,4% so với quý trước). Trong đó, thu nhập lãi thuần đạt 7.111 tỷ (tăng 13,8% so với cùng kỳ, tăng 5,8% so với quý trước) nhờ tốc độ tăng trưởng tín dụng cao bù đắp cho NIM thấp hơn so với cùng kỳ. Đối với thu nhập hoạt động ngoài lãi, ghi nhận 1.540 tỷ (giảm 13,3% so với cùng kỳ, tăng 6,4% so với quý trước) do sự hồi phục từ hoạt động kinh doanh ngoại hối và thu nhập khác không đủ để bù đắp cho sự suy giảm của hoạt động đầu tư chứng khoán kinh doanh và chứng khoán đầu tư.

Chi phí hoạt động của ACB giảm nhẹ so với cùng kỳ và tổng thu nhập hoạt động hồi phục giúp ngân hàng đưa tỷ lệ CIR về mức 28%, thấp nhất từ trước đến nay. Việc đầu tư vào chuyển đổi số đã giúp ngân hàng tiết giảm được chi phí nhân sự và quản lý. ACB cũng cho biết đã hoàn thành chuyển đổi đối với mảng khách hàng cá nhân và sẽ tiếp tục với mảng doanh nghiệp trong nửa cuối năm 2024. Chúng tôi kỳ vọng CIR cả năm của ACB sẽ giảm về 30% so với 33% của năm 2023, tác động tích cực đến kết quả hoạt động kinh doanh.

Việc tỷ lệ nợ xấu tiếp tục tăng trong quý II đã được dự báo từ trước, điểm tích cực là tốc độ tăng chậm lại đáng kể so với quý trước. Nợ nhóm 2 cũng giảm 26% so với quý trước cho thấy áp lực gia tăng nợ xấu đã hạ nhiệt. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm nhẹ từ 79% xuống 78% và tỷ lệ trích lập dự phòng duy trì ổn định quanh 0,4%, tương đương mức trích lập trong quý I.

Chúng tôi kỳ vọng nợ xấu đã tạo đỉnh và sẽ bắt đầu cải thiện kể từ quý 3 khi sức khỏe nền kinh tế đang ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực hơn và duy trì quan điểm về chất lượng tài sản dẫn đầu của ACB nhờ tệp khách hàng tốt, khẩu vị rủi ro thấp và chính sách giải ngân thận trọng.

DSC duy trì mức giá mục tiêu năm 2024 cho cổ phiếu ACB là 29.600 đồng/CP và khuyến nghị nhà đầu tư có thể giải ngân cổ phiếu ở vùng giá khoảng 24.000 đồng/CP.

Hà Trần (t/h)