TS Vũ Tiến Lộc: Báo chí tiếp tục là ngọn hải đăng, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó
TS Vũ Tiến Lộc cho biết, báo chí góp phần định hướng cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp soi mình trong tấm gương báo chí để định vị mình tốt hơn trong nỗ lực phát triển có trách nhiệm hơn với cộng đồng.
Báo chí đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp
Được sự chỉ đạo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chiều 8/7/2021, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp đã tổ chức Diễn đàn Hợp tác Doanh nghiệp và Báo chí trong môi trường biến đổi và Lễ phát động Chương trình Bình chọn tác phẩm báo chí viết về Doanh nhân – Doanh nghiệp và môi trường kinh doanh (lần thứ IX).
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, Covid-19 đã khiến cả doanh nghiệp và báo chí đều khó khăn. Thế nhưng càng khó khăn báo chí càng có nhiều ấn phẩm, tác phẩm “để đời”.
“Chúng ta đang trong "tâm bão" Covid-19 lần thứ 4 với những biến thể mới ngày một nguy hiểm và khó đoán định. Đại dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng tới sức khoẻ, tính mạng của những người dân toàn cầu mà còn ảnh hưởng tới kinh tế rất nặng nề. Các tổ chức quốc tế có uy tín đều đồng loạt hạ mức tăng trưởng dự báo và bức tranh kinh tế thế giới đã ngày càng trở nên bi quan hơn. Nhiều doanh nghiệp ở nước ta đang thấm đòn cả trên phương diện thị trường tiêu thụ, khả năng thanh khoản và công ăn việc làm của người lao động. Nhiều lĩnh vực như hàng không, du lịch... đang chịu ảnh hưởng rất nặng nề của đại dịch”, TS Vũ Tiến Lộc chia sẻ.
Đảng và Chính phủ đã có những chủ trương chỉ đạo rất quyết liệt, kịp thời trong phòng chống Covid-19 trong tái khởi động và phục hồi nền kinh tế. Các gói hỗ trợ cho an sinh xã hội và trợ giúp cho doanh nghiệp được coi là bao phủ và kịp thời đã và đang bước đầu phát huy tác dụng.
"Thủ tướng Chính phủ vẫn kiên trì "mục tiêu kép" với mục tiêu tăng trưởng 6% -6,5% và lạm phát dưới 5% thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng, tạo việc làm, đảm bảo sinh kế cho người dân. Niềm tin của người dân và doanh nghiệp đang tiếp tục được khơi dậy. Qua đại dịch cũng như mỗi khi đất nước lâm vào hoàn cảnh khó khăn, chúng ta càng thấu hiểu rằng: Chính niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước là một trong những nguyên nhân quan trọng bậc nhất dẫn tới thành công của chúng ta”, TS Vũ Tiến Lộc nói.
Để có được niềm tin đó, theo TS Lộc, báo chí đóng một vai trò rất quan trọng. Những chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, qua báo chí, đã đến kịp thời tới các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, được nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp tin tưởng đi theo. Báo chí đã góp phần biểu dương những tấm gương tốt, những điển hình hay trong phòng chống dịch và trong sản xuất kinh doanh, trong việc bảo đảm an sinh xã hội, tạo nên sự chia sẻ, đồng lòng trong toàn xã hội.
“Cộng đồng doanh nghiệp chân thành cảm ơn các cơ quan báo chí đã sát cánh cùng cộng đồng doanh nghiệp trong những nỗ lực trụ vững để vượt qua đại dịch. Chúng tôi hy vọng ngọn hải đăng định hướng dư luận xã hội của báo chí cách mạng sẽ tiếp tục hỗ trợ, đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp trong giai đoạn tái khởi động phục hồi nền kinh tế”, Chủ tịch VCCI bày tỏ.
