Theo phản ánh của người dân xã Sài Sơn, tại khu vực chân núi Thầy (giáp chùa Một Mái và hang núi Sáo), một số hộ dân tự ý lấn chiếm đất công nằm trong khu vực Di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy - do UBND xã Sài Sơn quản lý.
Điều đáng nói, việc lấn chiếm này đã diễn ra từ nhiều năm, nhưng không được các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý một cách triệt để dẫn đến việc các hộ này xây dựng một số công trình nhà ở kiên cố. Qua tìm hiểu được biết, tổng diện tích bị lấn chiếm là 1.991 m2. Những hộ lấn chiếm là các ông Đào Trọng Vinh, Đào Đức Sơn.
Tổng diện tích lấn chiếm đất công nằm trong khu vực Di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy gần 2000 m2 đang được UBND xã Sài Sơn quản lý
Tiếp nhận thông tin, PV đã có buổi ghi nhận thực tế. Quan sát tại khu vực lấn chiếm, những hộ dân đã trồng một số cây ăn quả và xây dựng 2 ngôi nhà cấp 4 để làm nơi ở cho gia đình.
Trao đổi với PV, ông Đỗ Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Sài Sơn cho biết, khu đất những hộ này lấn chiếm là đất công ích của xã và nằm trong thửa đất số 312, Tờ bản đồ số 19, có diện tích 1991,9 m2. Thửa đất này, đang nằm trong khu vực Di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy.
Ông Tâm cho biết, việc lấn chiếm đã diễn ra từ năm 2016, đến đầu năm 2019, ông Đào Trọng Vinh xây dựng các công trình nhà ở. Ngay khi tiến hành xây dựng, UBND xã Sài Sơn đã lập biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai đối với hộ ông Đào Trọng Vinh. Theo Biên bản số 02/BB-VPHC ngày 08/01/2019 thì, hộ ông Đào Trọng Vinh đã lấn chiếm đất và xây dựng nhà cấp 4 kết cấu tường xây gạch, xà gỗ thép, mái lợp tôn với chiều cao nhà 2,8m.
Việc lấn chiếm không được xử lý triệt để nên một số hộ dân đã cho xây dựng công trình làm nhà ở
Khi được hỏi "việc lấn chiếm diễn ra từ năm 2016, đến nay là 3 năm nhưng tại sao UBND xã Sài Sơn không có động thái gì; công trình kiên cố rồi mới lập biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai?", ông Đỗ Văn Tâm cho biết:
“Năm 2016, gia đình ông Vinh có đến UBND xã xin thầu diện tích đất (diện tích đất hiện nay đang lấn chiếm) để trồng cây, nhưng xã không giao thầu. Còn họ trồng cây trên diện tích đó lúc nào không biết. Từ năm 2015, ở khu vực này được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt nên tất cả khu vực, huyện quản lý hết chứ xã không quản lý.
Còn ngay khi phát hiện việc xây dựng trái phép, xã đã lập biên bản đình chỉ và ra một số thông báo khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, đến nay, hộ ông Vinh không những không tự tháo dỡ công trình vi phạm, mà còn quay ra kiện xã”.
Trước những vi phạm nghiêm trọng của những hộ dân lấn chiếm đất công trong khu vực Di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy trên địa bàn xã Sài Sơn, UBND huyện Quốc Oai đã ra Thông báo số 769/TB-UBND ngày 5/10/2019 về việc xây dựng kế hoạch cưỡng chế và tổ chức cưỡng chế theo đúng quy định; thời gian xong trước ngày 30/10/2019.
Đến nay đã quá thời hạn cưỡng chế, nhưng những công trình vi phạm vẫn tồn tại?
Mặc dù thời gian tổ chức cưỡng chế đã quá hạn, nhưng đến nay những công trình này vẫn tồn tại? Dư luận địa phương cho rằng: Phải chăng, năng lực quản lý nhà nước của lãnh đạo xã Sài Sơn có vấn đề hay do có sự buông lỏng quản lý nên mới bị những hộ dân nói trên lấn chiếm đất mà không hề hay biết?
Đề nghị UBND TP. Hà Nội, các cơ quan chức năng sớm có biện pháp xử lý dứt điểm đối với những vi phạm nêu trên.
Thiên Trường