Vùng quê bừng sáng
Trở lại Xuân Bắc (Xuân Trường, Nam Định), tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi lẽ, vùng quê những năm trước còn “đội” cái nghèo lam lũ của ruộng đồng thì nay, trở nên sầm uất, sôi động. Nghĩ rằng, ai đó đã di dời một khu phố sầm uất đặt vào làng quê này…
Vương vấn - ẩn hiện “cái vòng luẩn quẩn”
Chiều xuống, chúng tôi được dẫn vào một nhà hàng mộc tồn. Nghe nói món này ở đây ngon lắm. Song, tận mắt chứng kiến người ta mổ xẻ rồi rửa, chế biến các món ăn ngay tại cầu ao - đã khiến tôi cụt hứng.
Một cái ao nhỏ xíu, chung quanh có tới năm sáu cái cầu bắc xuống. Người làm thịt chó, người giặt giũ quần áo, rồi rửa bát đĩa, rửa rau và rửa… cho con nhỏ. Nước từ các cống rãnh trên vườn tuôn xuống.
Dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ nhân dịp Kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2023) tại Nghĩa trang Liệt sỹ xã Xuân Bắc
- Sao chị không rửa qua nước sạch?
- Còn phải rửa nước nào nữa? Nước này sạch đấy, thủy triều mà. Lại chẳng sạch hơn nước giếng thơi - thứ nước vàng hơn nghệ! Không nhìn khách, chị chủ nhà vừa làm vừa tâm sự…
Trước đây, về Xuân Bắc, tôi đã được chứng kiến “sự gắn bó thủy chung” giữa con người với từng con mương, con lạch. Xóm nào, đội nào cũng có hệ thống mương máng chạy qua. Nguồn nước sinh hoạt hằng ngày, chủ yếu lấy từ mương máng.
Bà con bảo, vùng này không dùng nước giếng thơi được. Nhiều gia đình, bỏ tiền làm giếng thơi, khi xây xong thì đành phải bỏ không: Thấy nước vàng khè, chứa nhiều độc tố nên không dám dùng.
“Chỉ có nước mương máng là sạch, vì nó là nước thủy triều” - chị Dứa ở Đội 7, giọng quả quyết.
Chính do sự nhận thức này mà người ta đua nhau xây cầu đá, cầu gạch; bắc cầu gỗ, cầu tre, ở dọc 2 bên bờ mương, lạch.
Đất chật, người đông, nhiều gia đình phải tận dụng diện tích đất, khoảng không để xây bể; nhưng lại có không ít hộ dân “vắt” đến từng săng ti mét vuông đất - cũng chỉ xây được cái bể chứa già nửa mét khối nước.
Mùa khô, thiếu mưa, bể cạn kiệt đành phải ra mương gánh nước về làm nước ăn. Như thế, lâu rồi thành thói quen.
Và lẽ đương nhiên, rửa ráy, tắm gội, giặt giũ… đều phải ra mương. Thôi thì, rác các loại, chất phế thải… tất tần tật đều trút cả xuống lòng mương.
Lễ khánh thành Khu văn hóa tâm linh chùa Cảnh Linh, xã Xuân Bắc
Gặp khi nước thủy triều lên, rác từng búi lớn bé trôi nổi lềnh bềnh trên mặt nước; lúc thủy triều xuống, nước nông choèn choẹt, phơi ra cái đáy với ngờm ngợp chất phế thải lắng xuống, lẫn vào bùn đen, trông thấy ghê.
Chưa hết, độ 30% số hộ dân sống bằng nghề chế biến gỗ, mộc, đan nát, họ thả bè gỗ, tre, nứa ngâm hàng năm dưới lòng mương máng… Mùa hè oi nồng, mùi thum thủm từ mương máng xông lên. Nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng - mầm mống sinh bệnh tật, nhức nhối nhiều đời.
