Cắt giấy phép con: Khẳng định tinh thần chính phủ kiến tạo
Sau khi Luật Đầu tư 2015 có hiệu lực, Chính phủ đã ban hành hàng loạt nghị định về điều kiện kinh doanh trước thời điểm 1/7/2016 để đáp ứng yêu cầu của luật này. Hơn 1 năm qua, cuộc chiến loại bỏ các điều kiện kinh doanh bất hợp lý - vốn được ví von như những “giấy phép con - cháu” vẫn đang tiếp tục.
Trong khu vực ASEAN, Việt Nam đứng thứ 6 về xếp hạng năng lực cạnh tranh và
thứ 5 về xếp hạng môi trường kinh doanh
Cắt giảm nhiều giấy phép con
Trong quá trình thẩm định các dự thảo nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh, Bộ Tư pháp luôn đặt vấn đề về sự cần thiết của các quy định của điều kiện đầu tư kinh doanh theo đúng quy định của Điều 7 - Luật Đầu tư.
Trong công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp cho hay, đã tập trung cao vào kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến môi trường đầu tư, kinh doanh. Kết quả cho thấy, vẫn còn một số bộ, ngành, địa phương ban hành quy định không đúng thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều 7 - Luật Đầu tư, nhất là thời gian đầu mới triển khai thi hành luật, gây khó khăn, cản trở hoạt động kinh doanh của DN.
Tính từ ngày 1/7/2015 (ngày Luật Đầu tư có hiệu lực) đến nay, Bộ Tư pháp đã phát hiện và kiến nghị xử lý 31 văn bản có quy định không phù hợp về điều kiện đầu tư kinh doanh, riêng năm 2017, phát hiện, kiến nghị xử lý 6 văn bản. Đến nay các bộ, ngành, địa phương đã xử lý 26/31 văn bản; còn 5 văn bản chưa được xử lý.
Theo báo cáo mới đây của Bộ Tư pháp, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan, địa phương đã và đang vào cuộc. Nhiều bộ, ngành đã chủ động rà soát, lên kế hoạch cải cách điều kiện đầu tư, kinh doanh, theo hướng tạo thuận lợi cho DN. Bộ Công thương ban hành Quyết định số 3610a/QĐ-BCT ngày 20/9/2017 về Phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công thương giai đoạn 2017 - 2018; đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa khoảng 55,5% tổng số các điều kiện đầu tư kinh doanh trong 16 ngành, nghề thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công thương.
Hiện nay, dự thảo nghị định sửa đổi một số nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công thương, đã được trình Chính phủ.
Nhiều bộ, ngành cùng vào cuộc
Bộ Xây dựng và Bộ NN&PTNT đã triển khai rà soát và xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành mình.
Cụ thể, Bộ Xây dựng đã chủ động rà soát, đề xuất bãi bỏ 5 ngành, nghề không thuộc danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện của của Luật Đầu tư; rà soát, dự kiến đề xuất bãi bỏ khoảng 41,3%; đơn giản hóa 43,7%; giữ nguyên 15% tổng số điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.
Bộ NN&PTNT đề xuất bãi bỏ, sửa đổi theo hướng rút gọn 118 điều kiện (32,4%) trong tổng số khoảng 345 điều kiện, thuộc 33 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.
Bộ KH&ĐT đã trình Chính phủ xem xét đề nghị xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật DN, trong đó, tiếp tục đề xuất bãi bỏ 20 ngành, nghề không cần thiết, bất hợp lý, không đáp ứng yêu cầu nhằm tạo thuận lợi cho việc gia nhập thị trường của người dân, DN, bảo đảm thực hiện đầy đủ, nhất quán quyền tự do kinh doanh của người dân, DN đã được hiến định.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 98/NQ-CP, Bộ KH&ĐT đang xây dựng nghị định về kiểm soát và nâng cao chất lượng điều kiện đầu tư kinh doanh. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng đã rà soát, lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị với các chính sách lớn nhằm cải cách thủ tục hành chính và đổi mới cơ chế quản lý, trọng tâm là sửa đổi, bổ sung quy định về giấy phép xây dựng, hình thức tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng, đổi mới quản lý hệ thống định mức, giá xây dựng...; đồng thời bãi bỏ, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh để đồng bộ với đề nghị sửa đổi Luật Đầu tư. Đề nghị xây dựng luật này đã được Bộ Tư pháp thẩm định, trình Chính phủ thông qua tại Phiên họp thường kỳ tháng 11/2017.
