Chuyển giao thẩm quyền chứng thực là chiến lược cải cách tư pháp
Thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp, các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành văn bản quy phạm pháp luật để cụ thể hóa chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp, trong đó có nội dung chuyển giao thẩm quyền chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện quyền của người sử dụng đất từ UBND cấp xã sang các tổ chức hành nghề công chứng.
Tiếp đến tại QĐ số 2104/QĐ-TTg ngày 29/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh chuyển giao việc chứng thực các hợp đồng, giao dịch từ UBND cấp huyện sang tổ chức hành nghề công chứng đối với những địa bàn cấp huyện có tổ chức hành nghề công chứng đảm đương được nhiệm vụ chứng nhận hợp đồng, giao dịch trên địa bàn, tiến tới thực hiện việc chuyển giao toàn bộ các hợp đồng, giao dịch do UBND cấp huyện, cấp xã đang chứng thực liên quan hoặc có khả năng liên quan đến chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng bất động sản sang cho các tổ chức hành nghề công chứng, thực hiện nhằm bảo vệ tốt quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch, góp phần tăng cường quản lý xã hội bằng pháp luật, pháp chế xã hội chủ nghĩa.
QĐ số 4500 về việc chuyển giao thẩm quyền chứng thực các hợp đồng về quyền sử dụng đất tại các xã sang các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
Tại Thanh Hóa, ngày 07/12/2011, Giám đốc Sở Tư pháp đã có tờ trình số 1339/TTr-STP về vấn đề chuyển giao thẩm quyền chứng thực từ UBND cấp huyện, xã sang các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn và xin hướng dẫn, chỉ đạo từ UBND tỉnh Thanh Hóa. Đến ngày 30/12/2011, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra Quyết định số 4500/2011/QĐ-UBND chuyển giao thẩm quyền chứng thực toàn bộ các hợp đồng, giao dịch về quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện, UBND cấp xã trên địa bàn các huyện: Nông Cống, Thọ Xuân, Triệu Sơn, Hậu Lộc, Quảng Xương, Thiệu Hóa… sang các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện.
Ngay sau đó, ngày 15/3/2018, Sở Tư pháp đã có công văn số 427/STP-BTTP gửi UBND huyện Hậu Lộc về việc trả lời giao thẩm quyền công chứng, chứng thực hợp đồng, giao dịch sang các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện. Khi Quyết định này có hiệu lực thi hành, người dân đã có sự đồng thuận rất cao khi tin tưởng để tìm đến các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn huyện để tiến hành các thủ tục công chứng, chứng thực. Vì theo họ, ở đây, công việc chuyên sâu về một mảng sẽ khiến các công chứng viên có trình độ chuyên môn về mảng này cao hơn các công chức, viên chức ở UBND các huyện, xã. Khi mà các công chức, viên chức này vốn kiêm nhiệm nhiều công việc khác rồi lại thêm việc công chứng, chứng thực hợp đồng, giao dịch về quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất thì nhiều khi không thể xử lý nhanh và rút ngắn thời gian chờ đợi.
"Cứ làm, có gì tôi chịu trách nhiệm"?
UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định chuyển giao thẩm quyền chứng thực toàn bộ các hợp đồng, giao dịch về quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện, UBND cấp xã sang các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện. Khi các địa phương khác thực hiện rất nghiêm túc, thì tại địa bàn huyện Hậu Lộc, việc công chứng, chứng thực trên vẫn được thực hiện tại các UBND xã.
Sẽ không có gì đáng nói, nếu việc công chứng, chứng thực trên tại UBND các xã được thực hiện theo đúng quy chuẩn của quy định pháp luật, đảm bảo được quyền lợi của nhân dân. Thế nhưng trong quá trình thực hiện, đã có những bất cập khiến người dân băn khoăn(?)
Cụ thể, PV đã làm việc với ông Đoàn Văn Nga, Chủ tịch UBND xã Phú Lộc (Hậu Lộc) khi được hỏi, tại sao UBND tỉnh cũng như Sở Tư pháp đã có công văn chỉ đạo về việc các hợp đồng công chứng, chứng thực từ cấp xã phải chuyển sang cho các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn thực hiện, mà tại UBND xã Phú Lộc vẫn cố tình làm trái Quyết định trên. Ông Đoàn Văn Nga trả lời: “Chúng tôi vẫn biết tại huyện Hậu Lộc việc công chứng, chứng thực đã được chuyển sang cho các đơn vị hành nghề công chứng, nhưng tại UBND xã Phú Lộc chúng tôi vẫn được công chứng, chứng thực là do đồng chí Hải, Phó phòng tư pháp huyện trong quá trình đi kiểm tra tại các cơ sở đã chỉ đạo rằng: Việc công chứng, chứng thực các UBND xã cứ làm bình thường, có gì tôi chịu trách nhiệm, nếu ai hỏi, cứ nói lên huyện gặp tôi”.
