Quá phụ thuộc vào các Trung Quốc rất nguy hiểm đối với các chuỗi cung ứng (Ảnh Getty Images)Quá phụ thuộc vào các Trung Quốc rất nguy hiểm đối với các chuỗi cung ứng (Ảnh Getty Images)

Đại dịch toàn cầu đã khiến hơn 100 tỷ USD vốn chảy ra khỏi các thị trường mới nổi hồi tháng 3. Những tưởng COVID-19 sẽ gây ra hậu quả nặng nề cho các nước đang phát triển, nhưng thực tế đại dịch này lại làm dấy lên niềm lạc quan vào tương lai của những khu vực như Ấn Độ, Nam Phi và Đông Nam Á.

Nguyên nhân cho sự lạc quan này chính là Trung Quốc. Trước khi COVID-19 bùng phát, vị thế của Trung Quốc đối với thương mại và sản xuất dường như không thể bị lật đổ. Dù chi phí lương ở Trung Quốc đại lục tăng lên đều đặn, doanh nghiệp vẫn ngần ngại chuyển dịch sản xuất sang nơi khác, theo Bloomberg.

Các quốc gia đối thủ tìm cách trở thành trung tâm cho các chuỗi cung ứng mới phải vất vả cạnh tranh với các mạng lưới kết nối đáng gờm đã được xây dựng tại Trung Quốc.

Với sự ra đời của quy trình tự động hóa, nhiều nước đang phát triển đã bắt đầu tự hỏi liệu họ đã đánh mất cơ hội phát triển kinh tế nhờ vào sản xuất. 

Nhưng hiện nay tình thế đã xoay chuyển. Sự phụ thuộc vào Trung Quốc ngày càng có vẻ nguy hiểm. Các nhà sản xuất chưa chuyển địa điểm vì Trung Quốc vẫn là một quốc gia dễ kinh doanh và thuận tiện do có khá nhiều doanh nghiệp tập trung ở quốc gia này.

Ngoài ra, các mạng lưới với bên ngoài giúp cho chuỗi cung ứng tập trung duy nhất tại một nguồn trở nên hiệu quả.

Tuy nhiên, trong trường hợp những mạng lưới này sụp đổ, các chuỗi cung ứng sẽ trở nên rất mong manh. Doanh nghiệp, nhà đầu tư và các nước đang phát triển đều nhận ra sự thật này vào tháng 3.

Đại dịch COVID-19 đã giúp mọi người nhận ra rằng lợi thế của Trung Quốc có thể bị vượt qua nếu các bên cùng phối hợp với nhau. Các nhà hoạch định chính sách tại những nước đang phát triển đã bắt đầu tìm cách tận dụng thời cơ này.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố rằng Việt Nam đã sẵn sàng để tiếp nhận các nhà đầu tư nước ngoài muốn rót tiền vào các dự án mới, hoặc dịch chuyển hoạt động sản xuất từ các nước khác sang Việt Nam.

Trong bài phát biểu ngắn thông báo gói kích thích của Ấn Độ, Thủ tướng Narendra Modi nhắc tới cụm từ "các chuỗi cung ứng" 8 lần.

Các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ đang tìm mọi cách để lôi kéo các nhà máy rời khỏi Trung Quốc, ví dụ như thiết lập các trung tâm sản xuất dược phẩm mới. Ngoài ra, nước này cũng đang xây dựng quĩ đất để cung cấp cho doanh nghiệp quan tâm.

Ấn Độ đang nhận về được một số tín hiệu tích cực. Thậm chí một số doanh nghiệp trong ngành điện tử của Ấn Độ kỳ vọng sẽ tăng gấp đôi lượng hàng hóa xuất khẩu trong vòng ba năm tới.

Nam Phi cần cải cách thị trường lao động, từ lâu có mức lương chính thức quá cao để có thể cạnh tranh với Trung Quốc. Các quốc gia châu Phi khác cần hạ thấp rào cản thương mại với nhau. Philippines cần cắt giảm thuế suất thu nhập doanh nghiệp hiện đang cao.

Tất cả những cải cách này đều gặp khó khăn về mặt chính trị. Nếu không có khủng hoảng COVID-19, có thể chúng sẽ không bao giờ được thông qua.

Gia tăng khả năng cạnh tranh chắc chắn sẽ mang lại cơ hội mới cho những người trẻ tuổi đang thất nghiệp tại các nước đang phát triển. Tuy nhiên, các quốc cần phải nhớ rằng họ sẽ không thể phá vỡ thế độc quyền của Trung Quốc bằng cách hạ thấp chi phí.

Đại dịch COVID-19 không khiến Trung Quốc mất đi lợi thế về tính hiệu quả. Niềm hi vọng mới mà nó mang lại là các công ty đang tìm cách thiết lập những chuỗi cung ứng bền vững, an toàn và mạnh mẽ hơn – dù chúng kém hiệu quả hơn trong ngắn hạn.

Bên cạnh việc thực hiện cải cách nhằm tăng tính cạnh tranh, các quốc gia cũng cần phải thiết lập các qui định quản lí rõ ràng hơn, tăng tính minh bạch, công khai đối với việc tính thuế. Các quốc gia cũng cần phải phát triển thị trường tài chính, hoàn thiện môi trường pháp lí,… và những biện pháp khác.

Chiến lược "Trung Quốc + 1" có nghĩa rằng doanh nghiệp đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Do vậy, các quốc gia không nhất thiết phải trở nên rẻ hơn hoặc hiệu quả hơn so với Trung Quốc để có thể thu hút doanh nghiệp.

Nhưng các nước cần phải trở nên minh bạch và đáng tin cậy hơn. Kẻ chiến thắng sẽ là quốc gia thuyết phục được doanh nghiệp rằng họ là nơi an toàn nhất để kinh doanh.

Theo Kinh tế & Tiêu dùng