Những kết quả đáng ghi nhận
Những động thái kể trên, đã mang lại nhiều kết quả tích cực trong việc cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam.
Trong 4 năm triển khai Nghị quyết 19, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nước ta, năm 2017 được các tổ chức quốc tế ghi nhận cải thiện nhiều nhất.
Năng lực cạnh tranh tăng 5 bậc so với năm 2016 (từ vị trí 60/138 lên vị trí 55/137 nền kinh tế). Kết quả này đạt được bởi 5/12 chỉ số trụ cột tăng điểm, 6/12 chỉ số trụ cột tăng bậc (với 32/114 chỉ số thành phần vừa tăng điểm và tăng bậc, 24/114 chỉ số thành phần tăng hạng, nhưng điểm số không đổi hoặc tăng điểm nhưng thứ hạng không đổi). Đa số trụ cột về hiệu quả thị trường (thị trường tài chính, lao động, công nghệ và quy mô thị trường…) đã có sự cải thiện.
Môi trường kinh doanh đạt thứ hạng 68/190, tăng 14 bậc so với năm ngoái. Đây là mức tăng bậc nhiều nhất trong thập niên qua. Nếu tính 2 năm liêp tiếp thì môi trường kinh doanh của nước ta tăng 23 bậc. Kết quả tích cực này đạt được bởi 8/10 chỉ số tăng điểm (không có chỉ số nào giảm điểm), 6/10 chỉ số tăng bậc. Trong đó, nộp thuế (tăng 61 bậc) và tiếp cận điện năng (tăng 32 bậc) là 2 chỉ số đóng góp đáng kể nhất vào cải thiện môi trường kinh doanh.
Đổi mới sáng tạo cải thiện 12 bậc, đạt thứ hạng 47/127. Đây cũng là thứ hạng cao nhất mà Việt Nam đã đạt được từ trước cho đến nay. Trong nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp, Việt Nam đã vươn lên xếp thứ nhất (từ vị trí số 3 năm 2016). Trong ASEAN, Việt Nam vươn lên và đứng trên Thái Lan (vị trí 51). Sự cải thiện này, chủ yếu đạt được nhờ việc cập nhật kịp thời dữ liệu cho Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới.
Tiếp tục thực hiện NQ 19
Báo cáo của Bộ KH&ĐT cho thấy: Các bộ hiện vẫn còn lúng túng trong phân biệt điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề và quản lý chuyên ngành đối với sản phẩm, hàng hóa. Do vậy, nhiều điều kiện về quản lý chuyên ngành đối với sản phẩm, hàng hóa được quy định thành điều kiện kinh doanh.
Bên cạnh đó, các quy định về điều kiện chung (giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; yêu cầu về phòng cháy chữa cháy; môi trường; an toàn lao động…) mặc dù đã được quản lý bởi các Bộ KH&ĐT, Công an, TN&MT LĐ-TB&XH…, nhưng các bộ khác vẫn quy định quản lý cả những điều kiện này.
“Trong số điều kiện kinh doanh đề xuất bãi bỏ, sửa đổi thì khoảng 1/2 số điều kiện thuộc diện sửa đổi. Có điều kiện sửa đổi chỉ đơn thuần diễn đạt lại từ ngữ, chưa thực chất tạo thuận lợi cho DN”, theo Bộ KH&ĐT.
Phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận thực tế vẫn còn có ngành, địa phương gây trở ngại cho kinh doanh, chưa tạo điều kiện cho DN phát triển, chưa có giải pháp tháo gỡ cụ thể. Cho nên, năng lực cạnh tranh quốc gia còn thấp, môi trường kinh doanh còn nhiều vấn đề. Do đó, việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 19 là yêu cầu quan trọng trong năm 2018.
