Báo cáo tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ thực hiện dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông mới đây, Cục Quản lý Xây dựng và chất lượng công trình giao thông, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, đến nay 10 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2017-2020 lũy kế sản lượng thi công dự án đạt hơn 19.400 tỷ đồng, tương đương 34,3% giá trị hợp đồng. Tiến độ thực hiện các dự án thành phần cơ bản đáp ứng kế hoạch.

Đáng nói, vẫn có 03 dự án chậm tiến độ. Trong đó, dự án Diễn Châu-Bãi Vọt sản lượng đạt 2,7% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 5,95% so với kế hoạch ban đầu và 0,5% so với kế hoạch điều chỉnh do nhà thầu (đồng thời là nhà đầu tư) chậm huy động nhân sự, máy móc, thiết bị thi công.

Đoạn Vĩnh Hảo-Phan Thiết sản lượng đến nay đạt 32,2% giá trị các hợp đồng, chậm khoảng 13,3% giá trị hợp đồng do khó khăn về nguồn vật liệu đất đắp nền đường và nhà thầu chưa tích cực thi công móng, mặt đường. Đoạn Phan Thiết-Dầu Giây sản lượng hiện đạt hơn 38,5% giá trị các hợp đồng, chậm khoảng 1,4% giá trị hợp đồng do tốc độ thi công đắp đất, đá nền đường thực tế chưa đáp ứng kế hoạch.

Công ty Cổ phần đầu tư Phúc Thành Hưng triển khai đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt

Được biết, dự án Cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt có tổng chiều dài 50 km, đi qua địa bàn tỉnh Nghệ An dài 44,4 km, qua đi qua địa bàn Hà Tĩnh dài 4,9 km. Tổng mức đầu tư của dự án là 11.157 tỷ đồng, hình thức thực hiện dự án theo PPP hợp đồng BOT. Liên danh các nhà đầu tư trúng thầu thực hiện dự án gồm Công ty TNHH Hòa Hiệp - Công ty CP Tập đoàn Cienco4 - Công ty TNHH đầu tư Núi Hồng - Tổng công ty xây dựng Trường Sơn - Công ty CP đầu tư và xây dựng VINA2.

Hiện trạng dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt. Ảnh: Trọng Đảng - Thu Hiền
Hiện trạng dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt. Ảnh: Trọng Đảng - Thu Hiền.
Mặt bằng dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt đã được địa phương và Bộ GTVT giao đến trên 90%. Ảnh: Trọng Đảng - Thu Hiền

Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết đoạn xã Hàm Chính, huyện Hàm Thuận Bâc (Bình Thuận). Ảnh: Việt Quốc

Sau khi trúng thầu, các nhà thầu này đã lập nên Công ty cổ phần đầu tư Phúc Thành Hưng ký hợp đồng BOT với đại diện Bộ GTVT để triển khai dự án.

Trong số 11.157 tỷ đồng đầu tư cho dự án, nhà nước bỏ kinh phí theo Nghị quyết đặc thù của Quốc hội đến 55% tổng mức đầu tư (Luật PPP vốn nhà nước không chiếm quá 51%) - khoảng 6.100 tỷ đồng; nhà đầu tư bỏ kinh phí 45%, khoảng 5.090 tỷ đồng; số vốn này nhà đầu tư Cty Phúc Thành Hưng có 1.530 tỷ đồng vốn chủ sở hữu theo quy định, vay ngân hàng 3.427 tỷ đồng. Tỷ lệ tham gia đóng góp vốn tại dự án: Công ty TNHH Hòa Hiệp chiếm 40%; các nhà đầu tư liên danh còn lại gồm: Công ty CP Tập đoàn Cienco4 - Công ty TNHH đầu tư Núi Hồng - Tổng công ty xây dựng Trường Sơn - Công ty CP đầu tư và xây dựng VINA2 chiếm 15%.

Đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết do Ban quản lý dự án 7 làm chủ đầu tư

Cao tốc Bắc - Nam qua tỉnh Bình Thuận tổng chiều dài hơn 160 km, gồm ba dự án thành phần: Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây. Trong đó, đoạn dài nhất, quy mô 6 làn xe, rộng 32 m; tổng vốn đầu tư gần 11.000 tỷ đồng, khởi công tháng 11/2020, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2022.

