Tranh chấp tại mỏ than Uông Thượng chưa có hồi kết
Tranh chấp gay gắt giữa Công ty PT.Vietmindo Energitama (gọi tắt là Vietmindo) và nhà thầu là CTCP Đầu tư xây dựng và khai thác mỏ Tân Việt Bắc kéo dài từ đầu năm 2018 đến nay làm đình trệ hoạt động sản xuất - kinh doanh của cả hai bên, hàng trăm lao động phải tạm thời nghỉ việc, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình an ninh trật tự, môi trường kinh doanh tại địa phương.
Căng thẳng kéo dài
Công ty Vietmindo hợp tác khai thác than với Công ty Than Uông Bí tại khu vực mỏ Đồng Vông và Uông Thượng, thuộc phường Vàng Danh, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh theo giấy phép đầu tư được cấp vào tháng 10/1991.
Tháng 2/2015, công ty này ký hợp đồng trọn gói với nhà thầu trong nước là Công ty cổ phần Tân Việt Bắc để thực hiện các công việc khoan, nổ mìn, bốc xúc, vận chuyển đất đá và than nguyên khai tại khai trường trong thời hạn 5 năm, bắt đầu từ thời điểm ký kết.
Tuy nhiên, đến tháng 4/2018, Vietmindo ra thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng trước hạn với Tân Việt Bắc từ ngày 27/6/2018. Lý do là nhà thầu nhiều lần không đạt chỉ tiêu khối lượng đất đá bốc xúc, cũng như liên tục vi phạm các điều khoản về bảo vệ môi trường, khiến Vietmindo phải chịu thiệt hại lớn do chậm tiến độ sản xuất, bị khách hàng phạt hợp đồng.
Theo phản ánh của Vietmindo, như một cách phản đối việc chấm dứt hợp đồng trước hạn, từ ngày 27/6/2018, Tân Việt Bắc đã sử dụng nhiều phương tiện, máy móc thiết bị dừng, đỗ trên một số tuyến đường chính trên khai trường mỏ Vietmindo; sử dụng nhân viên và phương tiện cá nhân liên tiếp gây rối, đe dọa, hành hung nhân viên của Vietmindo và cả nhân viên của nhà thầu khác của Vietmindo, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự trong khu vực. Mặc dù hai bên đã nhiều lần thương thảo nhưng vẫn không tìm được tiếng nói chung trong giải quyết mâu thuẫn, cũng như định giá bồi thường với việc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.
Đại diện công đoàn Vietmindo cho biết, do mâu thuẫn, xô xát kéo dài giữa hai bên, hoạt động khai thác của Vietmindo bị đình trệ, nên đến thời điểm này, đã có 188 lao động, tương đương 2/3 số công nhân của Công ty phải ở nhà chờ việc, với mức lương tối thiểu Công ty hỗ trợ là 3,7 triệu đồng/tháng. Nếu tranh chấp tiếp tục kéo dài, sẽ có thêm 100 lao động nữa có khả năng phải nghỉ việc.
Trong khi đó, theo phía Tân Việt Bắc, thực tế chỉ có 1 quý trong năm 2016, nhà thầu này không đảm bảo sản lượng và đã chịu phạt, nhưng tính chung cả năm đó, Tân Việt Bắc vẫn vượt sản lượng so với hợp đồng. Ông Nguyễn Văn Bắc, Giám đốc Công ty Tân Việt Bắc cho rằng, việc Vietmindo đơn phương phá vỡ hợp đồng là vi phạm quy định tại Điều 422, Bộ luật Dân sự 2005 và Điều 301, Luật Thương mại 2015. Việc phá vỡ hợp đồng này đã gây thiệt hại lớn cho Tân Việt Bắc, làm cho máy móc thiết bị tài sản với giá trị đầu tư hơn 200 tỷ đồng không hoạt động, trong khi hàng tháng Công ty vẫn phải trả tiền khấu hao, lãi vay, chi phí bảo vệ, bảo dưỡng thiết bị. 300 công nhân của không có việc làm, nhưng Công ty vẫn phải trả lương… Phía Tân Việt Bắc yêu cầu Vietmindo phải bồi thường phá vỡ hợp đồng với mức phạt vi phạm là 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng vi phạm, tương đương gần 95 tỷ đồng. Ngoài ra, nhà thầu cũng yêu cầu Vietmindo xem xét bồi thường tiền lãi do chậm thanh toán cho khoản công nợ hơn 14,5 tỷ đồng.
