Theo Báo cáo thường niên Chỉ số PCI 2022 mà VCCI công bố, đứng đầu bảng xếp hạng vẫn là tỉnh Quảng Ninh (với 72,96 điểm). Tiêp đó là các tỉnh, thành phố: Bắc Giang (72,80 điểm); Hải Phòng (70,76 điểm); Bà Rịa Vũng Tàu (70,62 điểm); Đồng Tháp (69,68 điểm); Thừa Thiên Huế (69,63 điểm); Bắc Ninh (69,08 điểm); Vĩnh Phúc (68,91 điểm); Đà Nẵng (68,02 điểm); Long An (68,45 điểm)…
Những địa phương xếp cuối bảng xếp hạng PCI 2022 gồm có: Trà Vinh (66,06 điểm); TP Hồ Chí Minh (65,86 điểm); Thái Bình (65,78 điểm); Đồng Nai (65,67 điểm); Ninh Thuận (65,43 điểm).
Riêng đối với tỉnh Bình Định, Chỉ số CPI 2022 của Bình Định đạt 66,65 điểm, xếp thứ 21, tụt giảm 10 bậc so với CPI 2021 (xêp thứ 11).
Theo lãnh đạo VCCI, cuộc khảo sát PCI 2022 được tiến hành trong bối cảnh cộng đồng doanh nghiệp đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều doanh nghiệp vừa gắng gượng vượt qua những thời điểm “đen tối” của đại dịch Covid-19 và bắt đầu quá trình phục hồi thì những cú sốc mới của kinh tế-địa chính trị toàn cầu lại ập đến như chiến tranh, khủng hoảng năng lượng, bất ổn tài chính-ngân hàng, lạm phát tăng cao cùng với sự sụt giảm nhu cầu tiêu dùng toàn cầu. Trong điều kiện bất lợi ấy, vai trò của các chính quyền địa phương sẽ được chú ý nhiều hơn với những kỳ vọng lớn hơn về tạo thuận lợi môi trường kinh doanh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua các thách thức, phục hồi và phát triển ổn định.
Theo đó, Báo cáo PCI 2022 thực hiện khảo sát hơn 11.300 doanh nghiệp, trong đó có 10.000 doanh nghiệp tư nhân và 1.300 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Kết quả, theo Báo cáo của VCCI, nhìn chung cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao chất lượng điều hành kinh tế tại các tỉnh. Cụ thể, điểm PCI năm 2022 đạt 65,67 điểm và cao hơn 0,37 điểm so với điểm PCI năm 2021 (65,37 điểm).
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng thẳng thắn chỉ ra tình trạng phiền hà ở một số lĩnh vực chủ chốt còn diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực thủ tục hành chính phiền hà nhất là thuế, phí (35% lượt doanh nghiệp lựa chọn), giải phóng mặt bằng (29%), bảo hiểm xã hội (20%), phòng cháy chữa cháy (13%) và xây dựng (13%). Trong số các thủ tục hành chính thuế, số doanh nghiệp cho hay gặp vướng mắc tại khâu quyết toán thuế chiếm tỷ lệ lớn nhất và lên tới 49%. Tiếp đến là khâu đề nghị miễn, giảm thuế (29%) và hoàn thuế (21%).
Cũng theo Báo cáo PCI 2022, tình trạng phiền hà về thuế, phí không chỉ đến từ những khó khăn về tuân thủ mà còn từ các hoạt động quản lý chuyên ngành khác. Số giờ bình quân mỗi cuộc thanh tra, kiểm tra về thuế trong năm 2022 là 9 giờ và tăng so với kết quả năm 2021 và 2020 (lần lượt là 5 giờ và 8 giờ). Bên cạnh đó, có đến 53,8% doanh nghiệp chia sẻ rằng “thỏa thuận về các khoản thuế phải nộp với cán bộ thuế là công việc quan trọng trong kinh doanh,” trong khi tỷ lệ này của năm 2021 là 47,6%. Ngoài ra, 54,5% doanh nghiệp cho biết có trả chi phí không chính thức cho cán bộ thuế, tăng từ mức 33,8% của năm 2021…/.
Viết Hiền