Sáng 30/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành một số luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV. Đây là hội nghị đầu tiên, cách làm mới của Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong triển khai thực hiện các luật, nghị quyết của Quốc hội.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành một số luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành một số luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV. Ảnh VGP/Nhật Bắc.

Hội nghị do Chính phủ phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức theo hình thức trực tuyến tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ, trực tuyến với điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ về xây dựng, hoàn thiện thể chế, thực thi pháp luật

Theo đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ về xây dựng, hoàn thiện thể chế. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã tổ chức 28 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; cho ý kiến, xem xét, thông qua đối với hơn 100 đề nghị xây dựng luật, dự án luật, trình Quốc hội xem xét, thông qua trên 60 luật, nghị quyết; ban hành hơn 380 nghị định; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành gần 90 quyết định quy phạm pháp luật.

Quốc hội đã có nhiều văn bản quan trọng, nhiều chính sách mới, đột phá, góp phần tiếp tục hoàn thiện thể chế, đáp ứng yêu cầu quản lý, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Đường bộ…

Công tác triển khai thi hành các luật, nghị quyết có nhiều chuyển biến tích cực. Với tinh thần trách nhiệm cao, Chính phủ đã phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan liên quan chủ động, quyết liệt khắc phục mọi khó khăn, thách thức, khẩn trương triển khai thi hành luật, nghị quyết.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xác định rõ trách nhiệm, cơ chế phối hợp trong công tác tổ chức thi hành pháp luật. Trong quá trình chỉ đạo, điều hành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động báo cáo cấp có thẩm quyền các vấn đề phát sinh, cấp bách để có phản ứng chính sách phù hợp với thực tiễn.

Toàn cảnh Hội nghị.
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh VGP/Nhật Bắc.

Riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, các bộ đã trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến 35 đề nghị, dự án luật, dự thảo nghị quyết; Chính phủ ban hành 75 nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành 8 quyết định quy phạm pháp luật; đồng thời, Chính phủ đã ban hành 131 nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ ban hành 645 quyết định cá biệt, 19 chỉ thị, 64 công điện và gần 8.400 văn bản chỉ đạo, điều hành liên quan.

Để chấn chỉnh tình trạng "tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu,… làm cho pháp luật, nghị quyết chậm được thực hiện và hiệu quả thấp", Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương bảo đảm nguồn lực cho công tác triển khai thi hành luật, nghị quyết; chú trọng bồi dưỡng, nâng cao năng lực, chất lượng nguồn nhân lực làm công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, ban hành bản quy định chi tiết thi hành luật, nghị quyết (đến 25/7/2024, đã có 125 văn bản quy định chi tiết được ban hành); đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, truyền thông chính sách, giúp người dân, doanh nghiệp kịp thời nắm bắt nội dung các chính sách lớn, tạo thuận lợi cho việc đóng góp ý kiến, tăng cường đồng thuận xã hội.

"5 tạo lập" của thể chế đối với sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước

Thủ tướng khái quát "5 tạo lập" của thể chế đối với sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước:

- Tạo lập cơ sở pháp lý để kiến tạo, phát triển năng lực các chủ thể, phát huy đúng vai trò của từng chủ thể;

- Tạo lập cơ chế, chính sách huy động và phân bổ mọi nguồn lực; điều tiết hài hòa lợi ích phát triển giữa các chủ thể;

- Tạo lập "sân chơi" lành mạnh, bình đẳng, minh bạch, phù hợp, hiệu quả đối với các chủ thể trong từng lĩnh vực;

- Tạo lập khung khổ pháp lý phù hợp để hội nhập quốc tế có hiệu quả cao, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc;

- Tạo lập cơ chế vận hành, kiểm soát có hiệu quả, khắc phục, phòng ngừa các rủi ro, tiêu cực.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại Hội nghị. Ảnh VGP/Nhật Bắc.