Phía Vietmindo chỉ đồng ý trả 14,5 tỷ đồng tiền công nợ và hỗ trợ thêm 5,5 tỷ đồng cho Tân Việt Bắc. Đại diện Vietmindo cho biết đã trả cho Tân Việt Bắc khoản 14,5 tỷ đồng theo đề nghị của UBND TP. Uông Bí, để đổi lại Tân Việt Bắc rút phương tiện máy móc ra khỏi khai trường để Công ty tiếp tục sản xuất. Tuy nhiên, đến nay, mọi việc vẫn giậm chân tại chỗ.
Quan điểm của chính quyền địa phương và các bên tranh chấp
Các phương tiện chặn tại các vị trí hiểm yếu trong khai trường
Trước tình hình căng thẳng kéo dài tại khai trường mỏ Uông Thượng, UBND TP. Uông Bí, cơ quan công an và các sở, ban, ngành của Thành phố đã yêu cầu hai bên kiềm chế, giữ gìn an ninh trật tự trong khu vực; đồng thời, nhiều lần tổ chức kiểm tra hiện trường và tiến hành nhiều cuộc họp để ban hành các chỉ đạo, nhưng việc giải quyết tranh chấp vẫn không đi đến kết quả.
Mới đây nhất, sau buổi làm việc tại hiện trường khi tình hình xô xát giữa hai bên lên tới đỉnh điểm vào ngày 5/3/2019 và cuộc họp giữa các ngành chức năng cùng các bên tại TP. Vàng Danh, Uông Bí, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành công văn gửi các cơ quan chức năng TP. Uông Bí và các bên liên quan. Công văn khẳng định, quan điểm của tỉnh là luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho Công ty Vietmindo hoạt động sản xuất - kinh doanh theo đúng thỏa thuận về đầu tư giữa hai chính phủ Việt Nam và Indonesia, nhưng UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu Công ty Vietmindo phải tuân thủ, chấp hành quy định, pháp luật của Việt Nam trong quá trình hoạt động.
Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, việc tranh chấp giữa Vietmindo và các nhà thầu của công ty này là tranh chấp kinh doanh thương mại và các bên đã có thỏa thuận giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải hoặc giải quyết tại trọng tài theo hợp đồng hai bên đã ký kết. UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị các bên liên quan cần giải quyết tranh chấp theo hợp đồng đã ký kết và quy định của pháp luật Việt Nam; tỉnh Quảng Ninh sẽ không can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính vào quá trình giải quyết tranh chấp.
UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đề nghị Công ty Vietmindo và các bên liên quan giải quyết dứt điểm tranh chấp trong tháng 3 này, để sớm ổn định hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, ổn định đời sống, việc làm cho người lao động và đảm bảo an ninh trật tự trong khu vực.
Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng giao UBND TP.Uông Bí, các lực lượng công an tiếp tục đảm bảo ổn định an ninh trật tự và an toàn tuyệt đối tính mạng, tài sản của các bên liên quan; giám sát hiện trường, chủ động có các biện pháp xử lý, đồng thời yêu cầu công an Thành phố và công an tỉnh khẩn trương điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an ninh, trật tự.
Cũng liên quan đến vụ việc, trong diễn biến mới đây, tại cuộc họp báo tổ chức ngày 15/3, Công ty Vietmindo đã đưa ra quan điểm pháp lý giải quyết vụ việc mâu thuẫn với Tân Việt Bắc. Ông Hendra Gunawa, Giám đốc điều hành Công ty Vietmindo khẩn thiết bày tỏ mong muốn được chính quyền giúp đỡ, yêu cầu nhà thầu Tân Việt Bắc rút hết người và phương tiện ra khỏi khai trường của Vietmindo.
Theo luật sư pháp lý của Vietmido, đây là tranh chấp kinh doanh thương mại mà giữa hai bên đã có hợp đồng, nên theo điều khoản đã thống nhất, tranh chấp sẽ do Trung tâm trọng tài quốc tế tại Singapore giải quyết. Nếu nhà thầu Tân Việt Bắc bị ảnh hưởng quyền lợi thì có quyền khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại, chứ không thể có hành động cản trở hoạt động của bên khác. Do đó, hành vi của Tân Việt Bắc có thể coi là có dấu hiệu vi phạm hành chính theo quy định nhà nước, cần phải được xử lý theo quy định.
