Kịp thời xử lý vi phạm, cảnh báo sớm mức độ ô nhiễm

Những ngày cuối năm 2023, nhận thông tin người dân xã Long Sơn (Sơn Động) phản ánh, đoạn mương nước gần trại chăn nuôi của một doanh nghiệp (DN) trên địa bàn xã có tình trạng cá chết, nước đổi màu, có mùi hôi, Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Sơn Động đã phối hợp với Chi cục Bảo vệ môi trường (BVMT), Trung tâm Quan trắc TN&MT (cùng thuộc Sở TN&MT) lấy mẫu đưa đi phân tích. Qua đó xác định, trang trại chăn nuôi lợn để xảy ra sự cố vỡ khớp nối đường ống nước thải chưa qua xử lý, gây ô nhiễm mương nước của khu dân cư. Theo kết quả quan trắc, ngày 23/1/2024, Chủ tịch UBND tỉnh đã xử phạt cơ sở chăn nuôi trên 400 triệu đồng và yêu cầu thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả.

Trước đó, trong năm 2023, từ kết quả quan trắc môi trường và báo cáo kiểm tra của cơ quan chuyên môn, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành quyết định xử phạt đối với 2 cơ sở chăn nuôi khác ở huyện Sơn Động và Lạng Giang với tổng số tiền hơn 1,1 tỷ đồng.

Ông Vũ Hoàng Giang, Giám đốc Trung tâm Quan trắc TN&MT Bắc Giang cho hay, hơn 1 năm trở lại đây, đơn vị đã thực hiện quan trắc khoảng 3.600 mẫu không khí, khí thải, nước thải phát sinh trong sinh hoạt, công nghiệp, y tế; nước dưới đất, đất, chất thải và bùn thải... cho các DN, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Việc quan trắc được thực hiện đúng quy trình, quy định, phản ánh trung thực chất lượng môi trường tại các điểm lấy mẫu. Thông qua các chỉ số góp phần cảnh báo sớm các hiện tượng, mức độ ô nhiễm và những tác động xấu đối với môi trường; là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử lý đối với tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về bảo vệ môi trường.

Cán bộ Trung tâm Quan trắc TNMT Bắc Giang lấy mẫu nước nghi ô nhiễm tại xã Long Sơn (Sơn Động) về phân tích.
Cán bộ Trung tâm Quan trắc TNMT Bắc Giang lấy mẫu nước nghi ô nhiễm tại xã Long Sơn (Sơn Động) về phân tích.

Theo tổng hợp sơ bộ của cơ quan chuyên môn, từ năm 2023 đến nay, toàn tỉnh xử lý 34 vụ vi phạm trong lĩnh vực môi trường, thu phạt hơn 6,5 tỷ đồng. Trong số này, nhiều vụ thông qua kết quả quan trắc môi trường mới có căn cứ xử phạt. 

Ông Lục Xuân Dũng, Trưởng phòng TN&MT huyện Sơn Động cho hay, khi phát hiện sự cố môi trường, DN chăn nuôi tại xã Long Sơn đã thực hiện ngay các biện pháp khắc phục. Tuy nhiên, qua kết quả quan trắc cho thấy sự cố đã gây ô nhiễm môi trường nên đơn vị kiên quyết tham mưu, đề xuất xử phạt theo quy định.

Bên cạnh kiểm tra, làm rõ vi phạm, xử lý kịp thời các sự cố, vi phạm ngăn ngừa ô nhiễm môi trường, công tác quan trắc hiện trạng môi trường định kỳ cũng được Sở TN&MT thực hiện nghiêm túc. Tính riêng từ năm 2023, đơn vị đã tổ chức quan trắc nguồn nước, không khí và đất tại khoảng 130 vị trí trên địa bàn tỉnh. 

Qua quan trắc, đã đánh giá thực trạng cụ thể từng khu vực, vùng, điểm bị ô nhiễm hoặc có nguy cơ ô nhiễm; các tác động chính gây ảnh hưởng môi trường để tham mưu, phối hợp triển khai các biện pháp phòng ngừa, bảo vệ. Ví như qua quan trắc định kỳ môi trường không khí, Chi cục BVMT phát hiện tình trạng ô nhiễm không khí từ các tỉnh giáp ranh phát tán sang Bắc Giang như Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, khu xử lý rác Phù Lãng của tỉnh Bắc Ninh; tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông Cầu do nước từ sông Ngũ Huyện Khê (Bắc Ninh) chảy sang, từ các tỉnh đầu nguồn chảy xuống…

Nâng cao năng lực phòng ngừa, cảnh báo

Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 60 khu, cụm công nghiệp đang hoạt động và triển khai thu hút đầu tư cùng hàng chục đô thị, làng nghề truyền thống được công nhận cùng một số cơ sở, nhà máy sản xuất lớn. Thực tế, việc kiểm soát các nguồn phát sinh chất thải đã được các cơ sở, nhà máy quan tâm thực hiện, tuy nhiên nguy cơ gây ô nhiễm còn cao.

Với mục tiêu cải thiện, nâng hạng chỉ số xanh, thời gian qua, tỉnh đặc biệt quan tâm công tác xử lý ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường. Hằng năm, UBND tỉnh đều chỉ đạo Sở TN&MT tổ chức, hướng dẫn thực hiện nghiêm việc thẩm định đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường đối với các dự án đầu tư trên địa bàn. 

Yêu cầu các cơ sở sản xuất, khu sản xuất tập trung phải đầu tư xây dựng công trình thu gom, xử lý nước thải hoặc đấu nối với trạm xử lý nước thải chung của khu vực, bảo đảm khi dự án đi vào vận hành, toàn bộ nước thải được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn trước khi xả ra môi trường. Các cơ sở phát sinh nguồn thải lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao phải lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động, liên tục.

Ông Vũ Văn Tưởng, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết, đến nay, 28 DN trên địa bàn tỉnh thuộc diện phải lắp trạm quan trắc tự động và truyền số liệu quan trắc về Sở TN&MT đã thực hiện xong nội dung này (với tổng số 65 trạm, trong đó có 44 trạm khí thải và 21 trạm nước thải được lắp đặt). Đáng chú ý, để nâng cao năng lực phòng ngừa, cảnh báo nguy cơ sự cố môi trường, Sở đã tham mưu đề nghị Bộ TN&MT và tỉnh đầu tư xây dựng 1 trạm quan trắc không khí tại TP Bắc Giang; 5 trạm quan trắc môi trường tự động đối với nước mặt trên sông Thương, sông Cầu; 2 trạm quan trắc không khí tự động tại TP Bắc Giang. Riêng TP Bắc Giang lắp đặt và vận hành 3 trạm quan trắc không khí tự động, thực hiện việc kết nối dữ liệu với Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) để phục vụ công tác quản lý, điều hành.

Ngoài ra, để phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, Sở cũng yêu cầu Trung tâm Quan trắc TN&MT chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin; chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ. Quan tâm đầu tư, bổ sung thiết bị để bảo đảm thực hiện các thông số quan trắc theo tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam; hỗ trợ DN, tổ chức, cá nhân thực hiện các thủ tục về môi trường đúng quy định.

Bá Đoàn