Thủ tướng hoan nghênh và cơ bản thống nhất với nội dung các báo cáo, tham luận, ý kiến phát biểu thẳng thắn, tâm huyết, mang tính xây dựng của các đại biểu, đặc biệt là ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; giao Bộ Tư pháp, các bộ liên quan phối hợp với Văn phòng Chính phủ tiếp thu đầy đủ các ý kiến, hoàn thiện và ban hành Thông báo Kết luận của Hội nghị quan trọng này để thống nhất triển khai.

Thủ tướng nhấn mạnh một số nội dung về tầm quan trọng của công tác xây dựng hoàn thiện thể chế, pháp luật; những kết quả đạt được; những tồn tại, hạn chế; bài học kinh nghiệm; nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới.

Về tầm quan trọng của công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế:

Thủ tướng nêu rõ, xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong 3 đột phá chiến lược, chủ trương lớn của Đảng; đầu tư cho thể chế là đầu tư cho phát triển.

Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh định hướng tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường,... tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc; khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững.

Thể chế phải đi sớm, đi trước mở đường cho đột phá phát triển, phát huy tối đa tiềm năng, sức sáng tạo, đáp ứng tốt nhu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Trong bối cảnh tình hình diễn biến nhanh, công việc nhiều, đòi hỏi cao, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu phát huy tinh thần chủ động, linh hoạt, đổi mới sáng tạo trong quá trình xây dựng, thực thi pháp luật với tư duy, cách làm, phương pháp luận phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đất nước; cụ thể hóa, thể chể hóa chủ trương, đường lối của Đảng và lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, người dân và doanh nghiệp tích cực tham gia quá trình này và mọi chính sách phải hướng tới người dân, doanh nghiệp theo cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ", khi pháp luật đi vào cuộc sống được Nhân dân đồng tình, hưởng ứng, phục vụ Nhân dân và các yêu cầu phát triển đất nước.

Kịp thời ban hành 121 văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết

Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phân công
Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phân công "rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ hiệu quả" trong công tác xây dựng và thực thi pháp luật. Ảnh VGP/Nhật Bắc.

Về các định hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố cần tiếp tục quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm; phân công "rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ hiệu quả" trong công tác xây dựng và thực thi pháp luật.

Thủ tướng chỉ rõ phương châm hành động "5 đẩy mạnh" gồm: Đẩy mạnh tiến độ, chất lượng xây dựng luật theo đúng tiến độ đề ra; đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn; đẩy mạnh công tác rà soát, hệ thống hóa và pháp điển hóa; đẩy mạnh cơ chế phân công, phân cấp, phân quyền phù hợp, khả thi, hiệu quả các cơ quan trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Theo Thủ tướng, qua Hội nghị này, Chính phủ thống nhất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc tiếp tục rà soát các vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và nghiên cứu, đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội để ban hành một luật sửa nhiều luật.

Cùng với đó, Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, thường xuyên, bao trùm, tổng thể, kịp thời, hiệu quả hơn. Đồng thời, tiếp tục đổi mới phương thức tổ chức các kỳ họp Quốc hội như một kỳ họp có thể tổ chức nhiều đợt, kết hợp trực tiếp và trực tuyến; các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ chủ động phối hợp từ sớm, từ xa trong công tác xây dựng và tổ chức thực thi pháp luật.

Phân tích các nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, Thủ tướng nhấn mạnh bài học kinh nghiệm quan trọng nhất là sự vào cuộc, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư nguồn lực với tâm huyết, trách nhiệm của người đứng đầu mang tính quyết định; cùng với đó là bám sát thực tiễn, nhu cầu, mong muốn của Nhân dân, vướng mắc cần tháo gỡ, thách thức cần vượt qua; chỉ bàn làm, không bàn lùi, đã làm là có sản phẩm, hiệu quả cụ thể để xây dựng hệ thống pháp luật phù hợp, khả thi, hiệu quả.

PV/chinhphu.vn