"Thích làm gì thì làm...”?
Báo điện tử Thương hiệu & Công luận đã phản ánh loạt bài liên quan đến vụ TNGT xảy ra tại TP. Việt Trì vào ngày 18/01/2016, khiến anh Phùng Việt Long bị Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP. Việt Trì lập hồ sơ gửi VKSND TP. Việt Trì, khởi tố hình sự về tội danh “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”.
Vì một người là anh Tạ Văn Kỷ, trong máu có Ethanol, nồng độ 125,2mg/100ml máu và chạy xe máy với tốc độ nhanh (không rõ hướng đi tới), không làm chủ tốc độ, đã đâm vào đuôi xe của anh Long.
Dư luận không khỏi thắc mắc: Tại sao những tình tiết chưa được làm rõ lại không được Hội đồng xét xử đề nghị VKSND và Công an TP. Việt Trì tiếp tục điều tra làm rõ để tránh việc oan sai đối với anh Phùng Việt Long?
Liệu rằng, VKSND và Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP. Việt Trì đã làm hết chức năng, nhiệm vụ của mình hay chưa?
Tại sao những tình tiết quan trọng của vụ án, sau nhiều tháng vẫn chưa có câu trả lời, phải đợi Tòa án trực tiếp xuống kiểm tra hiện trườngmới làm rõ được tốc độ của xe ô tô, do anh Long điều khiển là 15 km/h lúc sang đường?...
Thực nghiệm lại hiện trường vụ tai nạn giao thông đã xảy ra gần 2 năm qua, nhiều người dân sống ở gần đó cũng “hiếu kỳ” đến để xem có chuyện gì.
Trao đổi với một ông xe ôm đã nhiều năm đứng bắt khách tại đây, ông cho biết: “Những người dân thường như chúng tôi, nhìn qua cũng biết được ai đúng, ai sai. Ông say rượu đi xe mô tô không làm chủ được tốc độ, tông thẳng vào đuôi của xe ô tô. Vậy mà cơ quan pháp luật còn khởi tố ông lái xe ô tô về vi phạm giao thông đường bộ với lý do "thiếu quan sát và không nhường đường cho người say rượu điều khiển xe máy".
Thật vô lý, chẳng nhẽ nhường ở đằng đuôi xe à? Đừng nghĩ mình là người thực thi pháp luật, thích làm gì thì làm, ép người dân quá đáng!”.
Kiểm tra lại hiện trường vụ tai nạn đã xảy ra gần 2 năm
Một người đàn ông đứng gần đó cũng lên tiếng: “cũng may mà hôm đó ông say rượu tông vào đuôi xe ô tô, chứ hôm đó tông đúng vào một xe máy khác đang lưu thông thì chăc chắn án mạng đã xảy ra, và đã có người phải nằm xuống oan ức bởi ông say rượu!”.
Bản án đã thực sự công tâm?
Qua việc xem xét tại chỗ của Hội đồng xét xử (9/6/2017), tại hiện trường xảy ra vụ tai nạn cùng với các buổi xét xử đã mở, ngày 14/6/2017, TAND TP. Việt Trì ra Bản án sơ thẩm số 80/2017/HSST. Hội đồng xét xử nhận định, vụ tai nạn giao thông xảy ra ngày 18/01/2016, giữa xe ô tô BKS 19C-028.04, do anh Phùng Việt Long điều khiển và xe mô tô BKS 88K2-9082, do anh Tạ Văn Kỷ điều khiển, là lỗi hỗn hợp của cả 2 bên.
Bản án sơ thẩm đã được tuyên tại phiên tòa
Theo đó, Phùng Việt Long, trong khi chuyển hướng vẫn phải quan sát và nhường đường cho xe khác, chỉ cho xe chuyển hướng khi không gây nguy hiểm cho người và phương tiện khác.
Việc xe mô tô, do anh Tạ Văn Kỷ điều khiển va chạm với xe ô tô do Phùng Việt Long điều khiển, trong khi đang cho xe chuyển hướng và sau khi va chạm, xe ô tô còn di chuyển thêm 11 m nữa mới cho xe dừng lại, chứng tỏ Phùng Việt Long không quan sát kỹ trên đường, gây nguy hiểm cho người và phương tiện khác đang lưu thông.
Về phần bị hại, Anh Tạ Văn Kỷ có lỗi điều khiển xe mô tô khi trong máu có Ethanol, nồng độ 125,2mg/100ml máu. Qua lời khai của người làm chứng, thấy rằng anh Kỷ điều khiển xe với tốc độ nhanh đã không làm chủ được tốc độ, không chú ý quan sát kỹ trên đường.
Hội đồng xét xử quyết định tuyên bị cáo Phùng Việt Long phạm tội "vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ". Áp dụng khoản 1, Điều 202, khoản 1 Điều 25 - Bộ luật Hình sự để miễn trách nhiệm hình sự đối với bị cáo Phùng Việt Long. Buộc phải bồi thường cho người bị hại là anh Tạ Văn Kỷ số tiền 50.000.000 đồng (năm mươi triệu đồng).
Đối với quyết định của Bản án số 80/2017/HSST ngày 14/6/2017, Luật sư Nguyễn An (Đoàn Luật sư Hà Nội) – người bào chữa cho bị cáo, không đồng ý với quyết định của Tòa án.
