Thủ tướng chỉ rõ các nhiệm vụ, giải pháp để đẩy nhanh phục hồi-tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững theo hướng "Sản phẩm đặc sắc-Dịch vụ chuyên nghiệp-Thủ tục thuận tiện-Giá cả cạnh tranh-Môi trường vệ sinh sạch đẹp-Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện", thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Việt Nam thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới.

Thủ tướng nêu rõ 3 phương châm phát triển du lịch - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng nêu rõ 03 phương châm phát triển du lịch. Ảnh VGP/Nhật Bắc.

Các báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các tham luận, phát biểu của các đại biểu dự họp đã khẳng định những kết quả đạt được; thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân; nêu những thách thức chính của du lịch Việt Nam và đề xuất nhiều giải pháp thiết thực để phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam thời gian tới.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với VPCP và các cơ quan liên quan nghiêm túc tiếp thu tối đa các ý kiến phát biểu; sớm hoàn thiện, trình ban hành Nghị quyết của Chính phủ về đẩy nhanh phục hồi-tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.

Thủ tướng yêu cầu phải xác định bối cảnh của một đất nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, ngành du lịch của Việt Nam lại phát triển sau các nước; chúng ta mong muốn phát triển du lịch nhanh, bền vững nhưng các nhiệm vụ, giải pháp cần không cầu toàn cũng không nóng vội, kiên trì, bản lĩnh, bình tĩnh, phân tích, đánh giá những kết quả, thuận lợi cần phát huy, khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, thách thức cần vượt qua.

Nhìn lại 01 năm mở cửa, mà rộng hơn là giai đoạn từ năm 2016 tới nay, Thủ tướng đánh giá ngành du lịch Việt Nam đã đạt được kết quả đáng phấn khởi, trân trọng. Lượng khách nội địa tăng từ 57 triệu lượt năm 2015 lên 85 triệu lượt năm 2019. Khách quốc tế tăng từ 7,9 triệu lượt năm 2015 lên 18 triệu lượt năm 2019. Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam năm 2019 tăng 17 bậc so với năm 2011. Năm 2022, Việt Nam đón 3,66 triệu lượt khách quốc tế, 103 triệu lượt khách nội địa.

Đây là những minh chứng sinh động cho sự phát triển của du lịch Việt Nam, củng cố niềm tin về sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tới. Với những kết quả này, chúng ta có thêm sự tự tin, kinh nghiệm, nhận thức rõ hơn về tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của du lịch Việt Nam để bước vào giai đoạn phát triển mới, đi lên từ bàn tay, khối óc, mảnh đất, khung trời, cửa biển của mình, phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, gắn phát triển du lịch với phát triển công nghiệp văn hóa, giải trí, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phát triển du lịch Việt Nam phải đặt trong tổng thể phát triển du lịch của thế giới và khu vực, có tính liên kết cao, bổ trợ lẫn nhau, đồng thời chủ động trước những tình huống đột xuất, bất ngờ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phát triển du lịch Việt Nam phải đặt trong tổng thể phát triển du lịch của thế giới và khu vực, có tính liên kết cao, bổ trợ lẫn nhau, đồng thời chủ động trước những tình huống đột xuất, bất ngờ. Ảnh VGP/Nhật Bắc.

Du lịch Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đặt ra nhiều thách thức, khó khăn mới, đòi hỏi phải có tư duy đổi mới, cách tiếp cận mới, cách làm mới để phát triển ngành du lịch.

Nhu cầu của khách du lịch liên tục thay đổi, đòi hỏi ngày càng cao về cả chất lượng sản phẩm, sự trải nghiệm, tính đa dạng, độc đáo; khách du lịch ngày càng "khó tính" hơn.

Xuất phát điểm về du lịch của Việt Nam thấp hơn nhiều nước. Các nước trong khu vực đẩy mạnh đầu tư, phát triển và thu hút khách du lịch, tạo sức cạnh tranh lớn, trong khi nguồn lực đầu tư của Việt Nam còn hạn chế.