“Chúng tôi mong muốn và chờ đợi sau chỉ đạo mới nhất của UBND tỉnh thì có biện pháp cụ thể khẩn trương của UBND TP. Uông Bí, để tình trạng gây rối an ninh này không để kéo dài. Đồng thời, tách bạch rõ ràng để có sự rạch ròi về xử lý hành chính dân sự và xử lý tranh chấp hợp đồng”, đại diện pháp lý của Vietmindo nhấn mạnh.
Về phần mình, lãnh đạo Tân Việt Bắc cho biết đã khởi kiện Công ty Vietmindo ra TAND tỉnh Quảng Ninh, với mong muốn tranh chấp này sẽ được giải quyết tại tòa. Tân Việt Bắc khẳng định, việc để máy móc, phương tiện tại khai trường là cơ sở để chờ cơ quan chức năng tính toán giá trị thiệt hại. Do đó, trong khi chờ phán quyết của tòa, Tân Việt Bắc đề nghị hai bên giữ nguyên hiện trạng để chờ tòa án giải quyết tranh chấp đúng pháp luật.
Hiếu Minh
Tin mới
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên kiểm tra việc khắc phục hậu quả mưa bão tại huyện Định Hóa
Chiều 18/9, đồng chí Nguyễn Huy Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã đi kiểm tra thực tế công tác khắc phục hậu quả mưa bão tại huyện Định Hóa. Cùng đi có đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan.
Cục QLTT thành phố Cần Thơ tập huấn phân biệt hàng thật – hàng giả, quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường TMĐT
Sở Khoa học-Công nghệ phối hợp Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Cần Thơ, Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (VACIP) đã tổ chức hội nghị tập huấn phân biệt hàng thật, hàng giả nhãn hiệu và xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) trên môi trường thương mại điện tử.
Phát hiện 01 cơ sở kinh doanh không đăng ký kinh doanh theo quy định
Ngày 18 tháng 9 năm 2024, Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh Đồng Tháp kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh T.P do ông T.C.B làm chủ, địa chỉ: xã Tân Thành, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp hoạt động kinh doanh mua bán hàng hóa dưới hình thức hộ kinh doanh nhưng chủ hộ không thực hiện đăng ký thành lập hộ kinh doanh theo quy định.
Triển khai biện pháp phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ tại thị xã Sa Pa
Để chủ động trong công tác phòng, chống các loại dịch bệnh có thể xảy ra sau mưa lũ, sạt lở đất, Trung tâm Y tế thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai đang tiến hành phun thuốc tiêu độc khử trùng môi trường trên diện rộng.
Ngày đêm thi công khu tạm cư Làng Nủ
Những ngày này, các đơn vị đang tập trung máy móc, vật liệu và nhân lực, khẩn trương thi công không kể ngày đêm để hoàn thành khu tạm cư Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên; phấn đấu đến ngày 21/9, sẽ đưa một số hộ dân thôn Làng Nủ về nơi tạm cư...
Nhiều hoạt động an sinh xã hội được thực hiện tại huyện Văn Quan
Ngày 19/9, tại huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn, Công an tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Huyện ủy, UBND huyện Văn Quan, Trung tâm Y tế thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên và các cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm tổ chức nhiều hoạt động an sinh xã hội tại 2 xã Hữu Lễ và Tri Lễ của huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn.
Câu chuyện thương hiệu
LPBank muốn chi gần 10.000 tỷ đồng mua tối đa 5% vốn FPT
Doanh nghiệp nội địa bứt phá vì sự phát triển bền vững
Tọa độ đẳng cấp mang ngàn lợi thế cho dự án Top 1 phía Đông TP HCM
MobiFone trao tặng hàng trăm phần quà tận tay người lao động, hỗ trợ dạy học trực tuyến mùa bão lũ
PV Power (POW) đạt 19.954,4 tỷ đồng doanh thu trong 8 tháng 2024, tăng nhẹ so với cùng kỳ
Nam Việt (ANV) lên kế hoạch trả tổng cộng 66,56 tỷ đồng cổ tức năm 2023