Mương máng vào mùa khô, nước cạn tới sát đáy. Nước bẩn lắm. Quan sát thấy, bà con vẫn mang gạo, rau (cả rau ăn sống), bát đĩa, quần áo… ra mương rửa ráy, giặt giũ; có bà mẹ “dìm” đứa con nhỏ xuống nước - kỳ cọ.
Tôi thắc mắc, hỏi một nông dân, chị bảo:
- Tuyên truyền, vận động mãi mà một số người vẫn chưa bỏ được thói quen lạc hậu đó!
Chị Dứa cười, giọng thành thật:
- Nó quen rồi!
Một chị nông dân khác phân bua:
- Nhà tôi, cái bể bé bằng cái bàn tay; ngày rửa ráy hàng trăm lần? Cứ ra mương cho tiện!
Lễ trao tặng huy hiệu Đảng 2023
Khi hỏi về nguồn nước sinh hoạt, một cán bộ xã cho biết, chính vì những điều bức xúc ấy, cho nên từ năm 1998, Chương trình nước sạch UNISEF đã về đến xã.
Nước máy về làng, bà con hoan hỉ, phấn chấn. Nay thì cả 12 đội đều đã có nước máy. Ngày bơm 3 tiếng đồng hồ, chia thời gian thích hợp cho từng đội. Các hộ dân chỉ việc tháo nước vào bể. Một số gia đình, ngoài dùng nước máy, còn tìm cách khoan giếng hoặc xây giếng thơi, có hệ thống bể lọc nhiều ngăn.
Nói chung, nhà nào có bể chứa lớn, thì nước máy đủ dùng; nhà nào bể chứa nhỏ, thì vẫn chịu cảnh thiếu nước sạch.
Bê tông - nhựa hóa rải thông ra đồng
Về dự một đám cưới ở Đội 10, chúng tôi được “nhậu” bữa rau toái loái. Đội 10 là một trong số ít những nơi chuyên cung cấp rau sạch cho cả xã.
Với trên 200 hộ dân, có tới 80% trong số đó sống bằng nghề trồng rau sạch, trên diện tích khoảng 12 ha. Cơ man nào là rau các loại: Muống, mồng tơi, đay, cải, xà lách, bầu, bí, dưa chuột… đủ cả, giá rẻ.
Chị Hà (cùng đoàn chúng tôi) mua 15 kg mồng tơi xanh non, hết có vài chục ngàn đồng. Chị bảo “mua mang ra Hà Nội biếu hàng xóm mỗi người một cân”.
Tiệm vàng bạc nơi phố làng
Tôi hỏi một bác nông dân:
- Thế nào gọi là rau sạch?
Bác cho hay:
- Ngoài ấy (Hà Nội), thế nào gọi là rau sạch, thì chúng tôi không rõ. Ở đây, chúng tôi trồng rau sạch thế này: Từ lúc rau nẩy mầm cho tới khi thành cây, chỉ tưới tinh nước lã. Quá trình tiếp theo là dùng phân chuồng, phân xanh (đều đã qua ủ kỹ) tưới gốc, kết hợp tưới nước lã lên thân, lá. Người trồng rau không dùng phân tươi hay phân hóa học.
- Sâu cắn thân, lá, quả, thì làm thế nào?
- Gia công mà bắt thôi…
Lễ hội làng
Xã giao cho Đội 10 chuyên thâm canh cây rau sạch, không phải chỉ vì đội này có diện tích đất canh tác lớn, mà còn bởi đây là hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng thích hợp.
Xã tạo điều kiện mở các lớp tập huấn kỹ thuật gieo trồng, kỹ thuật thâm canh cây rau sạch. Tuần nào cũng có các buổi tuyên truyền trên loa công cộng về an toàn vệ sinh thực phẩm. Bà con nông dân vốn chất phác, thật thà, nghĩ nôm na trồng rau trước hết là cung cấp cho chính mình, rồi bán cho người trong làng, trong xã, cả các xã bên.
