Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành, đơn vị liên quan rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Trong đó, xác định với mục tiêu:
(i) Giải quyết kịp thời những tồn tại, bất cập hiện nay của cơ chế quản lý kinh doanh xăng dầu;
(ii) Đáp ứng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước; góp phần bảo đảm an ninh năng lượng;
(iii) Góp phần kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng;
(iiii) Hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp sử dụng xăng dầu làm đầu vào cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng và doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
Trên cơ sở các tờ trình của Bộ Công Thương, ngày 17/11/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều chủ yếu như sau:
(1) Về công thức giá và phương thức điều hành giá xăng dầu: Điều chỉnh thời gian rà soát, công bố chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam, chi phí đưa xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước về cảng, premium, để tính giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước từ 6 tháng xuống 3 tháng nhằm đảm bảo cập nhật kịp thời hơn giá và các loại chi phí cho doanh nghiệp, tạo động lực cho doanh nghiệp tạo nguồn xăng dầu cung ứng cho thị trường nội địa;
(2) Về thời gian điều hành/công bố giá xăng dầu: Rút ngắn thời gian điều hành giá xăng dầu từ 10 ngày xuống 7 ngày, thời gian điều hành giá xăng dầu được thực hiện vào ngày thứ 5 hằng tuần;
(3) Về vấn đề đại lý bán lẻ xăng dầu được mua xăng dầu từ nhiều nguồn: Cho phép đại lý kinh doanh xăng dầu được lấy xăng dầu từ tối đa 3 nguồn nhằm tạo cạnh tranh về chiết khấu xăng dầu trên thị trường, đồng thời tăng tính chủ động cho các đại lý bán lẻ xăng dầu trong việc tạo nguồn, cung ứng xăng dầu;
(4) Về khâu trung gian trong kinh doanh xăng dầu: Bãi bỏ loại hình tổng đại lý bán lẻ xăng dầu nhằm giảm bớt khâu trung gian trong hệ thống phân phối xăng dầu;
(5) Về quy định điều kiện kho chứa khi cấp giấy phép thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu: Bổ sung các quy định nhằm tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đối với các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh xăng dầu; đồng thời phân cấp cho sở công thương địa phương thực hiện kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy định của thương nhân trong hoạt động kinh doanh xăng dầu;
(6) Sửa đổi, bổ sung quy định về các trường hợp thu hồi giấy phép kinh doanh xăng dầu của thương nhân nhằm đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật, tránh việc làm đứt gẫy đột ngột nguồn cung xăng dầu, đặc biệt trong những thời điểm nguồn cung xăng dầu trong nước bị ảnh hưởng, khan hiếm;
(7) Bổ sung các quy định, biện pháp quản lý, giám sát chặt chẽ hơn đối với Quỹ bình ổn giá xăng dầu;
(8) Sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm giải quyết các vấn đề vướng mắc, bất cập còn tồn đọng cho phù hợp hơn với tình hình thực tiễn.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, nghiên cứu, xây dựng một nghị định mới thay thế các nghị định về kinh doanh xăng dầu trình Chính phủ trong thời gian tới.
Chi tiết, .
Minh Anh