Xóa bỏ điều kiện kinh doanh: Để cam kết không là lời nói suông…
Việc xóa bỏ 675 điều kiện kinh doanh - theo kế hoạch của Bộ Công thương, một mặt sẽ giúp DN tăng khả năng cạnh tranh; mặt khác, mục tiêu quản lý nhà nước cũng hiệu quả hơn. Nhưng việc cần làm trước tiên chính là thay đổi tư duy và phương thức quản lý…
Từ đột phá đến… trăn trở
Ngày 20/9, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã ký Quyết định số 3610a/QĐ-BCT ban hành phương án cắt giảm điều kiện đầu tư, kinh doanh (ĐKKD) thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ giai đoạn 2017 - 2018. Theo đó, 675 ĐKKD sẽ được cắt giảm sau rà soát. Đây là con số lớn chưa từng có trong lịch sử ngành công thương (cao hơn dự kiến ban đầu 63 điều kiện và chiếm tới 55,5% tổng các ĐKKD của Bộ).
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, việc cắt giảm các ĐKKD, tháo gỡ khó khăn cho DN sẽ là công việc trọng tâm xuyên suốt quá trình cải cách hành chính, hoàn thiện bộ máy, thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và vì mục tiêu chính phủ kiến tạo.
Các chuyên gia cho rằng, vấn đề không chỉ là cắt giảm về số lượng, mà cần thiết phải chú trọng cải thiện chất lượng. Các ĐKKD hiện nay không tập trung. Mỗi bộ, ngành, địa phương lại có những quy định riêng của mình. Nhiều ĐKKD lại trùng lặp với các quy định của bộ, ngành khác, cản trở DN.
Giám đốc Công ty CP Tư vấn phát triển và thương mại Phúc Lâm, Phạm Ngọc Thành chia sẻ: “Việc cởi bỏ 675 điều kiện - chắc chắn sẽ tạo ra một xu hướng phát triển mới. Các DN sẽ chủ động hơn bởi rất nhiều rào cản về mặt hành chính đã được loại bỏ. DN sẽ có thời gian và có điều kiện để chăm lo tốt hơn cho hoạt động kinh doanh”.
Tuy nhiên, ông Thành cũng băn khoăn, sau khi cắt giảm số lượng lớn điều kiện, liệu có phát sinh điều kiện khác hoặc dưới hình thái khác?
Xóa bỏ điều kiện kinh doanh: Để cam kết không là lời nói suông…
Đại diện Công ty CP Khoáng sản An Khánh cho rằng: Việc cắt giảm thủ tục rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn là không làm phát sinh thủ tục mới. Đồng thời, thực hiện một cửa một đầu mối, thay vì nhiều đầu mối như hiện nay.
PGS. TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam băn khoăn: Khi cùng một lúc, cắt bỏ một số ĐKKD, liệu có dẫn đến tình trạng buông lỏng quản lý nhà nước? Ngoài ra, việc mạnh tay cắt giảm cho thấy chất lượng chung của từng điều khoản ĐKKD là “có vấn đề”, bất hợp lý, soi kỹ là cắt gần hết. Vì vậy, về tổng thể cần tiếp tục rà soát, kể cả chất lượng của những ĐKKD được giữ lại.
Một số hiệp hội ngành hàng cho rằng, hiện nay vẫn còn nhiều lĩnh vực quản lý chồng chéo giữa các bộ, khiến DN tốn thời gian, chi phí và nhân lực khi thực hiện. Đơn cử, việc nhập khẩu thiết bị viễn thông, DN khi thông quan phải có giấy phép; căn cứ làm giấy phép phải có chứng nhận hợp quy; để có chứng nhận hợp quy phải đưa thiết bị về đơn vị chuyên môn của Bộ Công thương đo kiểm. Do đó, DN phải xin giấy phép tạm nhập để thực hiện đo kiểm; công tác này nhanh nhất cũng mất 40 ngày. Trong khi đó, ngành hải quan yêu cầu tối đa 30 ngày phải nộp giấy phép…
Bên cạnh đó, nhiều DN có băn khoăn liên quan đến cách thức Bộ Công thương tiến hành cắt giảm các ĐKKD - khi đơn vị cấp dưới thực hiện chưa nghiêm túc hoặc thông báo xóa bỏ nhưng bản chất lại gộp nhiều điều kiện nhỏ thành một điều kiện lớn. Điều này, rõ nhất ở lĩnh vực kinh doanh thực phẩm.