"Giữ được niềm tin của doanh nghiệp doanh nhân và môi trường đầu tư kinh doanh và sự phát triển của đất nước, cũng như giữ được niềm tin của xã hội, của người tiêu dùng với doanh nghiệp Việt và hàng Việt là điều hệ trọng đảm bảo thành công của doanh nghiệp, của nền kinh tế trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn được báo chí chung tay. Nhưng muốn giữ được niềm tin, muốn phát triển thì bên cạnh việc duy trì, việc giữ vững ổn định nền kinh tế vĩ mô, giữ vững sự ổn định của hệ thống tài chính, giữ vững thanh khoản của doanh nghiệp thì việc từng bước mở cửa thị trường, đẩy mạnh cải cách thể chế là những giải pháp quan trọng nhất", Chủ tịch VCCI nói thêm.
Chủ tịch VCCI cho rằng, dịch bệnh đang trong giai đoạn phức tạp nhưng việc chuẩn bị để từng bước mở cửa biên giới, mở cửa thị trường quốc tế cùng với những biện pháp hữu hiệu phòng ngừa dịch bệnh là rất quan trọng. Dù phải hết sức cẩn trọng để phòng ngừa dịch bệnh có thể quay trở lại nhưng chúng ta cũng không thể chậm chân, để đất nước ta trở thành người đi trước về sau. Đi trước trong phòng chống dịch bệnh nhưng lại về sau trong phục hồi và phát triển kinh tế để bảo đảm việc làm, lo sinh kế cho dân. Hơn lúc nào hết việc bảo đảm tính mạng và sinh kế cho người dân đều là những việc quan trọng hàng đầu và là thước đo của tinh thần yêu nước trong bối cảnh mới.
“Ngay trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã tâm sự: Họ không cần tiền, chỉ cần cơ chế. Đó là tâm thế của người chiến thắng. Và chúng ta hoàn toàn có thể tin ở họ. Chúng tôi mong báo chí hãy chung tay trong việc thúc đẩy cải cách thể chế. Đây là thời điểm thích hợp để chúng ta có thể đột phá trong công việc này. VCCI đã và đang có nhiều đề xuất với Quốc hội và Chính phủ để triển khai tổng rà soát những chồng chéo, xung đột, bất hợp lý trong hệ thống pháp luật để sửa chữa, bổ sung. Rất mong báo chí sẽ đồng hành với chúng tôi trên hành trình gian nan này”, TS Vũ Tiến Lộc nói thêm.
Đồng thời với thúc đẩy cải cách thể chế, TS Vũ Tiến Lộc cũng cho biết, báo chí cũng góp phần định hướng cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp soi mình trong tấm gương báo chí để định vị mình tốt hơn trong nỗ lực phát triển có trách nhiệm hơn với cộng đồng. Bức tranh chung trong quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp là quan hệ đồng hành, cảm thông chia sẻ giữa hai đồng đội: người chiến sĩ cách mạng trên mặt trận truyền thông và người chiến sĩ cách mạng trên mặt trận kinh tế.
Cần sự đổi mới, sáng tạo hơn
Ông Phan Xuân Thuỷ - Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, đại dịch Covid-19 được coi là thách thức chưa từng có đối với nhân loại, trước những tác động khó kiểm soát của đại dịch Covid-19, mỗi cá nhân, tập thể; mỗi quốc gia và toàn thế giới đều phải thay đổi và thích ứng với điều kiện mới. Đến nay, chúng ta cũng đang thích ứng với những thay đổi đó trong phạm vi hẹp hơn để bắt tay, hợp tác, liên kết và cao hơn nữa là đoàn kết để kiến tạo ra những giá trị mới.
Theo đó, đổi mới sáng tạo là tư duy mới trong chiến lược phát triển của hầu hết các quốc gia và trở thành ngôn ngữ chung có ý nghĩa toàn cầu. Báo cáo chính trị Đại hội XIII của Đảng đề ra mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Đây là khát vọng, là tầm nhìn chung của cả dân tộc. Để góp phần thực hiện mục tiêu, khát vọng, cần phải dựa vào tri thức, khoa học công nghệ, đặc biệt là đổi mới sáng tạo mà doanh nghiệp, doanh nhân và tầng lớp tri thức trong đó có báo chí không thể đứng ngoài tầm nhìn đó của dân tộc.