“Những vướng mắc nào, những công việc gì cần triển khai thì các đồng chí xác định cho rõ đây là nội dung công tác quan trọng”, Thủ tướng nhấn mạnh và đặt vấn đề “tại sao có tỉnh làm rất tốt về cải thiện môi trường đầu tư như mô hình cà phê doanh nhân ở Đồng Tháp hay mô hình một cửa liên thông hiện đại, nhưng còn địa phương ỳ ạch, vẫn còn tư duy bao cấp xin - cho?”.
Rõ ràng, trong khu vực ASEAN, Việt Nam đứng thứ 6 về xếp hạng năng lực cạnh tranh và thứ 5 về xếp hạng môi trường kinh doanh. Những năm gần đây, Indonesia, Brunei và Thái Lan liên tiếp có mức cải thiện nhanh và mạnh mẽ hơn chúng ta. Vì thế, mục tiêu đạt mức trung bình của các nước ASEAN 4 trên các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh trở nên thách thức hơn, đòi hỏi phải nỗ lực nhiều hơn.
Bùi Quyền
Tin mới
Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ khẩn cấp thiết bị lọc nước và tấm plastic đa chức năng tới Yên Bái
Chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã quyết định chuyển hàng viện trợ bao gồm thiết bị lọc nước và tấm plastic đa chức năng tới tỉnh Yên Bái, trong ngày 15/9.
Thu giữ nguyên liệu sản xuất bánh trung thu hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc
Công an TP. Thanh Hóa, Đội Quản lý thị trường số 10 và các lực lượng chức năng vừa phát hiện, thu giữ gần 2 tấn nguyên liệu sản xuất bánh Trung thu hết hạn sử dụng, không có nguồn gốc xuất xứ, hàng do nước ngoài sản xuất.
Thanh Hóa kiểm soát thị trường Tết Trung thu
Dịp Tết Trung thu là thời gian mà nhu cầu tiêu dùng các loại bánh, kẹo, đặc biệt là bánh trung thu tăng cao. Để đảm bảo các mặt hàng phục vụ Tết Trung thu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn thực phẩm, lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành đồng thời nhiều biện pháp nghiệp vụ, kiểm tra, tuyên truyền phổ biến pháp luật trên địa bàn.
Công bố quyết định thành lập công đoàn Công ty TNHH Giầy Alivia Việt Nam
Ngày 15/9, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức lễ công bố quyết định thành lập Công đoàn Công ty TNHH Giầy Alivia Việt Nam.
Quảng Ninh tặng 130 suất quà cho học sinh mồ côi, khuyết tật và hỗ trợ 3 hộ dân bị ảnh hưởng do bão số 3
Ngày 15/9, Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi (NKT-TMC) tỉnh phối hợp cùng các nhà hảo tâm tổ chức tặng quà cho học sinh mồ côi, khuyết tật; thăm hỏi động viên gia đình người có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng do bão số 3.
Gia Lai triển khai thực hiện Chiến lược Quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam
UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Kế hoạch số 2127/KH-UBND về triển khai thực hiện Chiến lược Quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Câu chuyện thương hiệu
PV Power (POW) đạt 19.954,4 tỷ đồng doanh thu trong 8 tháng 2024, tăng nhẹ so với cùng kỳ
Nam Việt (ANV) lên kế hoạch trả tổng cộng 66,56 tỷ đồng cổ tức năm 2023
Cổ phiếu Xây dựng Hòa Bình (HBC) sẽ giao dịch trở lại trên thị trường UPCoM từ ngày 18/9
PVTrans (PVT) sắp trả tổng cộng hơn 106,8 tỷ đồng cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 3%
Nợ của Tập đoàn Taseco tăng vọt lên 6.601 tỷ
Cảng Chu Lai hợp tác với hãng tàu RCL, mở thêm các tuyến hàng hải mới