Sinh ra từ cái nôi của nghề đan chiếu cói Thanh Quang…
Sinh ra từ làng nghề có truyền thống đan chiếu cói ở xã Quang Lịch, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, anh Nguyễn Tiến Duật, luôn đau đáu, làm sao có thể gìn giữ và phát triển nghề của cha ông.
Anh Nguyễn Tiến Duật, thôn Luật Ngoại 2, xã Quang Lịch, huyện Kiến Xương, bộc bạch: Xã Quang Lịch, huyện Kiến Xương, lâu nay nổi tiếng với nghề đan chiếu cói truyền thống, mang thương hiệu Chiếu cói Thanh Quang. Nghề truyền thống này đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
Sản phẩm của làng nghề chủ yếu xuất khẩu sang Đông Âu. Nghề làm chiếu cói phát triển ở địa phương từ trước những năm 1990 và sau du nhập phát triển dòng sản phẩm đệm ghế cói. Thời kỳ phát triển mạnh có đến hàng trăm hộ tham gia sản xuất, thu hút hơn 1.000 lao động tham gia.”
Năm 1994, mẹ mất sớm, khi đó anh Nguyễn Tiến Duật mới 18 tuổi, đã đứng lên tiếp nối nghề đan cói truyền thống của cha ông. Vốn sinh ra trong gia đình có 3 thế hệ làm nghề nên chẳng biết tự bao giờ tình yêu và niềm đam mê với nghề thủ công đã hiện hữu trong anh.
Với chí hướng của lớp thế hệ trẻ, nhận thấy nghề đan chiếu cói của quê hương đang dần bị mai một và khó tìm đầu ra, anh Duật đã mạnh dạn để tìm ra hướng đi mới cho nghề đan cói đó là đan đệm ghế cói xuất khẩu.
Để tìm được thị trường xuất khẩu riêng, anh Nguyễn Tiến Duật chia sẻ: “Thuận lợi từ trước kia, làng nghề đã từng đón nhiều khách nước ngoài, khách Châu Âu đến thăm làng nghề và cơ sơ sản xuất. Và sau đó họ đến đặt vấn đề trực tiếp sản xuất đan đệm ghế cói. Sau đó, tôi quyết định mở rộng sản xuất, tiến hành xây dựng trang website, đưa thông tin Doanh nghiệp lên trang điện tử, xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm. Năm 2010, tôi đứng lên thành lập Doanh nghiệp tư nhân Quang Lịch.”
Doanh nghiệp hình thành và phát triển từ một cơ sở sản xuất đệm ghế cói trong làng nghề xã Quang Lịch. Hiện nay, là Công ty TNHH xuất nhập khẩu Quang Lịch, Công ty đang tạo việc làm ổn định cho gần 40 lao động trực tiếp và hơn 1.000 lao động vệ tinh trong xã và một số xã lân cận như: Quang Bình, Thanh Tân, Đình Phùng, huyện Kiến Xương…
Và từ đó đến nay đã trở thành doanh nghiệp tư nhân duy nhất tại xã Quang Lịch chuyên sản xuất, kinh doanh đệm ghế cói. Công ty luôn duy trì ổn định sản xuất, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương và một số vùng lân cận.
Đệm ghế cói xuất khẩu nhưng vẫn còn đó nhiều khó khăn… để nghề truyền thống phát triển bền vững
Để sản phẩm đệm ghế cói thủ công có thể vươn ra khởi lãnh thổ Quốc Gia, nhiều năm qua, anh Nguyễn Tiến Duật luôn đặt ra phương châm trong sản xuất và kinh doanh: Lấy 2 tiêu chí là chất lượng của sản phẩm và thời hạn giao hàng đặt lên hàng đầu, cần phải kiểm soát và tuân thủ nghiêm ngặt. Từ đó, uy tín của sản phẩm thủ công, của doanh nghiệp được nâng cao, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường xuất khẩu.