Trong thời gian tới, để các hoạt động phối hợp giữa các doanh nghiệp và báo chí ngày càng có chiều sâu và hiệu quả thiết thực, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các quan tâm một số nội dung như sau:
Một là, đề nghị các cơ quan báo chí trên cơ sở tôn chỉ mục đích, đối tượng phục vụ, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về những vấn đề liên quan đến sự phát triển kinh tế xã hội, về hoạt động của doanh nghiệp, của nhà sản xuất kinh doanh, nhìn nhận đánh giá, kiến giải và đưa ra những đề xuất sâu sắc các vấn đề doanh nghiệp đang quan tâm, để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.
Cần phải có sự phối hợp chặt chẽ, cung cấp thông tin thường xuyên, chuyên nghiệp với cơ quan báo chí để bảo đảm thông tin chính xác, kịp thời, tránh sai sót làm tổn hại đến uy tín người sản xuất kinh doanh và doanh nghiệp, tạo sự đồng thuận đồng hành chung sức vì lợi ích chung của doanh nghiệp và báo chí.
“Tôi cũng đề nghị các cơ quan báo chí cần quan tâm, gắn với tuyên truyền Chỉ thị 03 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới” – ông nói.
Hai là, đề nghị các cơ quan báo chí quan tâm đào tạo, động viên, khuyến khích các cán bộ phóng viên, biên tập viên luôn trau dồi cập nhật kiến thức chuyên sâu về kinh tế để theo dõi nắm bắt phát triển những vấn đề mới kịp thời đề suất với Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành, địa phương có cơ chế chính sách điều kiện thuận lợi phù hợp tháo gỡ cho doanh nghiệp phát triển.
Ba là, đề nghị Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam quan tâm, tạo điều kiện để các nhà báo, phóng viên, biên tập viên có nhiều thông tin chính xác, đầy đủ để phản ánh kịp thời những mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả các nhân tố điển hình ở các doanh nghiệp để phổ biến nhân rộng.
Trong năm 2020, Ban tổ chức Chương trình báo chí viết về Doanh nhân – Doanh nghiệp và môi trường kinh doanh đã nhận được gần 352 tác phẩm của hơn 34 cơ quan báo chí gửi về cơ quan tham gia. Tính chung trong 8 năm qua, đã có hơn 4000 bài viết từ khắp các cơ quan báo chí cả nước tham gia, đóng góp tích cực cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam. Điều đó cho thấy sức hấp dẫn và công tác tổ chức rất tốt của chương trình.
Theo ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực hội nhà báo Việt Nam, chương trình được tổ chức liên tục trong 6 năm qua đã cho thấy những tác động tích cực cho quá trình xây dựng và phát triển của cộng đồng doanh nghiệp. Nói về thế giới biến đổi ở thời điểm hiện tại, ông Lợi nhấn mạnh đến 2 dữ kiện quan trọng đó là những diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19 và việc Việt Nam tham dự vào hàng loạt các FTA thế hệ mới.
Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến đổi, ông Lợi nhấn mạnh: “Báo chí phải cung cấp đầy đủ thông tin cho doanh nghiệp. “Báo chí phải cung cấp thông tin đầy đủ hơn nữa. Đây không chỉ là thông tin một chiều mà còn là thông tin mang tính chất phản biện: phản biện ở quá trình thực hiện các chính sách, phản biện cả khi khảo sát và thực hiện kết quả... tất cả quá trình này đều cần đến sự giám sát của báo chí”.
