Tại hội thảo chủ đề “Tương lai Việt Nam trong kỷ nguyên công nghệ mới: Bán dẫn – Trí tuệ nhân tạo” trong khuôn khổ “Ngày đổi mới sáng tạo mở 2024” tại Thành phố Hồ Chí Minh chiều 25/10/2024 được tổ chức bởi Viện Đổi mới sáng tạo mở và doanh nhân công nghệ (OITI) phối hợp cùng Trung tâm đổi mới sáng tạo mở - SoiHub, ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan cho biết: “Qualcomm đã có mặt tại Việt Nam trong hơn 20 năm qua và chúng tôi vẫn đang rất tích cực trong việc hỗ trợ phát triển công nghệ AI và bán dẫn tại Việt Nam”.

Ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan
Ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan

Công nghiệp bán dẫn (semiconductor) và trí tuệ nhân tạo (AI) được xem là bộ đôi chìa khóa công nghệ cho tương lai tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Hai ngành này là trọng tâm của quá trình đổi mới sáng tạo (ĐMST), chuyển đổi số và Cách mạng công nghiệp 4.0.

Mặc dù, Việt Nam là nước đi sau trong cuộc đua bán dẫn và AI, nhưng được đánh giá là có tiềm năng to lớn và hội tụ đủ các điều kiện để nhanh chóng phát triển hệ sinh thái bán dẫn cũng như tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo PGS TS Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó hiệu trưởng trường đại học Lạc Hồng: “Việt Nam có 4 lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Thứ nhất là Việt Nam có một lực lượng lao động trẻ và có khả năng tiếp cận với công nghệ mới rất nhanh. Thứ hai là chi phí nhân công của Việt Nam rất cạnh tranh nếu so với các nước khác trong khu vực. Đây sẽ là một yếu tố quan trọng trong việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Thứ ba là Việt Nam có một vị trí địa lý thuận lợi, kết nối được dễ dàng tới nhiều thị trường lớn trong khu vực và toàn cầu. Và cuối cùng là Việt Nam có một chế độ chính trị rất ổn định”.

Còn theo PGS TS Bùi Thu Lâm, Học viện Kỹ thuật Mật mã thuộc Ban Cơ yếu Chính Phủ, Tổng thư ký FISU Việt Nam chia sẻ: “Việt Nam trong vài năm vừa qua đã phát triển AI với một tốc độ rất nhanh. Có một số chỉ số trực tiếp hoặc gián tiếp có liên quan cho thấy, Việt Nam đứng thứ 59 trên thế giới, thứ 5 Đông Nam Á về tính sẵn sàng cho AI trong chính phủ. Việt Nam cũng đứng thứ 71 thế giới, thứ 5 Đông Nam Á về chính phủ điện tử. Về chỉ số đổi mới sáng tạo, Việt Nam đứng thứ 44 trên thế giới”.

PGS TS Bùi Thu Lâm, Học viện Kỹ thuật Mật mã thuộc Ban Cơ yếu Chính Phủ, Tổng thư ký FISU Việt Nam
PGS TS Bùi Thu Lâm, Học viện Kỹ thuật Mật mã thuộc Ban Cơ yếu Chính Phủ, Tổng thư ký FISU Việt Nam

Đối với các tập đoàn lớn từ nước ngoài, đơn cử như Qualcomm, thông qua các chương trình xúc tiến đầu tư với các đối tác tại Việt Nam khác đã xây dựng và phát triển các sản phẩm mới liên quan đến AI và bán dẫn.

Về AI, Qualcomm có quan hệ đối tác rất chặt chẽ với các công ty AI lớn của Việt Nam, chẳng hạn như VIN AI, để phát triển các thiết bị AI tại biên, từ đó tạo nên các thiết bị thông minh cũng như xe điện.

Để làm được điều này, các thiết bị phần cứng cũng sẽ phải có sự thay đổi lớn. Đó chính là sự lên ngôi của các chíp bán dẫn.

Ông Thiều Phương Nam chia sẻ: “Trong các chip mà Qualcomm cung cấp cho các nhà sản xuất điện thoại thông minh, máy tính và các thiết bị IoT, chúng tôi sẽ tăng cường khả năng tích hợp công nghệ AI, có thể kể đến dòng chip Snapdragon 8 Elite, hay Snapdragon X Plus, v.v.”.

Ngoài ra, trong 4 năm qua thông qua Qualcomm Innovation Challenge, Qualcomm cũng đã hỗ trợ hơn 39 startup ra mắt tại Việt Nam các công nghệ mới nhất về robotic, drone, AI tạo sinh cho ngân hàng và thành phố thông minh…

Qualcomm cũng cho ra mắt Qualcomm AI Hub giúp các nhà phát triển AI tại Việt Nam và thế giới có thể gửi sản phẩm của mình đến để đào tạo và huấn luyện trên nhiều loại thiết bị trong tương lai.

Hoàng Hà