Chính sách “làm sạch bể bơi”
Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: Bộ Công thương xóa bỏ 675 thủ tục là một cuộc cải cách (được ví) như “làm sạch bể bơi”.
Tức là cải thiện hiện trạng. Việc cải cách không cần quan tâm đến con số. Không vì sức ép, mà khi rà soát, thấy các ĐKKD tạo ra rào cản gánh nặng cho DN thì phải xóa bỏ. Tuy nhiên, khi có kế hoạch xóa bỏ của Bộ trưởng, cộng đồng DN cũng rất lo lắng: Hiện trạng được cải thiện, nhưng không kiểm soát được cái mới thì có nguy cơ tái lập ĐKKD không như mong muốn.
Theo ông Hiếu, tình trạng các ĐKKD bị xóa bỏ, nhưng sau đó lại ‘‘tái mọc” là do tư duy quản lý. Nếu vẫn giữ tư duy theo lối tiền kiểm - bằng cách kiểm soát và kìm nén, chỉ cho DN làm trong phạm vi quản lý của mình thì ĐKKD sẽ cứ cắt lại mọc. Nếu tư duy quản lý thông qua điều tiết, thúc đẩy, hỗ trợ và chuyển mạnh từ tiền kiểm sang quản lý theo hướng hậu kiểm (kiểm soát chất lượng của sản phẩm, dịch vụ), lúc đó sẽ hạn chế được việc bổ sung thêm ĐKKD.
Một chuyên gia nhìn nhận, việc cải cách “sẽ rất dễ và cũng có thể rất khó”. Sẽ rất dễ nếu được các bộ trưởng đồng tình ủng hộ, bởi nếu chỉ dừng lại ở cam kết mạnh mẽ thì chưa đủ, phải hành động quyết liệt. Theo đến cùng, truy đến cùng trách nhiệm để tạo áp lực với cấp trung gian trong thay đổi cách thức quản lý. Còn nếu không thì việc cải cách sẽ rất khó.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: Môi trường kinh doanh ở Việt Nam, dù đã có rất nhiều cải cách, nhưng khái quát lại thì vẫn chi phí cao và lắm rào cản.
Ông Tuấn cũng bày tỏ sự nhất trí cao với đề xuất cắt giảm các ĐKKD của Bộ Công thương, chuyển từ phương thức quản lý cũ sang phương thức quản lý bằng tiêu chuẩn, quy chuẩn, hậu kiểm… Để làm được điều này, trước hết phải thay đổi tư duy. Bởi tinh thần quản lý phải thúc đẩy phát triển. Lối quản lý chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm vẫn chưa thấm đến tất cả các công chức, cán bộ, kể cả cán bộ, công chức làm nhiệm vụ tham mưu chính sách.
Phân tích của Trưởng ban Pháp chế VCCI, mục tiêu của pháp luật và chính sách là DN được hưởng môi trường kinh doanh trong lành, giảm nguy cơ mất an toàn, tiết kiệm thời gian, chi phí, bảo vệ sản xuất trong nước… Để đạt được mục tiêu đó, có nhiều cách thức: Điều chỉnh thuế, phí; tăng sự giám sát của xã hội, tuyên truyền giáo dục, đào tạo… và các giải pháp quản lý từ Nhà nước chỉ là một trong số các biện pháp.
