Không gia hạn hợp đồng, thu hồi đất với nguyên nhân “mập mờ”

Theo đơn kiến nghị mà ông Lê Minh Phước đại diện cho 23 hộ kinh doanh tại mặt tiền đường Xuân Thủy, thuộc khu du lịch “Đồi cát bay” (phường Mũi Né, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) gửi đến các cơ quan chức năng và các cơ quan thông tấn báo chí gần đây cho thấy:

Ngày 25/12/2003, ông Phước và 22 hộ dân khác có đấu thầu để thuê lại mặt bằng kinh doanh tại khu du lịch “Đồi cát bay” phường Mũi Né, từ Ban Quản lý khu du lịch Hàm Tiến – Mũi Né, với thời hạn 10 năm được tính từ ngày 01/01/2004. Trong đó có một điều kiện bắt buộc là các hộ phải xây dụng thết kế theo qui định, không cất hàng quán đơn giản làm ảnh hưởng đến cảnh quan khu du lịch Đồi cát. Xây dựng không đúng thiết kế, Ban quản lý sẽ cho lực lượng tháo dỡ.

Sau khi ký hợp đồng và nộp tiền, tất cả 23 hộ dân đã tiến hành cải tạo lô đất, thuê nhân công mua trang thiết bị, vật liệu và tiến hành đổ bê tông gia cố hàng quán, vì phần đất thuê nằm trên triền dốc nên chi phí đầu tư khá lớn và mất rất nhiều thời gian công sức. Sự việc này được BQL khu du lịch theo dõi ghi nhận

Vào các năm đầu, mặc dù đầu tư công sức tiền bạc rất nhiều nhưng khách đến thăm quan khu dụ lịch còn rất hạn chế nên việc kinh doanh khá ế ẩm… các hộ kinh doanh phải bù lỗ trong nhiều năm… đến nay chúng tôi vẫn chưa thu hồi được vốn liếng đã bỏ ra khi đầu tư vào khu du lịch Đồi cát bay, thời gian gần đây tình hình khách du lịch mới phát triển tốt hơn, đông hơn.

Lối vào khu “đồi cát bay”Lối vào khu “đồi cát bay” (Ảnh: Vũ Bảo)

Năm 2014 khi hết hợp đồng, UBND thành phố Phan Thiết đã từng dự kiến thu hồi các khu đất này lại để giao cho các doanh nghiệp khác kinh doanh. Việc thu hồi này vấp phải sự phản đối của dư luận và chính các hộ đang kinh doanh tại đây nên 23 hộ đã  tiếp tục được ký hợp đồng mới, (ban đầu Ban quản lý chỉ cho ký từng năm một tuy nhiên sau khi các hộ đồng loạt có đơn kiến nghị lên UBND thì được giải quyết ký hợp đồng có thời hạn 3 năm), từ 01/01/2015 đến 01/01/2018.

Năm 2018, khi hết hợp đồng, một lần nữa UBND tỉnh Bình Thuận và TP Phan Thiết lại có chủ trương thu hồi các khu đất để bán đấu giá, nên yêu cầu các hộ kinh doanh phải tự tháo dỡ và di dời để trả lại mặt bằng, tuy nhiên 23 hộ kinh doanh tại đây đều cho rằng chủ trương thu hồi đất là không thực tế, vì các hộ hiện đang kinh doanh ổn định, cấp hành tốt mọi yêu cầu, điều kiện của BQL khu du lịch đề ra, vì sao không ưu tiên cho các hộ tiếp tục ký kết mà lại thu hồi, đồng thời việc “bán đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định” là lý do rất mơ hồ, không có kế hoạch chủ trương cụ thể được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua, nên các hộ kinh doanh tại đây không đồng ý tháo dỡ di dời và liên tục kiến nghị, kêu cứu đến các cấp chính quyền.

Vì sao 23 hộ kinh doanh không đồng ý tháo dỡ, di dời trả mặt bằng?

Trước câu hỏi này của phóng viên, các hộ kinh doanh tại đây đều cho rằng. “Bao nhiêu năm nay chúng tôi đã chăm chút đổ mồ hồi công sức tiền của, để gây dựng nên một khu du lịch như ngày hôm nay. Chúng tôi kiến nghị lên Quý cơ quan các cấp quan tâm xem xét quá trình đầu tư cơ sở hạ tầng, bỏ công sức tiền của để có được một khu du lịch Đồi cát bay như ngày hôm nay, quan tâm đến quyền và lợi ích của chúng tôi, không thể yêu cầu chúng tôi tháo dở toàn bộ để trả mặt bằng như vậy được, vì tài sản chúng tôi đầu tư trên đất rất kiên cố, chỉ có đập bỏ chứ đâu thể tháo dở được. Nếu chính quyền muốn bán đấu giá thì phải xem xét đến quyền lợi của chúng tôi, Chúng tôi đồng ý mua lại theo giá thị trường, trường hợp hộ dân nào không đủ khả năng thì có đơn từ chối để nhà nước xem xét hỗ trợ công sức bao năm qua đã làm cho giá trị đất của khu du lịch tăng lên…

Bà con tiểu thương đang trình bày sự việc với phóng viên.Bà con tiểu thương đang trình bày sự việc với phóng viên. (Ảnh: Vũ Bảo)

Trên thực tế, nhiều hộ kinh doanh đã xem nơi này như quê hương thứ 2, chuyển hết gia đình về đây để cùng sinh sống, làm ăn, đầu tư vào đây hết cả vốn liếng, với họ khu đồi cát bay chính là cuộc sống, là nơi mưu sinh, là chén cơm manh áo hằng ngày. Tuy nhiên đây không phải là nguyên nhân chính dẫn đến việc các tiểu thương này không đồng tình trong việc trao trả lại mặt bằng, bởi lẽ có quá nhiều sự khuất tất, thiếu minh bạch trong việc thu hồi lại khu đất này, khi mà giá trị thương mại của khu đất ngày một tăng lên.

Điều khiến cho không những các hộ kinh doanh tại đây khó hiểu đó là vì sao tỉnh Bình Thuận và thành phố Phan Thiết chỉ ban hành chủ trương thu hồi đất, và chỉ đề cập chung chung là: “để bán đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định” nhưng không hề ban hành quyết định, kế hoạch hoặc công văn để giải thích, thông tin cụ thể việc thu hồi là theo kế hoạch sử dụng đất như thế nào, theo quy hoạch gì, có thông qua Hội đồng nhân dân hay chưa?...

Được biết trước đây, chưa ai biết đến khu “Đồi cát bay” và nơi này còn rất hoang sơ, vắng vẻ. Khoảng năm 1996 các hộ kinh doanh này cũng chính là những người đầu tiên khai hoang, mở quán phục vụ du khách, góp phần quảng bá để ngày nay “Đồi cát bay” là điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi đặt chân đến Phan Thiết. Tuy nhiên cũng chính vì sự phát triển đó, thay vì nghiên cứu, đầu tư để làm sao nơi này ngày một khang trang, nhiều dịch vụ hấp dẫn hơn, thu hút hơn thì chính quyền các cấp lại thu đất?

Trong một thông tin khác PV tìm hiểu thêm được đó là hiện nay tại khu vực này có đến vài đơn vị đang quản lý chồng chéo lên nhau.

Hiện được biết BQL khu du lịch Hàm Tiến – Mũi Né đã tiến hành kiện 23 hộ dân kinh doanh tại đây về việc chậm trễ trả mặt bằng, Tòa án nhân dân thành phố Phan Thiết đang thụ lý vụ án.

Lê Vũ – Bảo Trần