Nhức nhối vấn nạn hàng giả, hàng nhái

Hiện nay, chuyển đổi số đang là xu hướng và nền kinh tế số Việt Nam cũng đang phát triển mạnh mẽ. Theo thống kê của Hội Sáng chế Việt Nam, nước ta hiện đang là 1 trong 3 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thị phần bán lẻ trực tuyến cao nhất khu vực Đông Nam Á. Trong năm 2021, Việt Nam đạt 13,7 tỷ USD (tăng 16% so với năm 2020) trên môi trường kinh doanh sàn thương mại điện tử. Dự báo trong năm 2022, nền kinh tế số tại Việt Nam sẽ còn đạt giá trị cao hơn nữa.

Ảnh minh họa, nguồn internet
Ảnh minh họa, nguồn internet.

Thương mại điện tử giúp nhà sản xuất phát triển thị phần hiệu quả hơn, người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận sản phẩm trong và ngoài nước theo nhu cầu. Song, bên cạnh sự phát triển vượt bậc của thương mại điện tử thì tình trạng làm hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên internet đang là vấn đề nhức nhối và công tác chống hàng giả, chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên mạng internet gặp rất nhiều khó khăn.

Khó khăn lớn nhất đến từ việc các trang thông tin giả, sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội facebook, zalo… nở rộ, bán hàng thật chung với hàng giả. Mặc dù pháp luật đã có gần như đầy đủ các quy định điều chỉnh, đồng thời mức xử lý vi phạm về hàng giả, hàng nhái cũng mạnh hơn nhưng vẫn chưa đủ tính răn đe do lợi nhuận từ hành vi vi phạm về hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ là rất lớn nên các đối tượng vẫn triệt để lợi dụng.

Theo ông Lê Duy Anh - Trưởng phòng Thực thi và Giải quyết khiếu nại, Cục Sở hữu trí tuệ, cả phía cơ quan chức năng và các doanh nghiệp chủ sàn thương mại điện tử đều cần phải tăng cường ứng dụng các giải pháp công nghệ, có công cụ hiệu quả giúp rà soát đầu vào của các sản phẩm khi đưa lên sàn, từ đó nhanh chóng gỡ bỏ các sản phẩm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ra khỏi sàn thương mại điện tử của mình.

Doanh nghiệp tích cực phối hợp, chia sẻ thông tin

Trên thực tế, các doanh nghiệp cũng đã tìm giải pháp để “tự bảo vệ mình” thông qua việc xây dựng hệ sinh thái công nghệ về chống hàng giả, ứng dụng như tích hợp các công nghệ chống giả trên tem bao bì, sử dụng mã QR code và SMS.

Theo ông Nguyễn Viết Hồng - Tổng Giám đốc Công ty Vina CHG, các công nghệ từ những hệ sinh thái này sẽ giúp truy xuất và chống giả hiệu quả. Điều này giúp truy vết nguồn gốc sản phẩm, xác thực hàng chính hãng, chống sao chép, làm giả, nhái sản phẩm, kiểm soát sản phẩm khi đưa lên kinh doanh thông qua các nền tảng thương mại điện tử. Ngoài ra, do hệ thống chạy trên điện toán đám mây nên giúp việc tra cứu thông tin và giám sát từ xa được dễ dàng hơn.

Chia sẻ về “cái khó” của các lực lượng chức năng trong công tác chống hàng giả, ông Đặng Văn Dũng - Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, công tác kiểm tra, xác minh, xử lý tốn rất nhiều thời gian, công sức của các cơ quan quản lý. Trong thời gian qua, việc tăng cường quản lý, chống hàng giả, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên không gian số đã và đang được các lực lượng chức năng đầu tư, chú trọng rất nhiều, đặc biệt là tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân, tuyên truyền về các tác hại của hàng giả để người dân tích cực tố giác các hành vi gian lận, buôn bán hàng giả.

Minh An (t/h)