Hội thảo “Đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo (B&HĐ); đề xuất giải pháp hoàn thiện” do Cục B&HĐ Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức. 

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Viết Hiền
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Viết Hiền

Tham dự Hội thảo có các vị: Thạc sĩ Nguyễn Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục B&HĐ Việt Nam; Huỳnh Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bình Định; Tiến sĩ Phạm Thị Gấm, Trưởng phòng Chính sách và Pháp chế (Cục B&HĐ Việt Nam); Thạc sĩ Lại Đức Ngân, Phó trưởng phòng Kiểm soát tài nguyên và Bảo vệ môi trường B&HĐ (Cục B&HĐ Việt Nam); cùng đại diện lãnh đạo Sở TN&MT 09 tỉnh, thành khu vực miền Trung…

Phát biểu khai mạc Hội thảo, thay mặt Ban Tổ chức, ông Nguyễn Thanh Tùng đã nêu bật mục đích, ý nghĩa của Hội thảo, trong đó có vấn đề thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường B&HĐ, cũng như tầm quan trọng của việc đề xuất giải pháp hoàn thiện. 

Ông Nguyễn Thanh Tùng phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: V.H
Ông Nguyễn Thanh Tùng phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: V.H.

Ông Phó cục trưởng Cục B&HĐ Việt Nam cho biết: Việt Nam là quốc gia có bờ biển dài hơn 3.260km, với 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giáp biển (chiếm gần ½ diện tích và dân số cả nước). Vùng ven biển Việt Nam có khoảng 11.000 loài sinh vật cư trú trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái điển hình; có 03 hệ sinh thái đặc trưng, với khoảng 800.000ha bãi triều và các vũng vịnh, đầm phá ven bờ để nuôi trồng các loại hải sản có giá trị kinh tế cao; khoảng 80% lượng cá đánh bắt hàng năm, khoảng 90% sản lượng tôm nuôi, khoảng 6.000 loài động vật đáy, 2.038 loài cá, 653 loài rong, 657 loài động vật phù du, 537 loài thực vật phù du,225 loài tôm, 43 loài chim nước, 94 loài thực vật ngập mặn… Đồng thời, B&HĐ Việt Nam còn có nhiều tiềm năng về tài nguyên khoáng sản, du lịch, phát triển cảng biển… 

Vì vậy, từ lâu, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế biển. Thực hiện chủ trương trên, Chính phủ đã ban hành nhiều bộ luật, luật, nghị định, thông tư, tạo hành lang pháp lý để triển khai, thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được đề ra, như: Bộ luật Hàng hải, Luật Biển Việt Nam, Luật Tài nguyên, môi trường B&HĐ…

Tuy nhiên, từ thực tế, những năm qua các loại hình sử dụng khu vực biển và các hoạt động sử dụng khu vực biển trên các vùng biển của nước ta là lĩnh vực mới mẻ, phát triển rất nhanh, đa dạng, phong phú, với nhiều mối quan hệ xã hội mới phát sinh, một số văn bản quy phạm pháp luật cần được sửa đổi, bổ sung, thay thế cho phù hợp…

Tiến sĩ Phạm Thị Gấm trình bày tham luận. Ảnh: Viết Hiền
Tiến sĩ Phạm Thị Gấm trình bày tham luận. Ảnh: Viết Hiền.

Tiếp đó, các đại biểu đã được các chuyên gia đến từ Phòng Chính sách và Pháp chế và Phòng Kiểm soát tài nguyên và Bảo vệ môi trường B&HĐ (Cục B&HĐ Việt Nam) và Sở TN&MT tỉnh Bình Định giới thiệu một số báo cáo tham luận, như: “Tổng quan việc thực hiện pháp luật quốc tế về tài nguyên, môi trường B&HĐ; đề xuất giải pháp cho Việt Nam”; “Tổng quan về việc thực hiện pháp luật quốc tế về quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường B&HĐ; định hướng trong thời gian tới”; “Tổng quan việc thực hiện pháp luật về giao khu vực biển và tình hình thực hiện thời gian qua; những vấn đề mới đặt ra cần giải quyết và định hướng tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thời gian tới”; “Thực trạng thực hiện pháp luật về nhận chìm ở biển; đề xuất hoàn thiện”; “Thực trạng thực hiện pháp luật về  xử lý vi phạm hành chính về khai thác, sử dụng tài nguyên biển”; “Thực trạng việc thực hiện pháp luật về tài nguyên, môi trường B&HĐ ở tỉnh Bình Định; những khó khăn, vướng mắc, đề xuất giải pháp thực hiện”…

Theo đó, qua báo cáo tham luận “Tổng quan việc thực hiện pháp luật quốc tế về tài nguyên, môi trường B&HĐ; đề xuất giải pháp cho Việt Nam”, Tiến sĩ Phạm Thị Gấm đã tập trung giới thiệu 03 nội dung chủ yếu, như: Một số điều ước quốc tế liên quan và việc thực hiện ở nước ta; Các vấn đề quốc tế đang quan tâm và đề xuất cho Việt Nam; Tổng quan về việc thực hiện pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường B&HĐ; định hướng trong thời gian tới…

Ngoài ra, Hội thảo còn được nghe tham luận của đại diện một số Sở TN&MT các tỉnh miền Trung, trong đó có tham luận “Những khó khăn, vướng mắc trong áp dụng và thực tiễn tại địa phương; đề xuất việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường B&HĐ”.                                                                                                                                                               

Viết Hiền

  •  
  •  
  •  
  •