Dòng gốm “Ngự dụng” được ưa chuộng không chỉ ở Việt Nam

Tính độc đáo của gốm Chu Đậu là ngay từ khi ra đời, gốm Chu Đậu cùng với nhiều lò gốm khác đã sản xuất nhiều loại sản phẩm và những sản phẩm gốm đó đã nhanh chóng cung cấp ra thị trường, được thị trường bấy giờ rất ưa chuộng.

Sự có mặt rộng rãi của gốm Chu Đậu tại nhiều di tích khảo cổ học cho thấy gốm Chu Đậu đã trở thành đồ dùng, vật dụng thiết yếu và quan trọng trong đời sống xã hội thời bấy giờ, đặc biệt trong các tầng lớp cao trong xã hội như tầng lớp vua chúa hay quan lại, tạo nên những sản phẩm “Ngự dụng”.

Những phát hiện về đồ gốm Chu Đậu ở hầu khắp các di chỉ khảo cổ học trong nước, và nhiều địa điểm khảo cổ học ở các nước như Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaya và Nhật Bản, xa hơn là Cairo (Ai Cập)… Có lẽ không có lời khẳng định nào mạnh mẽ hơn về vị thế của gốm Chu Đậu là việc hiện gốm cổ Chu Đậu được trưng bày tại 46 bảo tàng danh tiếng tại 32 quốc gia trên thế giới.

Điển hình nhất là chiếc bình hoa lam quý giá được coi là một trong bốn bảo vật quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ đang được lưu giữ ở Bảo tàng Hoàng gia Topkapi, nguyên là một cung điện cực kỳ nguy nga lộng lẫy của Thổ Nhĩ Kỳ được xây dựng vào năm 1465 - 1487, một biểu tượng kỷ nguyên vàng nằm trong thành phố Istanbul cổ kính nguy nga và tráng lệ của các hoàng đế Ottoman.

BÌNH HOA TAM QUÝ

Một số chi tiết vô cùng thú vị về chiếc bình hoa lam đang được coi là một trong bốn bảo vật của Thổ Nhĩ Kỳ được nói ở trên đã nói lên vị thế của sản phẩm gốm Chu Đậu. Có những đoàn khách Việt Nam, với công hàm ngoại giao gửi tới chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ xin được chiêm ngưỡng bảo vật này nhưng đáp lại là nội dung cho biết “chỉ được trưng bày theo chỉ đạo của người đứng đầu nhà nước và trong một thời gian nhất định” chứ không phải ai cũng được chiêm ngưỡng vào bất cứ lúc nào. Trong khi đó, ngoài thị trường sản phẩm lưu niệm, một bản sao của chiếc bình quý này, không phải được làm bằng chất liệu gốm, được đánh số theo kiểu “Limited” (sản phẩm giới hạn) được bán đắt như tôm tươi vì được quảng bá là đây là một trong ba bảo vật mà vua Thổ Nhĩ Kỳ đã từng sử dụng.

Sự góp mặt của gốm Chu Đậu trên thị trường, trong đời sống xã hội đương đại chính là câu trả lời thú vị về trình độ công nghệ sản xuất gốm của Chu Đậu khi đó. Bởi lẽ, để đáp ứng được nhu cầu thẩm mỹ và thị hiếu của người tiêu dùng, đáp ứng được các thị trường khó tính hay các tầng lớp trong xã hội đương thời, các thợ gốm Chu Đậu đã biết chế tác các loại hình sản phẩm phù hợp, có nhiều chất lượng phẩm cấp khác nhau, nhưng cơ bản đều có hình dáng đẹp, có màu men quyến rũ, hấp dẫn, có các đồ án hoa văn mang hơi thở của cuộc sống, mang sắc thái văn hóa truyền thống của dân tộc.

Họ thực sự là những nghệ nhân tài ba, không chỉ nắm bắt được công nghệ chế tác gốm men như lựa chọn nguyên liệu, làm chủ kỹ thuật trong việc khống chế nhiệt độ lò nung hay tìm tòi, sáng chế ra những loại men đẹp: men trắng, men ngọc, men lam mà còn rất điêu luyện trong cách tạo mẫu hình dáng sản phẩm và sáng tác các loại đồ án hoa văn trang trí mang tính đặc trưng riêng biệt của Chu Đậu. Nhiều sản phẩm gốm Chu Đậu có chất lượng rất cao có thể sánh với những sản phẩm đồ gốm sản xuất tại các xưởng của triều đình Thăng Long. Và qua tài liệu khảo cổ cho thấy cũng từng có rất nhiều sản phẩm gốm Chu Đậu được sử dụng trong hoàng cung Thăng Long.

Rất nhiều hiện vật gốm được tìm thấy, qua nghiên cứu so sánh với sản phẩm ở Hoàng thành Thăng Long, các nhà nghiên cứu khảng định, sản phẩm của lò gốm Chu Đậu từng được sử dụng trong hoàng cung vào thời Lê sơ (thế kỷ 15-16)
Rất nhiều hiện vật gốm được tìm thấy, qua nghiên cứu so sánh với sản phẩm ở Hoàng thành Thăng Long, các nhà nghiên cứu khảng định, sản phẩm của lò gốm Chu Đậu từng được sử dụng trong hoàng cung vào thời Lê sơ (thế kỷ 15-16).

Nhiều nghiên cứu và sưu tầm cũng đã cho thấy sự xuất hiện của hình ảnh gốm Chu Đậu trên vật phẩm mang tính quốc gia của nhiều nước, ví dụ như những con tem cổ của Bưu điện Hoa Kỳ, Nhật Bản, Bồ Đào Nha….

Tem phát hành chung Việt Nam - Bồ Đào Nha
Tem phát hành chung Việt Nam - Bồ Đào Nha.

Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử còn tìm thấy những thông tin giá trị về việc gốm Chu Đậu được hoàng gia các nước như Thái Lan, Nhật Bản đặt hàng theo đường ngoại giao để nhận được sự cho phép giảm thuế từ chính quyền phong kiến Việt Nam hay nhưng tài liệu cho thấy các sản phẩm gốm Chu Đậu chỉ xuất hiện trong những gia đình cực kỳ giàu có ở Nhật Bản, chứ không phải được sử dụng ở cấp độ đại trà phổ thông.

Trần Mạnh