THCL Hội trợ triển lãm “Mỗi xã phường một sản phẩm, diễn ra từ ngày 5/11 - 11/11/2016 tại TP. Thái Nguyên với trên 200 gian hàng cho 9 huyện, thị trong toàn tỉnh đăng ký.
Điểm nhấn của hội trợ lần này đó là có sự hiện diện các mặt hàng độc đáo, đặc trưng thế mạnh của mỗi xã, phường trên địa bàn tỉnh - được Trung tâm Xúc tiến Thương mại (Sở Công thương) chủ trì.
“Mỗi xã, phường một sản phẩm, Thái Nguyên 2016” - là hoạt động thiết thực hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tạo điều kiện để mỗi xã, phường lựa chọn những mặt hàng tiêu biểu trưng bày, giới thiệu và trực tiếp nhận được ý kiến của khách hàng để cải tiến, đa dạng hóa sản phẩm, phấn đấu trở thành hàng hóa chủ lực của các địa phương, sẽ là động lực thúc đẩy hoàn thành một số tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó – sẽ là cầu nối hiệu quả, kênh xúc tiến thương mại quan trọng tạo điều kiện cho các đơn vị, doanh nghiệp trong cả nước tham gia quảng bá thương hiệu, giao lưu, hợp tác, trao đổi học tập kinh nghiệm, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Không chỉ có vậy, hội trợ sẽ tạo điều kiện cho huyện, thành phố, thị xã và các xã, phường, thị trấn lựa chọn được sản phẩm có tiềm năng, đồng thời đề xuất các giải pháp phát triển sản phẩm theo hướng tập trung, chuyên môn hóa, đồng bộ từ khâu lựa chọn sản phẩm, quy trình sản xuất, công nghệ chế biến, bảo quản đến phương thức đóng gói, bao bì, nhãn mác đến người tiêu dùng; đảm bảo cho sản phẩm có đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Tình cờ trong một lần làm việc, chúng tôi đã gặp gỡ, tiếp xúc với chị Nguyễn Thị Huyền, Phó chủ tịch thị trấn Sông Cầu đến Trung tâm Xúc tiến Thương mại (Sở Công thương) tìm cơ hội hợp tác, thúc đẩy cơ hội thay đổi thương hiệu chè của bà con Sông Cầu.
Chị Huyền chia sẻ: “Trước đây, cũng là chè trồng thổ nhưỡng Thái Nguyên đều rất đậm đà và thơm, thế nhưng giá chè thương lái thu mua của bà con tại đây chỉ 30.000 - 50.000 đồng/kg; trong khi đó, các vùng khác trên địa bàn, giá thấp nhất cũng được 200.000 đồng/kg. Tôi rất trăn trở tìm kiếm và câu trả lời cho tôi và bà con đó là thay đổi thói quen, tư duy cũng như đổi mới trong cách làm ăn.
Chúng tôi đã tìm đến với Trung tâm Trợ giúp cho chúng tôi thay đổi những điều đó từ khâu trồng, chế biến, bao bì, mã vạch và được tiếp xúc với thị trường trong và ngoài nước. Đến nay, vùng chè Sông Cầu đã có những thay đổi lớn”.
Bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Công ty CP Hà Thái (Thái Nguyên) chia sẻ: “Công ty chúng tôi hoạt động từ 2001, ban đầu, cũng như mọi người, chúng tôi sản xuất, xuất khẩu chè đều manh mún, nhu cầu đâu thì xuất ở đó, chủ yếu thông qua email (điều này rất rủi ro).
Tuy nhiên, năm 2010, khi tham gia cùng bà con tại Trung tâm Xúc tiến Thương mại tỉnh, chúng tôi đã quyết tâm thay đổi để hòa nhập kinh tế thị trường quốc tế. Và cũng tại đây, chúng tôi nhận được nhiều cơ hội từ trung tâm như bao bì, mẫu mã, giá trị sản phẩm được nâng cao; được giao lưu thị trường trong và ngoài nước; được tham gia các hội thảo hữu ích; được giao lưu học hỏi…
Gần đây, chúng tôi vinh dự nhận được Giải Nhì về chất lượng chè của Hiệp hội Chè thế giới (tổ chức tại Mỹ hồi tháng 5). Qua đây, chúng tôi thấy rất tin tưởng, phấn khởi vì có một “bà đỡ” đồng hành cùng doanh nghiệp chúng tôi. Tôi mong Trung tâm Xúc tiến Thương mại (Sở Công thương) sẽ mở rộng, đẩy mạnh hơn nữa - đồng hành cùng doanh nghiệp để doanh nghiệp có thể tìm kiếm thêm cơ hội phát triển sản xuất, kinh doanh”.
Trao đổi với chúng tôi, bà Lê Thanh Thủy, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại bộc bạch: “Với vai trò là trung tâm đồng hành cùng các doanh nghiệp, chúng tôi nhận thấy nhiều đơn vị trên địa bàn tỉnh còn gặp khó khăn, nhất là các doanh nghiệp sản xuất nhỏ lẻ, chưa biết làm cách nào để sản phẩm tiêu thụ thuận lợi trên thị trường trong và ngoài nước, trong đó liên quan tới các vấn đề như bao bì, xây dựng thương hiệu, các tiêu chuẩn quy định của thị trường, điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm…
Với vai trò là người đồng hành, chúng tôi đã lên những chương trình - trình UBND tỉnh hỗ trợ các doanh nghiệp về những khó khăn trên để các doanh nghiệp đủ điều kiện khi đưa sản phẩm ra với thị trường, đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tăng cường tìm kiếm các cơ hội cho các doanh nghiệp đủ điều kiện và tham gia tư vấn hỗ trợ cho các đơn vị còn thiếu để đảm bảo điều kiện cần và đủ khi thương hiệu đứng vững tại thị trường.
Hội trợ “Mỗi xã phường một sản phẩm” lần đầu tiên được diễn ra với vai trò thúc đẩy thế mạnh tại địa phương; thông qua hội trợ, các doanh nghiệp có cơ hội tìm hiểu, chia sẻ phương thức làm ăn, cũng như công tác xây dựng thương hiệu của riêng mỗi doanh nghiệp…”.
Ngô Tiến - Ngọc Liên