Ban chỉ đạo 389 Quốc gia: Tăng cường ngăn chặn thuốc, thực phẩm chức năng giả - Hình 1

Ảnh minh họa

Ngày 13/7/2015, Trưởng ban chỉ đạo 389 Quốc gia  đã ban hành Công điện số 90/CĐ-BCĐ389 phát động mở đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả là dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. Trong đó, yêu cầu các bộ, ngành chức năng, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện đợt cao điểm đấu tranh.

Cụ thể, tại khu vực biên giới, cửa khẩu và trên biển: Lực lượng bộ đội biên phòng, cảnh sát biển tăng cường công tác tuần tra kiểm soát các tuyến, địa bàn trọng điểm trên bộ và trên biển để kịp thời ngăn chặn, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới các mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng là hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Lực lượng hải quan tăng cường kiểm soát tại cửa khẩu và các khu vực thuộc địa bàn hoạt động hải quan; tổ chức đấu tranh phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm liên quan đến mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng; áp dụng các biện pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với các lô hàng là mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng; bổ sung kế hoạch kiểm tra sau thông quan đối với những doanh nghiệp nhập khẩu mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng có dấu hiệu nghi vấn gian lận.

Trong thị trường nội địa, tập trung vào một số tỉnh, thành phố lớn, trọng điểm là địa bàn Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo đó, lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng trên thị trường; chú trọng kiểm tra chất lượng hàng hóa trong khâu lưu thông, phát hiện, xử lý nghiêm đối với hàng lậu, hàng giả, hàng hóa vi phạm chất lượng và các hành vi gian lận thương mại; chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan tiến hành kiểm tra điều kiện kinh doanh, giấy phép, mặt bằng, niêm yết giá, điều kiện bảo quản hàng hóa...

Lực lượng Công an làm tốt công tác nắm tình hình, tổ chức đấu tranh với những đường dây, ổ nhóm, xử lý nghiêm những đối tượng chủ mưu, cầm đầu sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, trong năm 2016 trong nội địa, tình trạng buôn bán, tiêu thụ, vận chuyển trái phép các loại hàng hóa không rõ nguồn gốc; sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, hết hạn sử dụng, vi phạm sở hữu trí tuệ vẫn còn xảy ra, chủ yếu là đối với nhóm các mặt hàng có nhu cầu tiêu thụ cao, như mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng...

Lợi dụng sự thiếu quan tâm của các doanh nghiệp trong bảo vệ thương hiệu, sản phẩm và hạn chế trong nhận biết của người dân về phân biệt hàng thật, hàng giả, các đối tượng xấu đã tìm cách nhập lậu các loại hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và nguyên, phụ liệu sản xuất không đảm bảo, không rõ nguồn gốc để đưa về các địa phương trong nước tiêu thụ dưới nhiều hình thức, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe người tiêu dùng, làm thiệt hại không nhỏ đến uy tín, thương hiệu của các doanh nghiệp.

PV