Đa dạng chủng loại

Khảo sát của PV, các quầy bánh trung thu đa dạng và phong phú mẫu mã, tràn ngập nhiều tuyến đường Hà Nội như Hồ Tùng Mậu, Phạm Hùng, Nguyễn Hoàng, Xuân Thủy, Bà Triệu… Phần lớn các quầy hàng trưng bày, bán bánh của các thương hiệu lớn như Kinh Đô, Hữu Nghị, Bánh mứt kẹo Hà Nội, Long Đình...

Đối với các dòng bánh cao cấp, hình thức đẹp, được trang trí cầu kỳ với mức giá từ 1 - 3 triệu đồng/hộp (tùy vào loại nhân), số lượng bánh, thiết kế hộp; cá biệt, có một số hộp bánh trung thu được bán với giá lên đến hơn 5 triệu đồng/hộp. Đối với các dòng bánh truyền thống như bánh nướng, bánh dẻo, có giá dao động từ 50.000 - 500.000 đồng/chiếc.

Chị Phương (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Cách đây hơn 2 tuần, tôi đã mua bánh trung thu truyền thống, giá sản phẩm chỉ nhích hơn năm ngoái 5.000 - 10.000 đồng, không có nhiều thay đổi lắm. Đặc biệt, năm nay tôi thấy an tâm hơn về chất lượng ATVSTP khi mua bánh”.

Bánh trung thu đa dạng về mẫu mãBánh trung thu đa dạng về mẫu mã

Năm nay, ngoài những thương hiệu bánh trung thu nổi tiếng ở trong nước, trên thị trường cũng xuất hiện loại bánh trung thu nhân trứng muối chảy tràn, xuất xứ Trung Quốc, giá bán lẻ dao động từ 130.000 - 150.000 đồng/hộp.

Theo quan sát, mỗi chiếc bánh trung thu trứng chảy tràn, được đựng trong hộp bóng kính rất đơn giản, thậm chí, tên cơ sở sản xuất, ngày sử dụng cũng không có. Tuy nhiên, loại bánh này đang tạo thành “cơn sốt” - khiến NTD đua nhau mua, bởi lẽ, cũng là bánh nhân trứng chảy tràn, nhưng giá rẻ, thậm chí còn rẻ hơn các loại cùng loại của Việt Nam.

Đặc biệt, trong các dòng bánh trung thu được xách tay về Việt Nam, bánh trung thu dát lá vàng, xuất xứ Hong Kong đang được các tiểu thương ráo riết quảng cáo, mức giá từ 1,4 - 1,6 triệu đồng/hộp (loại 8 bánh).

Theo quảng cáo của các tiểu thương, lá vàng 24k là loại thường được sử dụng khi dát vàng đồ ăn, an toàn với sức khỏe. Vì chỉ sử dụng lượng nhỏ trang trí trên bề mặt bánh nên giá thành không quá đắt đỏ. Ngoài ra, trên mỗi chiếc bánh đều có in các chữ Phúc - Lộc - Thọ, mang ý nghĩa cầu mong phúc phần, may mắn và sức khỏe cho cả người mua và người nhận quà biếu.

Nỗi lo chất lượng...

Ngoài các thương hiệu bánh nổi tiếng, đảm bảo ATVSTP, thì thị trường bánh trung thu hiện vẫn tồn tại những sản phẩm không rõ nguồn gốc, gây khó khăn cho cơ quan quản lý và khiến NTD bất an.

Theo Cục QLTT Hà Nội, năm 2018, thị trường bánh trung thu xuất hiện bánh từ Trung Quốc với giá siêu rẻ, chỉ 2.000 đồng/chiếc. Còn năm nay, lại xuất hiện bánh trứng chảy nhập về nhiều với giá thành thấp. Giá rẻ cho nên không ít đơn vị kinh doanh muốn tranh thủ kiếm lợi nhuận, nhập ồ ạt sản phẩm này.

Ngày 13/8, Công an TP. Hà Nội thu giữ hơn 10.000 sản phẩm bánh kẹo các loại. Trong đó, có các loại bánh trung thu nhân trứng, bánh nướng, bánh khoai môn… đều không có hóa đơn chứng từ, không qua kiểm soát chất lượng, được nhập lậu với giá rẻ từ nước ngoài.

