Theo đó, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh sẽ kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng kiểm soát những đầu mối sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm; lấy mẫu kiểm nghiệm sản phẩm để đánh giá chất lượng sản phẩm lưu thông trên thị trường; đồng thời kiểm soát chặt chẽ hàng không bảo đảm chất lượng, hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; ngăn chặn các sản phẩm vi phạm lưu hành trên thị trường.
Thời gian kiểm tra từ ngày 15/8 đến ngày 9/10/2023. Công tác kiểm tra phải bảo đảm tính khách quan, chính xác, đúng quy trình và thủ tục theo luật định; không làm cản trở hoạt động bình thường của tổ chức, cá nhân là đối tượng được kiểm tra. Trong quá trình kiểm tra kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức, quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.
Chủ động thực hiện và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm đối với các cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.
Đối tượng kiểm tra bao gồm: Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn TPHCM, trọng tâm là các cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm/nhóm sản phẩm sử dụng nhiều trong dịp Tết Trung thu như: bánh, mứt, kẹo, trà, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, các loại bánh trung thu, các sản phẩm từ bột… và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Nội dung kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm gồm: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (đối với những cơ sở thuộc diện phải có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm); Hồ sơ công bố đăng ký bản công bố sản phẩm đối với những sản phẩm thuộc diện phải đăng ký bản công bố sản phẩm hoặc hồ sơ tự công bố sản phẩm; Nhãn sản phẩm thực phẩm đối với sản phẩm thuộc diện phải ghi nhãn; Hồ sơ liên quan đến nhập khẩu thực phẩm đối với hàng nhập khẩu;Kết quả kiểm nghiệm sản phẩm, kiểm nghiệm nước sử dụng trong chế biến; Nguồn gốc, xuất xứ, hợp đồng mua bán, hóa đơn mua vào, chứng từ liên quan đến nguyên liệu, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, chất bảo quản thực phẩm; ...
Đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (đối với những cơ sở thuộc diện phải có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm); Kiểm nghiệm nước sử dụng trong chế biến; Nguồn gốc, xuất xứ, hợp đồng mua bán, hóa đơn mua vào, chứng từ liên quan đến nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, chất bảo quản thực phẩm.
PV