Tiếp tục nhấn mạnh về thế giới biến đổi ở thời điểm hiện tại, ông Lợi cho rằng "hơn lúc nào hết, thời điểm hiện tại là thời điểm mà báo chí cần cùng cấp nhiều hơn nữa thông tin về thị trường và đầu tư để doanh nghiệp có thể nhanh chóng tận dụng được các cơ hội từ đó sớm vượt qua khủng hoảng của Covid-19”.
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn – Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư chia sẻ, vấn đề hợp tác doanh nghiệp và báo chí đã có từ rất lâu. “Tôi rất tâm đắc với chủ đề của Diễn đàn hôm nay - Biến đổi ở đây bao gồm sự tác động của hai yếu tố: thời sự (đại dịch Covid-19) và công nghệ số với sự tồn tại, phát triển của doanh nghiệp và báo chí” – ông Tuấn nói.
Ông cho biết, là Tổng biên tập một tạp chí kinh tế, báo chí đã theo sát tình hình và chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp. Nhiều bài viết đưa khuyến nghị của doanh nghiệp tới các cơ quan của Chính phủ để có các giải pháp. Chính phủ đến nay đã ban hành các giải pháp cứu trợ doanh nghiệp. Vấn đề giải pháp đã hiệu quả chưa và các giải pháp được ban hành sẽ thực thi thế nào trong thực tế, báo chí sẽ theo sát và phản ánh vấn đề thực thi chính sách cứu trợ của Chính phủ với doanh nghiệp, người lao động, những chủ trương lớn của cả hệ thống chính trị…
Câu hỏi đặt ra với các tờ báo có trách nhiệm đó là gắn với quá trình tái cấu trúc và chuyển đổi nền kinh tế nên báo chí kinh tế còn trách nhiệm nữa đó là tận dụng được kiến thức của các chuyên gia để chỉ ra những lĩnh vực nào sẽ tồn tại, phát triển sau đại dịch, những lĩnh vực nào có cơ hội phát triển trong thời đại CN4.0, công nghệ số.
Báo chí sử dụng trí tuệ của các chuyên gia, các nhà kinh tế học hiện đại của thế giới giúp doanh nghiệp có thông tin để định hướng trong quá trình tái cấu trúc để tồn tại và phát triển, không chỉ đối chọi với Covid-19 mà phải nghĩ tới câu chuyện hậu Covid-19.
Ông Tuấn chia sẻ: “Mối quan hệ báo chí và doanh nghiệp là mối quan hệ tương hỗ, cộng sinh. Môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đã cải thiện nhưng vẫn còn rào cản, báo chí phải nói lên tiếng nói của doanh nghiệp về những rào cản cần gỡ. Làm được điều này thì báo chí đã thực sự đồng hành cùng doanh nghiệp thiết thực nhất” – ông nhấn mạnh.
Phát động Bình chọn tác phẩm báo chí viết về Doanh nhân-Doanh nghiệp và môi trường kinh doanh lần thứ IX
Nhằm tôn vinh các tác giả có tác phẩm viết về chân dung các nhà doanh nghiệp, tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng các tác phẩm báo chí tuyên truyền về công tác này, được sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Vụ báo chí xuất bản và Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chương trình Bình chọn các tác phẩm Báo chí viết về Doanh nhân – Doanh nghiệp và Môi trường Kinh doanh lần thứ IX dành cho các tác phẩm báo chí trên toàn quốc.
Theo đó, các tác phẩm dự thi được đăng từ ngày 13/10/2020 đến ngày 15/9/2021 trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Bài viết phải phản ánh kịp thời và sâu sắc tình hình thực tế, có tính phát hiện; phản ánh trung thực đời sống của doanh nghiệp, doanh nhân; thông tin chính xác và kịp thời và chân thực về cuộc sống, cách thức kinh doanh, kinh nghiệm của doanh nhân, doanh nghiệp. Khuyến khích các tác phẩm báo chí về các điển hình tiên tiến, nhân tố mới, những doanh nghiệp doanh nhân vượt khó thành công, những kinh nghiệm thất bại không nản…. Không xét tác phẩm có yếu tố hư cấu.