Mặt bằng dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt đã được địa phương và Bộ GTVT giao đến trên 90%. Ảnh: Quốc Việt

Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết đoạn xã Hàm Chính, huyện Hàm Thuận Bâc (Bình Thuận). Ảnh: Việt Quố

Chủ đầu tư đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết là Ban quản lý dự án 7 (Bộ Giao thông Vận tải). Trao đổi trước báo giới Ban quản lý dự án 7 cho biết, đến giữa tháng Ba giá trị sản lượng xây lắp cả dự án thực hiện được hơn 1.750 tỷ đồng, đạt gần 29% giá trị các hợp đồng, chậm gần 10% so với kế hoạch đề ra (2.360 tỷ đồng). Từ đầu năm đến nay, tiến độ thi công trên đoạn này chuyển biến chậm, sản lượng thực hiện chỉ được 403 tỷ đồng, đạt hơn 37% kế hoạch, chưa đáp ứng yêu cầu ở các hạng mục, nhất là đắp nền.

Dự án chậm trễ do các nhà thầu chưa chủ động được nguồn vật liệu đất, công tác đắp nền đường còn chậm ở tất cả các gói thầu, chỉ đạt 76% kế hoạch. Một số nhà thầu chưa quyết liệt, chưa quan tâm đúng mức về tầm quan trọng của dự án.

Mặt bằng dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt đã được địa phương và Bộ GTVT giao đến trên 90%. Đồ họa: Thanh Huyền

Hướng tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Đồ Họa: Thanh Huyền.

Ban quản lý dự án 7 cho rằng, bộ máy điều hành của các nhà thầu thiếu về số lượng, năng lực yếu, không được giao thực quyền để điều hành được các tổ đội thi công và nhà thầu phụ. Điều này dẫn đến việc tổ chức thi công không khoa học, chưa điều phối được các mũi xây lắp. Máy móc, thiết bị hiện có trên công trường không phát huy tối đa công suất.

Ngoài ra, tài chính của dự án thiếu hụt, nguồn tiền về công trường chậm trễ ảnh hưởng huy động vật tư, vật liệu, nhiên liệu. Các mũi thi công trên toàn tuyến cũng chỉ huy động được 80/86 mũi so với yêu cầu. Hiện, 4 gói thầu của dự án có hơn 2.400 nhân sự và gần 1.300 máy, thiết bị.

Chủ đầu tư đoạn Phan Thiết – Dầu Giây là Ban Quản lý dự án Thăng Long

Dự án cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây có dài 99km đi qua hai tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai do Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ Giao thông Vận tải) làm đại diện chủ đầu tư. Dự án được khởi công cuối tháng 09/2020 và theo kế hoạch tuyến cao tốc này sẽ hoàn thành sau 24 tháng. Giai đoạn 1 được xây dựng theo quy mô 4 làn xe với tổng mức đầu tư hơn 12.577 tỷ đồng; trong đó, chi phí xây dựng là hơn 7.200 tỷ đồng.

Các phương tiện tham gia lu nền đường tại gói thầu số 4, cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây. Ảnh: Công Phong/TTXVN
Các phương tiện tham gia lu nền đường tại gói thầu số 4, cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây. Ảnh: Công Phong/TTXVN.

Dự án cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây là một phần trong dự án cao tốc Bắc Nam, trục đường bộ xương sống của đất nước qua tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai. Cao tốc Bắc Nam qua Bình Thuận sau khi hoàn thành sẽ kết nối với cao tốc TP. Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, sân bay quốc tế Long Thành và các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam, góp phần tạo đòn bẩy cho địa phương này phát triển kinh tế-xã hội.

Về đến tiến độ các gói thầu, đại diện Ban Quản lý dự án Thăng Long cho hay, gói XL-01 hiện đạt hơn 34% sản lượng kế hoạch. Đây là gói thầu đạt sản lượng cao nhất so với 3 gói thầu còn lại (XL-02; XL-03, XL-04).

