Thúc đẩy phát triển kinh tế
Ngoài việc tiếp tục giải ngân đầu tư công, nhằm hỗ trợ tổng cầu phục hồi nhanh hơn, TP. HCM đã tập trung vào các chính sách nhằm thúc đẩy chi tiêu - tiêu dùng của người dân, đầu tư tích lũy tài sản của DN và hộ gia đình.
Chính quyền thành phố đã tăng cường hỗ trợ và khuyến khích các DN tổ chức các chương trình khuyến mãi - giảm giá nhằm kích thích tiêu dùng của người dân; khuyến khích các DN tìm kiếm đối tác và mở rộng thị trường XK sang các quốc gia ngoài Trung Quốc và Mỹ. Việc đa dạng hóa thị trường XK, sẽ giúp cho XK của TP. HCM giảm thiểu tính chu kỳ và tăng trưởng ổn định hơn.
Thành phố đã đưa ra nhiều chính sách nhằm thúc đẩy, phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ tài chính - ngân hàng, quản lý và phát triển ổn định thị trường bất động sản để đáp ứng nhu cầu nhà ở của người lao động và bổ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP. HCM, bà Lý Kim Chi thông tin, năm 2024, các DN đã sớm dự báo tình hình khó khăn sẽ kéo dài bởi xu hướng chi tiêu tiết kiệm, do đó đã chủ động sản xuất, điều phối nguồn nguyên liệu, giá bán. Nhiều DN đã đầu tư số hóa khâu sản xuất, cải tiến logistics để giảm chi phí.
Theo Tổng giám đốc Saigon Co.op Nguyễn Anh Đức, những chính sách hỗ trợ cho DN đã có nhiều, nhưng năm 2024, cần chính sách căn cơ hơn để tạo hiệu ứng kích cầu ổn định và lâu dài. Trong đó, tăng cường những chính sách hỗ trợ trực tiếp cho DN.
Theo Chủ tịch Hiệp hội DN TP. HCM (HUBA) Nguyễn Ngọc Hòa, năm 2023, Nhà nước đã có nhiều giải pháp để tác động, hỗ trợ DN, nhưng còn mang tính rời rạc. Trong năm này, Nhà nước không nhất thiết phải xây dựng thêm chính sách, mà cần làm sao cho các chính sách có sự kết nối với nhau. Khi nhu cầu của xã hội còn thấp, thì việc kích cầu đầu tư công có ý nghĩa quan trọng, tạo nguồn để bù đắp cầu đang bị sụt giảm ở các nguồn khác.
Một trợ lực rất tốt cho DN đó là thành phố kích hoạt trở lại chương trình kích cầu đầu tư; hướng chương trình này hỗ trợ DN trong lộ trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chuyển đổi công nghệ để có những sản phẩm mới, tìm ra thị trường mới.
Nếu có sự hỗ trợ thông qua chương trình kích cầu, DN sẽ mạnh dạn đầu tư và đón đầu chu kỳ phát triển trở lại trong thời gian tới.
Những kết quả khả quan
Báo cáo tại Phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội 02 tháng đầu năm; triển khai nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng Ba của UBND Thành phố, Giám đốc Sở KH&ĐT Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, thị trường bất động sản đã có dấu hiệu phục hồi tích cực hơn, doanh thu kinh doanh bất động sản 02 tháng đầu năm, ước tăng 20,1% so cùng kỳ 2023. Tăng trưởng tín dụng tăng 0,6% so tháng 1. Số lượng DN hoạt động trở lại và số DN đăng ký mới, đều tăng so cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp hơn chỉ số giá tiêu dùng cả nước, tạo điều kiện thúc đẩy sức mua tiêu dùng nội địa.
Các hoạt động chăm lo, đón Tết cổ truyền được tổ chức tốt, bảo đảm toàn dân được đón Tết đảm bảo phương châm “Tết yên vui - đầm ấm - an toàn - tiết kiệm”.
Về tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dung, tháng 2/2024, ước đạt 84.200 tỷ đồng, giảm 16,4% so tháng trước và tăng 7,9% so cùng kỳ 2023. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 41.783 tỷ đồng, giảm 11,9% so tháng trước và tăng 8,7% so cùng kỳ. Lũy kế 2 tháng đầu năm, ước đạt 184.888 tỷ đồng, tăng 14,8% so cùng kỳ 2023 (cùng kỳ tăng 6,1%).
Tính chung 02 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) trên địa bàn thành phố tăng 4,3% so cùng kỳ 2023. Đối với 04 ngành công nghiệp trọng điểm, chỉ số sản xuất công nghiệp trong 02 tháng đầu năm 2024 tăng 6,3% so cùng kỳ. Trong đó, ngành hóa dược tăng 12,6%, ngành cơ khí tăng 6,7%; ngành chế biến lương thực, thực phẩm tăng 6,4%; ngành sản xuất hàng điện tử giảm 6,3%.
Tổng thu NSNN, 02 tháng đầu năm, ước đạt 103.164,322 tỷ đồng, đạt 21,37% dự toán năm và tăng 13,69% so cùng kỳ 2023. Trong đó, thu nội địa 87.664,290 tỷ đồng, đạt 24,91% dự toán, tăng 25,32% so cùng kỳ; thu từ hoạt động XNK 15.500 tỷ đồng, đạt 11,85% dự toán, giảm 25,43% so cùng kỳ.
Du lịch là ngành có nhiều khởi sắc. Theo đó, 02 tháng đầu năm, khách tham quan tại các khu, điểm du lịch, vui chơi giải trí, ước khoảng 1.650.000 lượt, tăng 3,1% so cùng kỳ 2023; khách lưu trú tại các cơ sở lưu trú ước khoảng 225.700 lượt, tăng 5% so cùng kỳ; công suất phòng ước đạt khoảng 87%, tăng 2% so cùng kỳ.
Khách quốc tế đến TP. HCM, ước khoảng 46.528 lượt, tăng 86,1% so cùng kỳ 2023; doanh thu du lịch, ước khoảng 6.400 tỷ đồng, tăng 7,7% so cùng kỳ.
Giám đốc Trung tâm Mô phỏng và Dự báo kinh tế - xã hội (Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM) Nguyễn Trúc Vân cho rằng, động lực chính làm bệ đỡ tăng trưởng kinh tế thành phố quý I và II/2024 đó là đầu tư công. Nếu đầu tư công được thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt, sẽ tạo sự kích hoạt với đầu tư tư nhân và tiêu dùng. Thêm vào đó, đầu tư công được thực hiện - sẽ giúp hình thành thu nhập của người lao động, nhà cung ứng.
Với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo thành phố, chúng ta kỳ vọng, các chính sách nhằm thúc đẩy hình kinh tế sẽ đạt được kết quả thiết thực.
Các chuyên gia dự báo, năm 2024, kinh tế TP. HCM sẽ tiếp tục phục hồi. Nếu tình hình kinh tế thế giới phục hồi thuận lợi, cùng với việc thành phố thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy tổng cầu, mục tiêu tăng trưởng GRDP 7.1 - 8% năm 2024 - là có thể đạt được.
Vũ Lê