Với hương vị thơm ngon, mềm, dẻo, từ lâu, gạo Long Trì được nhiều người biết đến là một nông sản nổi tiếng của vùng đất Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc.
Để nâng cao hiệu quả và chất lượng sản phẩm gạo Long Trì, góp phần mở rộng vùng sản xuất, thị trường tiêu thụ, thúc đẩy nền sản xuất nông nghiệp của địa phương, tăng thu nhập cho người dân, năm 2017, HTX SXKD gạo Long Trì được thành lập. Sản phẩm của HTX này được nhiều người tiêu dùng lựa chọn và nhu cầu về gạo Long Trì có xu hướng tăng.
Tuy nhiên, do gặp khó khăn về vốn và vùng sản xuất tập trung, nên những năm gần đây, HTX phải thu hẹp dần diện tích canh tác, dẫn đến sản lượng liên tục giảm. Hiện, HTX đang tập trung sản xuất trên diện tích 60 ha với hơn 100 hộ tham gia; sản lượng năm 2019 đạt trên 100 tấn.
Sản phẩm gạo Long Trì
Ông Nguyễn Hoài Nam, Giám đốc HTX phải từ chối nhiều lời đề nghị phân phối sản phẩm từ các siêu thị, bởi nguồn cung không đáp ứng đủ. Đây cũng là lý do khiến ông Nam không mặn mà đăng ký tham gia chương trình OCOP, dù gạo Long Trì là một sản phẩm rất tiềm năng.
Ngoài thương hiệu gạo Long Trì, những năm qua, HTX Dịch vụ nông nghiệp kinh doanh hàng nông sản An Hòa từng bước khẳng định thương hiệu Dưa chuột an toàn trên thị trường. Hiện, HTX có 34 thành viên với 10 ha chuyên canh rau, củ, quả trên địa bàn xã An Hòa. Với sản phẩm dưa chuột, mỗi tháng, HTX tiêu thụ trên 100 tấn cho bà con xã viên.
Nhận thấy nguồn nguyên liệu dồi dào, anh Đỗ Văn Dũng, Giám đốc HTX quyết định sản xuất thử nghiệm sản phẩm dưa chuột dầm dấm và thu được kết quả khá tốt.
Để sản phẩm mới này được đưa vào các kênh tiêu thụ lớn, hướng tới xuất khẩu, đầu năm 2020, anh Dũng đăng ký tham gia chương trình OCOP với sản phẩm dưa chuột dầm dấm.
Anh Dũng cho biết: “Hiện, HTX đang thực hiện công đoạn thanh trùng hộp đựng dưa chuột dầm dấm bằng phương pháp thủ công. Khi tham gia OCOP, chúng tôi cần nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm. Cụ thể là việc nâng cấp lên lò hơi không chỉ giúp công đoạn thanh trùng nhanh hơn mà còn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, thiếu vốn, HTX vẫn chưa thể thực hiện”.
Nhận thức được vai trò, ý nghĩa của chương trình OCOP trong phát triển kinh tế, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh tích cực tham gia. Kết quả, có 18 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP đạt chất lượng 3 - 4 sao. Tuy nhiên, con số trên vẫn còn khá khiêm tốn so với tiềm năng, thế mạnh về phát triển nông nghiệp, làng nghề truyền thống của tỉnh.
Nhiều nông sản, sản phẩm đặc trưng dù đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường, tạo ấn tượng tốt với người tiêu dùng như: Cá thính, na dai Bồ Lý, dưa chuột An Hòa, su su Tam Đảo, rắn Vĩnh Sơn, gạo Long Trì… nhưng vẫn chưa được chứng nhận sản phẩm OCOP, hoặc chưa đăng ký tham gia chương trình.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, quá trình triển khai chương trình OCOP vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, bởi hiện nay, tỉnh chưa xây dựng, ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ cho các chủ thể tham gia.
Hơn nữa, đây là chương trình mới, cán bộ làm công tác thực hiện chương trình OCOP của một số huyện chưa có kinh nghiệm; kiến thức về chương trình còn hạn chế, dẫn đến sự lúng túng trong công tác hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tham gia.
Lãnh đạo cấp xã chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, vai trò của chương trình OCOP với phát triển kinh tế của địa phương, còn đứng ngoài cuộc trong triển khai thực hiện chương trình. Ngoài ra, các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh mới tiếp cận với các nội dung triển khai của chương trình nên hiệu quả chưa cao...
Để tháo gỡ khó khăn, tiến tới xây dựng thành công các sản phẩm OCOP, thời gian tới, Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tiếp tục chú trọng xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP có tính cộng đồng cao và chất lượng tốt; đẩy mạnh công tác công tác thông tin, tuyên truyền, khuyến khích và hướng dẫn các chủ thể kinh tế trên địa bàn tỉnh tham gia.
Đồng thời, xây dựng và đề nghị ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ các chủ thể kinh tế tham gia chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025; xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025, trong đó, gắn thực hiện chủ trương phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn, xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung (làm cơ sở để phát triển các sản phẩm OCOP).
Long Sơn