Về khó khăn nguồn đất đắp, các nhà thầu đã chủ động sử dụng nguồn đá nghiền để đắp nền. Cụ thể, gói XL-02 bắt đầu đẩy mạnh viêc này nhằm chủ động hoàn thiện đắp nền đường. Đối với những gói khác của dự án, các nhà thầu cũng đang khẩn trương sử dụng nhiều giải pháp để chủ động nguồn vật liệu đất đắp cho dự án.

Theo tính toán, hiện gói XL-03 thiếu khoảng 2,5 triệu m3 đất đắp, gói XL-04 thiếu khoảng 400.000 m3 đất đắp, còn lại những gói thầu khác các nhà thầu kiểm soát được.

Nhà thầu thực hiện gói thầu vi phạm hợp đồng sẽ bị xử lý thế nào?

Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đã có yêu cầu các Ban Quản lý dự án xử lý các nhà thầu vi phạm hợp đồng, không đáp ứng chất lượng, tiến độ.

Cụ thể, đối với nhà thầu thực hiện gói thầu vi phạm hợp đồng, không có khả năng hoàn thành hợp đồng đúng tiến độ ký kết (chủ đầu tư đã thông báo vi phạm lần 3 theo quy định của hợp đồng, nhưng nhà thầu không có chuyển biến tích cực về tiến độ), Ban Quản lý dự án xem xét báo cáo Bộ Giao thông Vận tải chấm dứt hợp đồng.

Nhà thầu không hoàn thành hợp đồng (bị xử lý chấm dứt hợp đồng) sẽ được đánh giá không đáp ứng ở bước đánh giá sơ bộ trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu các gói thầu thuộc dự án do Bộ (từ 03-05 năm theo quy định hiện hành).

Đối với nhà thầu vi phạm tiến độ nhưng chưa đến mức phải xử lý chấm dứt hợp đồng, các Ban Quản lý dự án đôn đốc kiểm tra, giám sát, yêu cầu 02 nhà thầu có giải pháp khắc phục ngay; xem xét, đánh giá kỹ lưỡng trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu nếu nhà thầu tham gia đấu thầu các dự án khác thuộc phạm vi quản lý.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể.

Liên quan tới việc chậm tiến độ của các dự án, tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ thực hiện dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông mới đây Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã truy nguyên nhân chậm tiến độ cao tốc Bắc-Nam và có các chỉ đạo rà soát từng hạng mục, không để xảy ra tình trạng mũi thi công thì tăng nhưng tiến độ vẫn chậm.

Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu Cục quản lý Xây dựng và chất lượng công trình giao thông phải rà lại chi tiết từng dự án xem thời điểm hiện tại thực trạng thi công được bao nhiêu km được cấp phối đá dăm, thảm nhựa,…

“Những dự án nào còn vướng mặt bằng và vướng ở vị trí nào (nếu có), giải pháp tháo gỡ ra sao? tình trạng đất đắp thiếu hay đủ? Giám đốc các Ban Quản lý dự án phải nắm bắt thực trạng, tính toán xem số tháng ít ỏi con lại phải xử lý thế nào với các gói thầu chậm tiến độ. Bản chất của việc chậm là do đâu?”, ông Thể yêu cầu.

Nhận định không phải gói thầu cứ chậm tiến độ là cắt chuyển khối lượng, người đứng đầu ngành Giao thông cho rằng, nếu nguyên nhân chậm do thiếu đất thì việc điều chuyển khối lượng, thay thế nhà thầu cũng không có ý nghĩa. Từ đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu công tác chỉ đạo của Ban Quản lý dự án, chủ đầu tư với nhà thầu tăng mũi thi công, thiết bị, không để xảy ra tình trạng mũi thi công thì tăng nhưng tiến độ vẫn chậm.

Về vấn đề mặt bằng, Bộ trưởng Thể yêu cầu các Ban Quản lý dự án cung cấp video clip từng dự án cho các tỉnh, thành có tuyến đi qua để chính quyền địa phương quản lý, công bố rộng rãi trên phương tiện truyền thông, tuyên truyền người dân không xây dựng trái phép, trồng cây không đúng quy định trên đất thuộc phạm vi dự án.

Tuấn Ngọc