Tiếp cận một bộ hồ sơ được chứng thực tại UBND xã Phú Lộc được ký vào ngày 28/05/2019, thì phần đầu của hợp đồng được ghi rõ là hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất đối với thửa đất số 29, tờ bản đồ số 01 - giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số H 382525 số vào sổ cấp giấy 00025 do UBND huyện Hậu Lộc cấp ngày 31/12/1995.
Một trong những HĐ cho tặng, chuyển nhượng được ký chứng thực tại xã trên địa bàn huyện Hậu Lộc
Ở đây, ngoài phần thiếu các thông tin cá nhân của người ký lời chứng như bên bộ hồ sơ tại xã Phú Lộc nói trên, thì một sai sót khó lý giải vì sao ông Lê Hải Vân, chức vụ Phó chủ tịch UBND xã Phú Lộc, thay vì chứng thực hợp đồng cho tặng quyền sử dụng đất giữa bà Triệu Thị N và ông Nguyễn Văn T như phần đầu của hợp đồng (hợp đồng cho tặng) thì lại chứng thực là hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Tiếp tục tìm hiểu, PV được người dân cung cấp cho bộ hồ sơ chứng thực hợp đồng cho tặng Quyền sử dụng đất và tài sản khác gắn liền đất được thực hiện tại UBND xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc vào ngày 16/10/2018 tại thửa đất số 197, tờ bản đồ số 05 (Bản đồ địa chính xã Hải Lộc).
Về phần bên nhận cho tặng (bên B) chỉ ghi đơn giản là ông Mai Xuân M vào mục họ tên, còn thiếu hoàn toàn thông tin về số CMND (hoặc giấy khai sinh), ngày cấp, nơi cấp…Thậm chí, địa chỉ hộ khẩu nơi cư trú của người bên nhận cho tặng cũng để trống.
Chưa hết, phần lời chứng của UBND xã chỉ có họ tên người ký là ông Nguyễn Quốc Tý chức danh Chủ tịch UBND xã Hải Lộc. Dù ông Tý đóng vai trò là một trong những cá nhân tham gia trong hợp đồng nhưng ngoài họ tên ra, thì không kèm theo bất kỳ thông tin cá nhân nào. Nội dung của lời chứng cũng không đầy đủ, người chứng cũng không chứng kiến các chủ thể ký hợp đồng trực tiếp.
Mang hai bộ hồ sơ trên để trao đổi với lãnh đạo hai xã nói trên, sau khi cầm trên tay xem xét, các lãnh đạo xã đều không hề nhận ra bộ hồ sơ này có gì sai sót hay bất thường nào.
Ông Lê Ngọc Hải, Phó phòng tư pháp huyện Hậu Lộc tại buổi làm việc với Phóng viên
Để rộng đường dư luận, PV có buổi làm việc với ông Lê Ngọc Hải, Phó phòng tư pháp huyện Hậu Lộc. Sau khi cùng một chuyên viên kiểm tra hai bộ hồ sơ trên, ông Hải cũng thừa nhận có sự thiếu sót về mặt pháp lý.
PV đặt câu hỏi: Nếu với một bộ hợp đồng được công chứng, chứng thực mà thiếu sót không có các thông tin cá nhân, hay hợp đồng một đường chứng thực một nẻo như vậy, nếu trong trường hợp để xảy ra tranh chấp thì sẽ như thế nào và ai là người chịu trách nhiệm? ông Hải cho rằng: “Vì vấn đề nội bộ nên không có tranh chấp... Nếu họ có tranh chấp thì làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất xong lúc đấy mới xét”.
Khi được đề cập việc có hay không chuyện lãnh đạo các xã phản ánh việc anh (ông Hải phó phòng tư pháp) phát ngôn rằng “cứ làm đi, có gì sai, tôi chịu trách nhiệm” khi xuống làm việc tại cơ sở, thì ông Hải phủ nhận chuyện nói trên?
Việc công chứng, chứng thực tại huyện Hậu Lộc đã có văn bản chỉ đạo chuyển sang các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn. Như vậy, các hợp đồng công chứng, chứng thực trên không đúng quy định và không thực hiện theo quyết định số 4500/2011/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thanh Hóa. Nếu để xảy ra tranh chấp, ai là người chịu trách nhiệm? Câu hỏi này chúng tôi xin gửi đến Chủ tịch huyện cùng các phòng ban chuyên môn của UBND huyện Hậu Lộc.
Lê Nam - Hoài Thu