Ngày 7/6, Quốc hội tiến hành chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Công Long (Đồng Nai) cho biết, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã dành nhiều nguồn lực cho khoa học và công nghệ, tuy nhiên vấn đề sử dụng nguồn lực này như thế nào?
"Trong giai đoạn 2016 - 2021, tổng kinh phí dành cho nghiên cứu chỉ khoảng 13%, có nghĩa là khoản đầu tư cho các đề tài khoa học thì 100 đồng chỉ có 13 đồng cho nghiên cứu, còn lại cho bộ máy, chi thường xuyên", ông Nguyễn Công Long cho biết và hỏi về trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Về nội dung này, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh tính đặc thù về tài chính của lĩnh vực khoa học và công nghệ.
"Nghiên cứu khoa học - không thể tính toán một cách định lượng chính xác như các hoạt động sản xuất khác. Rất khó để chúng ta xây dựng các định mức, cũng như tính toán hiệu quả, lợi nhuận. Trong quá trình xây dựng thuyết minh, quá trình quản lý đề tài, ngay cả việc nghiệm thu đề tài, việc xác lập lợi nhuận hiệu quả kinh tế, nó phải ở trong tương lai", Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nói.
Đại biểu Trần Chí Cường (Đà Nẵng) cho biết, Nghị quyết số 52 ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị có chủ trương thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, đẩy nhanh thành lập các trung tâm khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, trước mắt tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP. HCM. Chính phủ cũng đã có Nghị quyết số 50 ngày 17/4/2020 về việc thực hiện chủ trương này.
Tuy nhiên, theo ông Trần Chí Cường, sau Nghị quyết của Bộ Chính trị, gần 4 năm qua, nhiều lần làm việc trực tiếp và trao đổi bằng văn bản giữa UBND Đà Nẵng và Bộ Khoa học và Công nghệ thì, trung tâm khởi nghiệp sáng tạo quốc gia ở Đà Nẵng vẫn chưa ra đời.
"Đề nghị Bộ trưởng cho biết "vì sao các nghị quyết của Bộ Chính trị và Chính phủ chậm được triển khai như vậy?"; trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc này như thế nào và Bộ trưởng có cam kết gì để hoàn thành nhiệm vụ quan trọng trên?"...", đại biểu Trần Chí Cường nói.
Trả lời đại biểu Cường, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhận trách nhiệm về sự chậm trễ như đại biểu nêu và mong các đại biểu Quốc hội chia sẻ, vì đây là vấn đề rất mới, chưa có tiền lệ, phải có thời gian nghiên cứu cẩn trọng, cần cân nhắc, đảm bảo đúng quy định và hiệu quả.
Tham gia tranh luận, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) cho biết, Việt Nam đã có mô hình trung tâm đổi mới sáng tạo. Đề nghị Bộ trưởng chia sẻ về việc quản lý mô hình này 4 năm qua, rút ra kinh nghiệm gì, ứng dụng trong 3 trung tâm mới ra sao?; Định hướng phát triển nhân tài thực hiện rất khó khăn, đề nghị Bộ trưởng nêu giải pháp chiêu mộ nhân tài về Bộ làm việc?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho rằng, trung tâm đổi mới sáng tạo được thành lập ở Hà Nội, tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Nơi đây, có nhiều mô hình, cách làm đáng để học tập, lan tỏa ra các trung tâm ở nơi khác. Kinh nghiệm là cần có chính sách đặc thù giãn thuế, kết nối với các quỹ đầu tư bảo hiểm hiệu quả. Ngoài ra, cần phát triển không gian làm việc chung cho các nhà khoa học, nghiên cứu và đầu tư.
Về thu hút nhân tài, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ rằng, đây là điều rất trăn trở khi ông nhận công tác ở Bộ, cũng như trước đây ở cơ sở giáo dục đại học - "có chủ trương, nhưng khi triển khai rất loay hoay do vướng quy định, pháp luật về công chức, viên chức, quy định về tài chính"...
N.T (Th)