Hàng năm, Doanh nghiệp xuất khẩu hơn 300.000 sản phẩm sang thị trường các nước Ý, Hà Lan…, đạt doanh thu hơn 6 tỷ đồng. Tuy nhiên, Doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn về nguyên liệu đầu vào, nguồn lao động, mặt bằng sản xuất, chi phí vận chuyển…
Một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay đối với Doanh nghiệp chính là việc ổn định giá cả nguyên liệu đầu vào là cói và gỗ tạp làm khung. Theo anh Nguyễn Tiến Duật, Giám đốc Doanh nghiệp, một năm doanh nghiệp tiêu thụ khoảng 450 tấn cói và gần 300m3 gỗ. Nếu như đầu năm giá cói là 7.000 đồng/kg thì hiện nay đã tăng lên 10.000 đồng/kg, trong khi đó giá gỗ tạp làm khung cũng ngày càng đắt.
Đồng thời đường giao thông từ quốc lộ 39B, đoạn từ xã Vũ Quý đi vào xã Quang Lịch chưa đáp ứng được những xe có trọng tải lớn lưu thông, do đó phí vận chuyển tăng lên. Trung bình một tháng, Doanh nghiệp tư nhân Quang Lịch đóng 3 container hàng với trọng lượng 45 tấn để chuyển ra cảng Hải Phòng.
Để khắc phục khó khăn trên, Doanh nghiệp đã phải thuê xe có trọng tải nhỏ chuyển hàng từ xưởng sản xuất ra quốc lộ 39B, thuê nhân công bốc xếp hàng làm cho chi phí sản xuất tăng cao.
Giá nguyên liệu đầu vào cùng chi phí vận chuyển tăng trong khi đó do sự cạnh tranh với nhiều doanh nghiệp khác trong và ngoài nước nên Doanh nghiệp tư nhân Quang Lịch vẫn phải giữ nguyên giá thành xuất khẩu sản phẩm đệm ghế cói, hiện tại là 1 USD/sản phẩm.
Hiện nay, việc xây dựng các tổ liên kết sản xuất của Doanh nghiệp tư nhân Quang Lịch đều mang tính tự phát, với hơn 10 tổ sản xuất, thu hút trên 1.000 lao động vệ tinh tại các xã lân cận.
Các tổ sản xuất của doanh nghiệp vẫn dựa trên yếu tố “con đẻ” của làng nghề, tức là khi có người của làng nghề sang địa phương khác sinh sống thì Doanh nghiệp dựa vào người đó để xây dựng và tổ chức nhóm sản xuất làm gia công cho Doanh nghiệp, vì vậy chưa thu hút được nhiều lao động vệ tinh tham gia.
Trong khi nghề làm đệm ghế cói có ưu điểm là thị trường tiêu thụ ổn định, giá sản phẩm cạnh tranh, Doanh nghiệp có thể mở rộng thị trường, nâng cao sản lượng nhờ ký thêm những đơn hàng với đối tác nước ngoài.
Anh Nguyễn Tiến Duật, Giám đốc Công ty ty TNHH xuất nhập khẩu Quang Lịch cho rằng: Thời gian tới, việc khắc phục khó khăn để phát triển sản xuất đòi hỏi Doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm thị trường nguyên liệu đầu vào ổn định. Bên cạnh đó, cần hơn nữa sự quan tâm của chính quyền địa phương, của huyện phối hợp với các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong công tác dạy nghề cho người lao động; tập trung mọi nguồn lực để phát triển hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng, góp phần quan trọng thúc đẩy hoạt động sản xuất của các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn.
Đồng thời, mong mỏi sản phẩm đệm ghế cói sẽ được đăng ký xét duyệt trở thành sản phẩm OCOP của quê hương anh, xã Quang Lịch, huyện Kiến Xương... Đó cũng là bước tiền đề để sản phẩm thủ công nâng tầm trên nhiều thị trường, không chỉ dừng lại ở thị trường Châu Âu mà còn là các thị trường khác. Nhằm tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động trong và ngoài huyện Kiến Xương.
Đó cũng là điều mà anh Nguyễn Tiến Duật đặt ra để hoàn tất tâm nguyện gìn giữ và phát huy tinh hoa của nghề đan cói truyền thống của cha ông thêm phần rạng rỡ. Qua đó, tôn vinh sự khéo léo từ đôi bàn tay của người nghệ nhân không chuyên dù đã gần cả cuộc đời tiếp lửa cho nghề đan ghế cói truyền thống xã Quang Lịch, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.”
Phương Thuý