Trong giai đoạn phát triển mới, để tiếp tục nâng cao chất lượng phát triển du lịch, Đại hội XIII của Đảng xác định: "Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch, bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển đồng bộ, bền vững và hội nhập quốc tế... Xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu du lịch quốc gia gắn với hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc... Đến năm 2030, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 47-50 triệu lượt, du lịch đóng góp khoảng 14-15% GDP và nâng tỉ trọng khu vực dịch vụ trong GDP lên trên 50%".

"Đây là những chỉ tiêu cao, đạt được không phải dễ. Tuy nhiên, tôi có niềm tin vững chắc rằng, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, chủ động, sáng tạo, phản ứng kịp thời, linh hoạt, phân công rõ trách nhiệm của các chủ thể, chúng ta sẽ đạt được các mục tiêu này, với những nền tảng quan trọng", Thủ tướng nhấn mạnh.

Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi; hệ thống giao thông tương đối đồng bộ và đang phát triển theo hướng liên kết nội tỉnh, liên tỉnh, nội vùng, liên vùng và mở rộng kết nối quốc tế; nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, là dư địa lớn để phát triển nhân lực du lịch.

Đất nước có thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp, đa dạng, phong phú về cả biển, núi, rừng và sông (đường bờ biển trải dài hơn 3,2 nghìn km với nhiều bãi biển đẹp; hệ thống sông ngòi dày đặc, nhiều sông lớn; nhiều hang động, đặc biệt Hang Sơn Đoòng-hang động lớn nhất thế giới; 8 khu dự trữ sinh quyển thế giới…).

Địa điểm du lịch hấp dẫn ở Việt Nam. Ảnh internet
Địa điểm du lịch hấp dẫn ở Việt Nam. Ảnh internet.

Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển du lịch phải đặt trong tổng thể với phát triển kinh tế-xã hội với vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn, cần ưu tiên các nguồn lực, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại với tư duy mới, cách làm sáng tạo, chuyển từ "cung cấp cái mình có" sang "cung cấp dịch vụ và sản phẩm mà khách hàng cần"; phát triển ngành du lịch nhanh, bền vững, từ du lịch "một mùa" sang hấp dẫn khách du lịch quay trở lại nhiều lần, cảm nhận được sự an toàn, lành mạnh, mến khách.

Phát triển du lịch là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.

Phát triển du lịch theo hướng an toàn, xanh, sạch, văn minh, hiện đại, hấp dẫn, đề cao văn hóa du lịch Việt Nam; phát triển cả chiều rộng và chiều sâu trên cơ sở tận dụng, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh gắn với bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, truyền thống, vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam. Không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng. Chú trọng vừa phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú, vừa có tính đặc sắc, riêng có, chất lượng cao và giá trị gia tăng lớn; đa dạng hóa các phân khúc, vừa phát triển loại hình du lịch bình dân, phổ thông, đại chúng, giá rẻ cùng với loại hình du lịch đơn lẻ, đặc biệt sang trọng dành cho đối tượng thu nhập cao. Đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả liên kết hình thành chuỗi giá trị du lịch; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Phát triển du lịch Việt Nam phải đặt trong tổng thể phát triển du lịch của thế giới và khu vực, có tính liên kết cao, bổ trợ lẫn nhau, đồng thời chủ động trước những tình huống đột xuất, bất ngờ. Phát triển du lịch trong giai đoạn mới phải chú trọng tính chuyên nghiệp, hiện đại, theo chuẩn mực quốc tế nhưng cũng đa dạng, độc đáo, riêng có; kiên định mục tiêu nhưng phải hết sức linh hoạt, thích ứng, đổi mới, sáng tạo, gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số.

Việt Nam có 1 trong 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới (Vịnh Hạ Long); 03 di sản thiên nhiên thế giới (Vịnh Hạ Long, Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, quần thể danh thắng Tràng An); 15 di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại; hơn 41.000 di tích, thắng cảnh, trong đó có hơn 4.000 di tích được xếp hạng cấp quốc gia; 33 vườn quốc gia; 117 bảo tàng; gần 8.000 lễ hội. Âm nhạc dân gian có truyền thống lâu đời và vô cùng đặc sắc. Ẩm thực đa dạng, độc đáo, hương vị phong phú tại tất cả các địa phương. Mặt bằng giá cả thấp hơn so với nhiều nước.

PV (lược ghi)