Bán cho thiên hạ được là bao nên không ai lỡ “chém”!
Chẳng ăn vàng ăn bạc gì, kẻo lại mang tiếng với xóm giềng!
Tìm hiểu thêm thì thấy, nguyên nhân rau rẻ, còn do bởi người trồng không đầu tư quá nhiều vốn, không phải mua phân hóa học; giống hạt, cây con đều tự túc. Bà con chỉ phải bỏ công làm lãi, cần mẫn “một nắng hai sương” thì cái sự bắt sâu, nhổ cỏ, tỉa lá vàng lá úa… cũng là việc thường…
Ban kèn đồng
Tôi đã về những vùng quê Hà Nam, Hải Dương, Thái Bình… Trong sự khởi sắc của mỗi một làng quê đó, không thể không ghi nhận: Phong trào làm đường nhựa - bê tông hoá khá phát triển. Ấy nhưng, về Xuân Bắc, thấy phong trào nhựa - bê tông hóa ở đây có phần trội hơn, tốt hơn so nhiều nơi.
Chuyện kể rằng, trước năm 1996, hễ bất kỳ trai ở xã khác về làm rể Xuân Bắc, thì đều phải đóng góp gạch để làng làm đường, làm ngõ. Không biết lệ này có tự bao giờ, chỉ biết rằng, đường làng, ngõ xóm đã được “gạch hóa” từ rất sớm. Năm 1996, cùng với 100% số hộ được ngói hóa, điện đưa đến từng nhà, toàn bộ hệ thống đường trong xã cũng đã được nhựa - bê tông hóa.
Điều đáng nói, Xuân Bắc - vùng quê xưa “chiêm khô, mùa úng” - không nằm trên trục đường lớn nào, xa trung tâm huyện lỵ, không có cơ sở sản xuất gì lớn, nay có hệ thống đường cấp xã vào loại tốt nhất miền Bắc. Đường xã, đường làng, các ngõ xóm, thậm chí các ngách nhỏ thông ra ruộng, đều được phủ nhựa hoặc bê tông chắc, phẳng, đẹp. Về đây, tôi đã nghe đám trẻ buông câu “vè làng”:
Ai về Xuân Bắc mà trông
Bê tông - nhựa hóa rải thông ra đồng!
Trao đổi với phóng viên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Xuân Bắc, Đỗ Xuân Hòa tự hào:
“Hệ thống đường được làm khá kiên cố, vững chãi. Xuân Bắc… khác người ở chỗ: Không đóng cọc giữa đường, không đặt cần barie, không ngáng cây hạn chế độ cao cho các loại xe ô tô… Việc xe cộ các loại được hoạt động, ra vào bình thường - đã đáp ứng đúng nguyện vọng của Nhân dân trong xã. Đây cũng là sự nỗ lực rất lớn và sự đoàn kết thống nhất giữa Dân - Chính - Đảng trong suốt những năm qua.
Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” - xã thực hiện trích một phần ngân sách, một phần do huyện hỗ trợ, còn đâu bà con lo đóng góp; ngoài ra những người con xa quê, cũng gửi tiền ủng hộ làm đường”…
Được biết, chính phong trào “nhựa - bê tông hóa” ở Xuân Bắc - đã trở thành điểm sáng để nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh học hỏi kinh nghiệm và làm theo.
Vươn tới sự văn minh và giàu đẹp
Người nông dân Xuân Bắc có truyền thống cần cù, sáng tạo trong thâm canh lúa nước; tiếp thu nhanh những tiến bộ KH-KT và công nghệ - ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp nên năng xuất, sản lượng cây trồng, vật nuôi đã không ngừng tăng lên trong những năm qua. Với truyền thống, kinh nghiệm thâm canh, bà con nông dân Xuân Bắc luôn duy trì được giống lúa tám thơm, nếp và giống bắc thơm, cho giá trị kinh tế cao.
