Toàn cảnh phiên chất vấn
Toàn cảnh phiên chất vấn

Chiều 11/7, tại Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII đã tiến hành chất vấn ông Lê Sỹ Nghiêm, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường với các nội dung quan trọng.

Theo đó, hiện nay, nhiều dự án đã được UBND tỉnh giao đất, qua nhiều năm, đã được gia hạn nhiều lần, nhưng nhà đầu tư vẫn không triển khai thực hiện hoặc triển khai thực hiện chậm. Việc thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh vẫn còn chậm; dư luận và một bộ phận cử tri cho rằng, vẫn còn tình trạng gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực. Vấn đề tiến độ lập, thẩm định, trình phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030, kế hoạch sử dụng đất năm 2023 cấp huyện rất chậm, ảnh hưởng đến việc triển khai các công trình, dự án; kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất và đảm bảo nguồn thu ngân sách các cấp.

Báo cáo trước đại biểu HĐND tỉnh và cử tri trong tỉnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Sỹ Nghiêm cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh có 339 dự án không thực hiện, hoặc thực hiện đầu tư chậm tiến độ (chiếm 10,5% tổng số dự án được giao đất, cho thuê đất), chủ yếu là các dự án hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, thương mại - dịch vụ.

Tuy đã đạt được kết quả tích cực, song việc thực hiện thủ tục hành chính trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn còn chậm: Hồ sơ quá hạn thuộc thẩm quyền của Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Đăng ký đất đai chiếm 3,2% đối với hồ sơ đã giải quyết, chiếm 8,11% đối hồ sơ đang giải quyết. Hồ sơ quá hạn thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện chiếm 7,34% đối với hồ sơ đã giải quyết, chiếm 18,67% đối hồ sơ đang giải quyết; đặc biệt là lượng hồ sơ cấp lần đầu bị trả lại hoặc đang chờ bổ sung chiếm tới 20,39% chưa được giải quyết cho người dân.

Đại biểu Hoàng Anh Tuấn, Tổ đại biểu huyện Hậu Lộc đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Minh Hiếu.
Đại biểu Hoàng Anh Tuấn, Tổ đại biểu huyện Hậu Lộc đặt câu hỏi chất vấn (Ảnh: Minh Hiếu)

Về tiến độ lập, thẩm định, trình phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030, kế hoạch sử dụng đất năm 2023 cấp huyện, trong quá trình thực hiện, thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, song tiến độ rất chậm.

Đến ngày 25/4 các huyện, thị xã, thành phố mới hoàn thành nộp hồ sơ thẩm định; đến ngày 10/5, Hội đồng thẩm định hoàn thành việc thẩm định của 27/27 đơn vị. Đến hôm nay (11/7), có 25/27 đơn vị có văn bản, hồ sơ đủ điều kiện trình phê duyệt; UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt 9 đơn vị.

Tại phiên chất vấn, các đại biểu đã đặt nhiều câu hỏi xoay quanh các vấn đề nguyên nhân, trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương liên quan trong các vấn đề dự án chậm tiến độ, việc chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…

Về vấn đề dự án chậm tiến độ, đại biểu Hoàng Anh Tuấn (Tổ đại biểu huyện Hậu Lộc) và đại biểu Vũ Thị Huyền (Tổ đại biểu thị xã Nghi Sơn) đặt câu hỏi:

Theo ý kiến nêu tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Khóa XVIII (7/2022) thì, số liệu dự án chậm tiến độ vi phạm quy định tại điểm i, khoản 1 Điều 64 - Luật Đất đai năm 2013 đã tăng từ 60 dự án lên 154 dự án. Trong thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh văn bản tham mưu thu hồi dự án nào chưa; và giải pháp trong thời gian tới ra sao?

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Cao Tiến Đoan (Tổ đại biểu TP. Sầm Sơn) cũng đặt câu hỏi "đề nghị Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đưa ra các giải pháp khắc phục việc chậm xác định giá đất để tính tiền giao đất, cho thuê đất..."?.

ông Lê Sỹ Nghiêm, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường với các nội dung:
Ông Lê Sỹ Nghiêm, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời chất vấn

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đã trả lời từng câu hỏi của các đại biểu, đồng thời nêu rõ một số giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Vấn đề việc thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh vẫn còn chậm, dư luận và một bộ phận cử tri cho rằng, vẫn còn tình trạng gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực nhận được nhiều đại biểu quan tâm đặt câu hỏi chất vấn Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường. Thậm chí, nhiều đại biểu đã có ý kiến tranh luận với phần trả lời của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường.

Với nội dung này, ông Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã nêu ví dụ cụ thể và đề nghị Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường làm rõ "có hay không tình trạng gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất"?.

Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, có ở nhiều khâu. Trong đó, trách nhiệm lớn nhất vẫn thuộc về các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai; đồng thời, nhận trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành dẫn đến tình trạng này.

Thông tin thêm về vấn đề này, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, từ khi đi vào hoạt động (ngày 1/9/2020) đến nay, Văn phòng Đăng ký đất đai đã tiếp nhận 149 đơn, gồm 132 đơn kiến nghị, phản ánh; 14 đơn tố cáo; 3 đơn khiếu nại. Trong đó, đã chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết 58 đơn, Văn phòng Đăng ký đất đai xử lý 91 đơn.

Sau xử lý đơn, Văn phòng Đăng ký đất đai đã ban hành 46 thông báo kết luận, 28 văn bản chấn chỉnh, 45 văn bản phê bình tập thể, giám đốc các chi nhánh, trưởng các phòng chuyên môn, viên chức, người lao động liên quan đến việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và tổ chức; ban hành quyết định kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc đối với 1 viên chức; quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với 2 viên chức...

“Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ thực hiện các giải pháp để chấn chỉnh hoạt động của Văn phòng Đăng ký đất đai và chi nhánh ở cấp huyện”, Giám đốc Lê Sỹ Nghiêm khẳng định.

Lê Nam