Theo Chủ tịch Công ty luật BASICO Trương Thanh Đức: Kế hoạch của Bộ Công thương (trong một thời điểm), còn phụ thuộc vào nghị định, thông tư cụ thể. Nhưng với quyết định đã ban hành, đây là thay đổi về quan điểm, nguyên tắc - không nên “gói gọn” trong lĩnh vực công thương mà tất cả các bộ, ngành khác cũng nên “nhìn vào” thực hiện.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, cần tư duy lại vai trò của Nhà nước trong kinh tế thị trường. Cần cả sự giám sát về việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước, chứ không thể để Bộ “đẻ” ra bao nhiêu thứ rồi phải chạy theo để cắt.
Để hiện thực hóa việc cải cách, Bộ Công thương cần có chế tài đối với cục, viện… bộ phận nào làm gì, thời gian cụ thể ra sao, nếu không làm thì trách nhiệm đến đâu? Bởi không có chế tài, Bộ trưởng quyết liệt, còn cá nhân thì vẫn cứ đủng đỉnh không chịu làm, cải cách không đem lại hiệu quả.
PGS. TS. Trần Đình Thiên khẳng định, vẫn phải rà soát tiếp những ĐKKD được giữ lại. Vì trên đà cắt giảm thủ tục, cần thiết phải cải cách thể chế, bộ máy nhân sự, khi đó việc cắt giảm thủ tục mới hiệu quả.
Hoan Nguyễn
Tin mới
Bắc Giang tích cực khắc phục sự cố sạt lở, bảo vệ môi trường, nguồn nước
Trước tình trạng ngập lụt, sạt lở đất xảy ra tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vừa có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, TP tập trung thực hiện các biện pháp khắc phục sạt lở đất, bảo vệ môi trường, nguồn nước.
Tiếp tục hiện đại hóa CNTT phục vụ người nộp thuế nhanh nhất, thuận tiện nhất
Ngành thuế tiếp tục hiện đại hóa công nghệ thông tin, đảm bảo công tác quản lý thuế được triển khai và phục vụ người nộp thuế nhanh nhất, thuận tiện nhất...
Agribank chung sức cùng các địa phương và người dân khắc phục hậu quả cơn bão số 3
Phát huy vai trò trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng, Agribank triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa, chung tay cùng các địa phương và người dân vượt qua khó khăn, sớm khắc phục thiệt hại của cơn bão số 3, ổn định cuộc sống.
Đà Nẵng ngừng cung cấp “thuê bao 2G” vào ngày 16/9
Tại Đà Nẵng, ngày 15/9, hệ thống 2G sẽ ngừng hoạt động, ngày 16/9, các nhà mạng phải dừng cung cấp dịch vụ cho những thiết bị đầu cuối, bao gồm điện thoại 2G sẽ ngừng phục vụ các thuê bao sử dụng máy điện thoại 2G-Only.
Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam nhanh chóng khôi phục sản xuất sau bão
Sau những ngày gián đoạn phải tạm dừng sản xuất do ảnh hưởng của bão số 3 khiến hệ thống điện lưới bị mất diện rộng, đến nay, các mỏ của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) lần lượt được khôi phục cấp điện trở lại bảo đảm an toàn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
UNICEF vận chuyển khẩn cấp viên lọc, bồn chứa nước tới Yên Bái, Thái Nguyên, Lào Cai
UNICEF làm việc tại các địa phương bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 để xác định nhu cầu cấp bách và cung cấp nước sạch cho ba tỉnh miền Bắc bị mưa lũ ảnh hưởng nặng nề nhất.
Câu chuyện thương hiệu
Nam Việt (ANV) lên kế hoạch trả tổng cộng 66,56 tỷ đồng cổ tức năm 2023
Cổ phiếu Xây dựng Hòa Bình (HBC) sẽ giao dịch trở lại trên thị trường UPCoM từ ngày 18/9
PVTrans (PVT) sắp trả tổng cộng hơn 106,8 tỷ đồng cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 3%
Nợ của Tập đoàn Taseco tăng vọt lên 6.601 tỷ
Cảng Chu Lai hợp tác với hãng tàu RCL, mở thêm các tuyến hàng hải mới
Bình Điền xuất khẩu phân bón NPK Đầu Trâu và chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho nông dân Lào