Các thể loại bao gồm: bài phản ánh, phỏng vấn, ghi chép, bình luận, bút ký báo chí…Mỗi tác phẩm là một bài (không quá 5 kỳ) hoặc một loạt bài (không quá 05 bài) của cùng tác giả hoặc nhóm tác giả.
Cơ cấu giải thưởng bao gồm: 1 giải A: 20 triệu đồng + hiện vật; 2 giải B mỗi giải 10 triệu đồng + hiện vật; 3 giải C mỗi giải 5 triệu đồng + hiện vật; 5 giải khuyến khích mỗi giải 2 triệu đồng + hiện vật.
Đoàn Huế
Tin mới
Một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 16/9 của các công ty chứng khoán
Ở khung đồ thị giờ, VN-Index liên tục xuất hiện các mẫu hình nến đảo chiều như hammer hay gravestone doji. Thêm vào đó, hai chỉ báo quan trọng là MACD và RSI đã dần tạo đáy và hình thành phân kỳ dương cho thấy thị trường có thể sẽ sớm ghi nhận nhịp hồi phục ngắn hạn.
TP. Hồ Chí Minh: Trận đấu thiện nguyện quyên góp 125 triệu đồng hướng về đồng bào ảnh hưởng bão lũ
Chiều 15/9, CLB Phóng viên Đời sống Xã hội TP. Hồ Chí Minh tổ chức trận đấu thiện nguyện với chủ đề “Một trái tim, triệu yêu thương” hướng về đồng bào miền Bắc bị ảnh hưởng bởi bão số 3 (Yagi), chương trình nhận được 125 triệu đồng quyên góp.
TP. Thanh Hóa quyết tâm trở thành trung tâm thương mại mua sắm lớn cấp vùng
TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 trở thành trung tâm giao thương hàng hóa, mua sắm lớn giữa các khu vực Bắc bộ, Bắc Trung bộ, một phần khu vực Tây Bắc và Đông Bắc Lào. Ngay từ bây giờ, thành phố đang tập trung nguồn lực để đẩy mạnh phát triển các loại hình dịch vụ có thế mạnh, góp phần xây dựng TP. Thanh Hóa năng động, hội nhập...
Tuyên Quang: Bắt thanh niên đâm xe khiến thiếu tá công an gãy chân
Cù Thành Luân (SN 2002) bị cáo buộc chống người thi hành công vụ do lái xe máy vượt chốt, tông thiếu tá CSGT gãy chân.
TP.HCM: Các công trình giao thông trọng điểm chậm tiến độ, do vướng GPMB
Theo ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết, nguyên nhân dẫn đến việc các công trình trọng điểm chậm trễ tiến độ, là do giải phóng mặt bằng còn khó khăn; khâu phối hợp trong di dời công trình ngầm cũng phát sinh thời gian thi công…
Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ khẩn cấp thiết bị lọc nước và tấm plastic đa chức năng tới Yên Bái
Chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã quyết định chuyển hàng viện trợ bao gồm thiết bị lọc nước và tấm plastic đa chức năng tới tỉnh Yên Bái, trong ngày 15/9.
Câu chuyện thương hiệu
PV Power (POW) đạt 19.954,4 tỷ đồng doanh thu trong 8 tháng 2024, tăng nhẹ so với cùng kỳ
Nam Việt (ANV) lên kế hoạch trả tổng cộng 66,56 tỷ đồng cổ tức năm 2023
Cổ phiếu Xây dựng Hòa Bình (HBC) sẽ giao dịch trở lại trên thị trường UPCoM từ ngày 18/9
PVTrans (PVT) sắp trả tổng cộng hơn 106,8 tỷ đồng cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 3%
Nợ của Tập đoàn Taseco tăng vọt lên 6.601 tỷ
Cảng Chu Lai hợp tác với hãng tàu RCL, mở thêm các tuyến hàng hải mới