Hỗ trợ thiết thực
Đây là ý kiến đồng ý của Thủ tướng Chính phủ tại thông báo số 2343/VPCP- KTTH ngày 11/4/2008 sau khi xét đề nghị của Bộ Công thương tại văn bản số 2522/BCT-XTTM ngày 31/3/2008 về việc Lễ công bố các thương hiệu sản phẩm tham gia Chương trình Thương hiệu quốc gia.
Đóng góp vào thành công chung của sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong những năm qua, cần phải kể đến vai trò quan trọng và nỗ lực không ngừng của cộng đồng DN Việt Nam trong xây dựng và phát triển thương hiệu, tạo dựng uy tín cho sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam trên thị trường trong nước và thế giới.
Ảnh minh họa
Chào mừng ngày Thương hiệu Việt Nam 20/4 năm nay, trong thư chúc mừng gửi tới cộng đồng DN Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh - Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu quốc gia Việt Nam khẳng định: “Trong xu thế hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, bên cạnh nhiều cơ hội mở rộng và phát triển thị trường, các DN Việt Nam phải đối mặt với không ít khó khăn trong việc cạnh tranh với các sản phẩm mới. Vì vậy, hơn bao giờ hết, các DN đạt Thương hiệu quốc gia nói riêng và cộng đồng DN Việt Nam nói chung cần chủ động, sáng tạo để phát huy vai trò tiên phong và là động lực cho sự phát triển kinh tế đất nước. Dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thông qua Chương trình Thương hiệu quốc gia hỗ trợ thiết thực cho các DN”.
Bộ trưởng cũng ghi nhận những đóng góp và chúc cộng đồng DN Việt Nam tận dụng tốt mọi thời cơ để vượt qua thách thức và đạt được nhiều thành công hơn trong sản xuất, kinh doanh nhằm duy trì, phát triển và bảo vệ thương hiệu DN, góp phần tích cực vào việc xây dựng và quảng bá thương hiệu quốc gia Việt Nam trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế của đất nước.
Khẳng định thương hiệu, đặc biệt trở thành Thương hiệu quốc gia góp phần rất lớn và quyết định vị thế cạnh tranh của thương hiệu Việt tại thị trường trong nước cũng như quốc tế.
Chủ động và sáng tạo
“Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam” là Chương trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 253/2003/QĐ-TTg ngày 25/ 11/ 2003, trong đó giao Bộ Công thương là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành triển khai, thực hiện.
Chương trình hướng tới mục đích: Xây dựng hình ảnh về Việt Nam là một quốc gia có uy tín về hàng hoá và dịch vụ đa dạng phong phú với chất lượng cao. Nâng cao sức cạnh tranh cho các thương hiệu sản phẩm Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế trong quá trình hội nhập. Khuyến khích xuất khẩu sản phẩm công nghiệp chế biến, giảm tỷ trọng xuất khẩu nguyên liệu thô. Tăng cường sự nhận biết của các nhà phân phối và người tiêu dùng trong và ngoài nước đối với các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam. Xây dựng hình ảnh Việt Nam gắn với các giá trị “Chất lượng - Đổi mới, sáng tạo - Năng lực tiên phong”. Tăng thêm uy tín, niềm tự hào và sức hấp dẫn cho đất nước và con người Việt Nam, góp phần khuyến khích du lịch và thu hút đầu tư nước ngoài.
Theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 9224/VPCP-KTTH ngày 28 tháng 12 năm 2011, Bộ trưởng Bộ Công thương đã ký Quyết định số 984/QĐ-BCT ngày 06 tháng 3 năm 2012 về việc ban hành Quy chế xây dựng và thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia từ năm 2012 trở đi.
Tuy nhiên, cho đến nay, qua 4 lần bình chọn, danh sách các DN đạt Thương hiệu quốc gia còn khuyết nhiều thương hiệu Việt được đánh giá là tầm cỡ, xứng đáng. Đó là bởi, đa số các DN này còn thiếu thông tin về chương trình, hơn nữa, có quá nhiều thư mời tham dự giải thưởng nên DN không biết lựa chọn chương trình nào để tham gia cho hiệu quả.
Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) - cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành triển khai, chương trình Thương hiệu quốc gia đã gửi thư mời đến các DN tiềm năng nhằm giúp các DN biết thông tin để kịp thời đăng ký tham gia. Mặc dù vậy, bản thân DN phải chủ động, thể hiện ở việc: thứ nhất, quan tâm đến chương trình (tìm hiểu qua nhiều kênh thông tin, vào trang web của chương trình…) và nhận thấy lợi ích từ chương trình để đăng ký tham gia; thứ hai, phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của chương trình. Vì vậy, không hẳn là DN lớn, mà những DN vừa và nhỏ cũng có thể tham gia và đạt Thương hiệu quốc gia.
Hà Thu