Xã Xuân Bắc, đất canh tác rất thấp, chỉ độ 8 thước/đầu người. Ngoài Đội 10 chuyên trồng ra sạch, 11 đội còn lại, ước tính 30% số hộ làm nông nghiệp. Tiếng là làm nghề nông, nhưng đại bộ phận nông dân đứng ra làm “ông chủ”, “bà chủ”: Thuê khoán gọn cho nông dân thiên hạ; còn bản thân thì dành thời giờ đi buôn đi bán, đi bè trên song, hoặc đi làm xây dựng thuê ở nơi khác.
Người Xuân Bắc là vậy. Họ thuê người thiên hạ đến làm ruộng và họ lại đi làm thuê bằng nghề khác ở thiên hạ.
Riêng bộ phận có nghề chế biến gỗ, mộc đan nát ở trong làng, họ mở các xưởng nhỏ sản xuất ngay tại nhà, thợ cũng làm tại nhà. Xuân Bắc được Nhà nước đầu tư, xây dựng khu làng nghề cơ khí chế biến gỗ, đặt tại Đội 2, trên nền diện tích 5 ha. Nhà nước chi 70% kinh phí, còn lại do ngân sách xã và các hộ dân đăng ký tham gia sản xuất đóng góp.
Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, luôn được duy trì và có bước phát triển. Các nghành nghề truyền thống như đan cót, khâu nón, cốm, kẹo, bún, bánh... được duy trì, đã góp phần giải quyết việc làm tại chỗ, giúp người nông dân có thu nhập ổn định sau mùa vụ. Cụm công nghiệp tập trung với tổng diện tích 2,06 ha, đã thu hút gần 20 cơ sở sản xuất, kinh doanh chế biến lâm sản, đồ gỗ mỹ nghệ, cơ khí, tạo việc làm cho người lao động, hoạt động kinh doanh có hiệu quả.
Chợ Bắc là nơi tập trung giao lưu buôn bán phục vụ đời sống dân sinh trong xã và các xã lân cận. Phong trào kinh doanh dịch vụ nhỏ ngày càng phát triển, góp phần tăng thu nhập cho hộ gia đình và phát triển kinh tế địa phương.
Quyền Chủ tịch UBND xãNguyễn Trọng Huynhchia sẻ:
“Không khí thôn quê, chộn rộn như có hội. Những ngày áp Tết, không khí càng trở nên khẩn trương, nhộn nhịp, tấp nập, huyên náo… Phố làng như ngắn đi, nhỏ lại bởi hàng hóa ngồn ngộn, ninh ních. Một số gia đình mở đại lý hoa quả, bánh kẹo, các đồ tiêu dùng hằng ngày, hàng chất cao tới tận trần nhà.
Một góc phố làng
Những xe tải nhỏ, xe máy, xích lô, xe đạp thồ chất đầy hàng chạy tới chạy lui. Phong phú nhất - “hoành tráng” nhất phải kể tới đó là các tiệm vàng bạc, đồ trang sức mỹ nghệ. Nói không ngoa, nhiều tiệm vàng bạc, đá quý ở phố huyện, phố tỉnh chưa chắc lớn bằng”…
Lượn vài vòng quanh phố làng, chúng tôi nhận thấy rằng, tuy không quá ồn ào nhộn nhạo so chốn thị thành, nhưng sức mua - bán ở đây cũng khá dồi dào. Một cán bộ thôn bật mí: “Xuân Bắc được xếp diện giàu cỡ nhất nhì của huyện Xuân Trường”…
Xuân Bắc tiếp tục duy trì, phát triển các tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới bền vững. Lãnh đạo xã tiếp tục chỉ đạo các xóm, triển khai hoàn thiện các tiêu chí xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2023, 2024.
Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên trong nhịp sống dòng chảy. Hầu hết các gia đình có của ăn của để, sắm sửa được nhiều tiện nghi sinh hoạt trong nhà. Không ít hộ buôn bán, mua được ô tô sang, xây nhà lầu kiểu cách đắt tiền…
Dẫu nếp cũ vẫn còn, nhưng đây chỉ là sự giao thời giữa cái cũ và cái mới. Người dân Xuân Bắc đang mải miết “gồng mình” - bứt ra khỏi hẳn cái lạc hậu, cổ hủ để vươn tới sự văn minh, giàu đẹp, trên con đường xây dựng quê hương mới.
Xuân Bắc đang từng ngày đổi thay!
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Đảng bộ Xuân Bắc đã lãnh đạo Nhân dân khắc phục khó khăn, chủ động triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trên từng lĩnh vực, đăc biệt, tiếp tục làm tốt nhiệm vụ chuyển đổi số, cải cách hành chính, quản lý chất lượng ISO, tăng cường đăng tin, bài lên Trang thông tin điện tử địa phương… Nhờ đó, các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của xã cơ bản đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Ghi chép củaXuân Phong
Tin mới
TP. Hồ Chí Minh mở thêm nhiều điểm tiêm sởi tại cơ sở tiêm chủng tư nhân
TP. Hồ Chí Minh sẽ mở rộng nhiều điểm tiêm vaccine sởi tại cơ sở tiêm chủng tư nhân để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Phú Thọ: Chung tay giúp Nhân dân vùng lũ vượt qua khó khăn
Cùng với sự phát triển của cộng đồng doanh nhân nói chung, doanh nhân nữ Đất Tổ đóng một vai trò không nhỏ trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong thời gian qua...
Xuất hiện ngân hàng thứ 8 tăng lãi suất từ đầu tháng 9
Ghi nhận lãi suất ngân hàng hôm nay (13/9) tiếp tục có thêm ngân hàng tăng lãi suất huy động, mức tăng từ 0,1-0,2%/năm. Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) là ngân hàng thứ 8 tăng lãi suất huy động từ đầu tháng 9.
Hải Phòng ngừng sử dụng 41 chung cư cũ nguy hiểm cấp độ D
TP. Hải Phòng đã thống nhất chủ trương ngừng sử dụng 41 toà chung cư cũ nguy hiểm cấp độ D với hơn 2.600 hộ dân sinh sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cơn bão số 3.
TP. Hồ Chí Minh gửi 30.000 túi thuốc gia đình đến vùng bão lũ
Trong những ngày qua, toàn thể nhân viên ngành y tế TP. Hồ Chí Minh đã thống nhất hành động và trong giai đoạn đầu khẩn trương thực hiện 30.000 “Túi thuốc gia đình” để gửi đến người dân các tỉnh phía Bắc đang bị ảnh hưởng do bão số 3.
DETECH Motor vinh dự nhận giải thưởng TOP 50 nhãn hiệu nổi tiếng 2024
Vừa qua, thương hiệu ESPERO của DETECH Motor đã xuất sắc nhận được giải thưởng TOP 50 Nhãn hiệu nổi tiếng 2024 từ VIPA (Hội sở hữu trí tuệ Việt Nam). Đây là một dấu ấn mới khẳng định vị thế của ESPERO DETECH trên thị trường xe máy, xe điện tại Việt Nam.
Câu chuyện thương hiệu
Nam Việt (ANV) lên kế hoạch trả tổng cộng 66,56 tỷ đồng cổ tức năm 2023
Cổ phiếu Xây dựng Hòa Bình (HBC) sẽ giao dịch trở lại trên thị trường UPCoM từ ngày 18/9
PVTrans (PVT) sắp trả tổng cộng hơn 106,8 tỷ đồng cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 3%
Nợ của Tập đoàn Taseco tăng vọt lên 6.601 tỷ
Cảng Chu Lai hợp tác với hãng tàu RCL, mở thêm các tuyến hàng hải mới
Bình Điền xuất khẩu phân bón NPK Đầu Trâu và chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho nông dân Lào