Theo đó, luật sư nhận định vẫn còn một số điểm khách quan của vụ án chưa được làm rõ:
Luật sư Nguyễn An (Đoàn Luật sư Hà Nội)
1. Có dấu vết xác định vị trí va chạm mới trên hiện trường giữa 2 xe của người làm chứng chưa được đưa vào hồ sơ để điều ra xác minh;
2. Chưa xác định được hướng đi, tốc độ chính xác, cũng như việc bật đèn chiếu sáng khi tham gia giao thông của xe máy của người bị hại;
3. Chưa xác định được vi trí nằm của nạn nhân tại hiện trường, sau khi xảy ra tai nạn;
4. Chưa xác định được chất sinh học, chất keo màu đỏ, chất keo màu xanh trong cáo trạng là chất gì;
5. Bỏ qua lời khai của nhân chứng trực tiếp (từ đầu vụ án) về vấn đề "sau khi nghe thấy va chạm thì lập tức nhìn thấy ô tô dừng ngay tại chỗ là vị trí đã sang hết đường Hùng Vương" (chị Ngô Thị Hương).
6. Có dấu hiệu khai thiếu trung thực, thiếu khách quan của người làm chứng sau 11 tháng của vụ tai nạn mới ra làm chứng (anh Nguyễn Tiến Hòa):
“(1) Lúc đầu khai là không nhớ ngày tai nạn xảy ra, nhưng tại phiên tòa thì lại nói là nhớ rõ; (2) Lúc đầu khai nhìn thấy tai nạn, nhưng sau lại nói là không nhìn thấy xe ô tô mặc dù ở khoảng cách 15 m; (3) Khai là nhìn thấy xe máy của bị hại chạy lướt qua là xe màu đỏ đen, nhưng khai sai màu của xe ô tô trước mặt; (4) Đến ngày 9/6/2017, Tòa án cho thực nghiệm lại hiện trường thì lại chỉ ra điểm va chạm giữa 2 xe mặc dù trước đó khai là không nhìn thấy xe ô tô”.
7. Có dấu hiệu cố tình làm sai lệch hồ sơ vụ án của cơ quan điều tra, bởi lời khai bổ sung của người làm chứng là có dấu hiệu thiếu chính xác:
"(1) Tại bản báo cáo của 2 người làm chứng (anh Thảo và Anh Hòa), đều có sự khác biệt với bản ghi lời khai của cơ quan điều tra về tên của chiếc xe máy của bị hại là Novo và Nouvo; (2) Sau phiên tòa sơ thẩm, trả hồ sơ về điều tra lại thì lời khai của 2 người làm chứng này lại thay đổi bởi việc chợt nhớ ra tên xe máy của người va chạm với mình sau 1,5 năm”...
Quyết định của bản án khẳng định: “Phùng Việt Long điều khiển trong khi đang cho xe chuyển hướng và sau khi va chạm, xe ô tô còn chạy thêm 11 m nữa mới dừng lại, chứng tỏ Phùng Việt Long không quan sát hết giao thông trên đường, gây nguy hiểm cho người và phương tiện khác đang lưu thông”.
Tuy nhiên, tại thời điểm đó, nhân chứng thực sự từ đầu của vụ án là chị Hương, ngồi bán nước ở gần đó đã nhìn thấy xe ô tô tải, do anh Long điều khiển sang đường rất chậm, khi nghe thấy tiếng động mạnh, chị thấy xe ô tô của anh Long dừng lại.
Tuy nhiên, lời Khai của nhân chứng này (chị Hương) đã không được chú ý tại phiên tòa, nhưng Tòa vẫn khẳng định "anh Long di chuyển thêm 11 m nữa rồi mới dừng lại". Không hiểu, Tòa căn cứ vào đâu để khẳng định như vậy?
Trong khi đó, tốc độ xe ô tô của anh Long, đã được Tòa án trực tiếp xuống hiện trường kiểm tra lại, theo đó, bị cáo Long chỉ chạy xe với tốc độ 15 km/h khi chuyển hướng. Với tốc độ đi chậm như vậy, thử hỏi nếu thấy tiếng động mạnh ở sau đuôi xe thì anh Long có kịp thắng phanh cho xe dừng lại ngay được hay không, mà phải chạy thêm 11 m - như quyết định của Bản án sơ thẩm số 80/2017/HSST, ngày 14/6/2017?
Các yếu tố chưa được làm rõ - điều quan trọng trong vụ án và là yếu tố xem xét cấu thành tội phạm hay không? Khi chưa làm rõ được các yếu tố đó, thì không đủ căn cứ để cấu thành tội phạm. Theo quy định tại Điều 107 - Bộ luật Tố tụng hình sự thì một trong các yêu tố không được khởi tố vụ án là: Hành vi không cấu thành tội phạm.
Như vậy, việc Cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố vụ án hình sự khi không đủ căn cứ khởi tố, liệu đã đúng với quy định của pháp luật hay chưa?
Trong trường hợp, quyết định khởi tố vụ án hình sự không có căn cứ, thì VKSND TP. Việt Trì ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố. Nhưng VKSND TP. Việt Trì, không những không yêu cầu hủy quyết định khởi tố vụ án không có căn cứ, mà còn phê chuẩn quyết định khởi tố bị can (?!).
Dư luận băn khoăn: Liệu rằng, việc phê chuẩn quyết định khởi tố bị can - đã đúng theo quy định của pháp luật?...
Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
Cao Huyền – Quang Nam