Chiều 16/8, Đội QLTT số 13 (Cục QLTT Hà Nội) phối hợp với Đội 6 - Phòng Cảnh sát môi trường (Công an TP. Hà Nội) kiểm tra phát hiện 4.440 bánh trung thu trứng chảy mang nhãn mác Trung Quốc không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ tại điểm tập kết hàng hóa ở ngõ 93/47 Yên Sở (Hoàng Mai, Hà Nội).Đội quản lý thị trường bắt nhiều vụ bánh trung thu vào Việt Nam không rõ nguồn gốcĐội quản lý thị trường bắt nhiều vụ bánh trung thu vào Việt Nam không rõ nguồn gốc

Ngày 26/8, Hà Nội lại phát hiện gần 6.000 sản phẩm bánh trung thu, bánh trứng chảy nhập lậu từ Trung Quốc. Nếu hàng nghìn chiếc bánh này được tung ra thị trường, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thị phần bánh trung thu và các DN, cơ sở sản xuất chân chính.

Ngày 10/8/2019, Đội QLTT số 6 (Cục QLTT Hà Tĩnh) kiểm tra xe ô tô tải mang BKS 29H- 07085, phát hiện một lượng lớn bánh trung thu và một số thực phẩm khác không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Ngày 28 - 29/8, Cục QLTT Bình Phước đã phối hợp với Cảnh sát Môi trường (Công an tỉnh Bình Phước) kiểm tra và phát hiện 3 cơ sở kinh doanh bánh trung thu vi phạm, đều không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Tại TP. HCM, bánh trung thu giá rẻ vẫn được bày bán khá nhiều tại các chợ nhỏ, lẻ, cửa hàng tạp hóa, đặc biệt ở khu vực ngoại thành, đông công nhân lao động. Đặc biệt, những chiếc bánh trung thu giá rẻ này đều “4 không”: Không nhãn mác, không thành phần, không ngày sản xuất và không hạn sử dụng.

Bảo vệ quyền lợi NTD

Ngoài bánh giá rẻ không rõ nguồn gốc tràn lan trên thị trường, nguyên liệu làm bánh cũng là vấn đề khó kiểm soát. Mấy năm qua, xuất hiện trào lưu làm và bán bánh trung thu “handmade” (bánh tự làm).

Dù số lượng không lớn, nhưng rất khó để kiểm soát nguồn nguyên liệu làm bánh, cũng như quá trình sản xuất có bảo đảm ATVSTP hay không. Dòng bánh này lại thường được bán thông qua mạng xã hội như Zalo, Facebook... với những lời quảng cáo nhiều khi chưa đúng với thực tế sản phẩm.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP. HCM cho biết: Bánh tự làm chỉ nên sử dụng trong quy mô nhỏ là gia đình, chứ không nên buôn bán, bởi nếu chỉ sản xuất vài chục cái bánh thì có thể đảm bảo yếu tố ATVSTP. Thế nhưng, khi sản xuất hàng trăm chiếc bánh, chắc chắn các xưởng sản xuất tự phát này sẽ không đảm bảo vấn đề ATVSTP.

Nhằm ngăn chặn bánh trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo ATVSTP, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có Công văn số 2432/ATTP-NĐTT ngày 31/7/2019 - đề nghị sở y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường các biện pháp khuyến cáo NTD chỉ mua và sử dụng các sản phẩm thực phẩm, bánh kẹo có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, kiểm tra kỹ nhãn, mác, điều kiện bảo quản, kinh doanh thực phẩm.

Cục trưởng Cục QLTT TP. Hà Nội, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo TP. Hà Nội, Chu Xuân Kiên cho biết, đã chỉ đạo các đội QLTT phối hợp với các quận, huyện, thị xã, các lực lượng liên quan đẩy mạnh kiểm tra những cơ sở sản xuất bánh trung thu đầu mối. Cụ thể, các đơn vị phải chủ động phối hợp, báo cáo cơ quan chức năng kịp thời để kiểm tra, ngăn chặn và xử lý triệt để, góp phần bảo đảm ATVSTP, bảo vệ quyền lợi, sức khỏe NTD.

Để mỗi sản phẩm bánh trung thu đến với các gia đình, trẻ nhỏ được an toàn, các đơn vị, cơ sở, cá nhân sản xuất cần có ý thức, trách nhiệm trong từng khâu nguyên liệu, sản xuất và bảo quản. Đồng thời, lực lượng chức năng cần kiểm tra chặt chẽ các cơ sở sản xuất, xử lý nghiêm đối với những cơ sở vi phạm để răn đe các cơ sở, đơn vị sản xuất khác.

Mỗi NTD nên sử dụng sản phẩm của các DN, cơ sở sản xuất có uy tín. Không nên chạy theo giá rẻ, bao bì bắt mắt mà coi nhẹ chất lượng, độ an toàn. Bên cạnh đó, chủ động lên tiếng khi mua phải những sản phẩm kém chất lượng hoặc biết các cơ sở sản xuất mất ATVSTP, thông tin tới các cơ quan quản lý để kịp thời ngăn chặn, xử lý.

Vương Hằng - Trang Nguyễn