Tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng là tuyến đường cao tốc đầu tiên của Việt Nam được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế. Cho đến thời điểm hiện tại, tuyến đường này vẫn được đánh giá là tuyến cao tốc hiện đại bậc nhất nước ta. Bởi, ngoài việc đáp ứng được những tiêu chuẩn kỹ thuật về giao thông đường bộ, dọc tuyến đường này còn kèm theo cả một hệ thống các trạm dừng nghỉ được xây dựng theo tiêu chuẩn cao, được đánh giá là các trạm dừng nghỉ hoạt động quy củ thuộc top các trạm dừng nghỉ tốt trên những tuyến cao tốc Việt Nam.
Tuy nhiên, từ nguồn tin cho biết một số trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc này vẫn bày bán số lượng hàng hóa không nhỏ có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong kinh doanh, phóng viên (PV) tạp chí Thương hiệu và Công luận mục sở thị một số điểm trên tuyến đường này mới thấy, những phản ánh trên là hoàn toàn có cơ sở.
Bày bán hàng hóa không tuân thủ quy định của pháp luật trong kinh doanh
Có mặt tại trạm dừng nghỉ có tên V23 đặt tại xã Tân Việt, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên, đây cũng là trạm dừng nghỉ đầu tiên của tuyến cao tốc hướng Hà Nội – Hải Phòng được tích hợp đầy đủ dịch vụ như: trạm xăng dầu, vệ sinh, ăn uống, mua sắm tiện ích, ... mỗi ngày hàng nghìn lượt khách ra vào tấp nập.
Tại khu mua sắm tiện ích, ngoài các sản phẩm nội địa là đặc sản các vùng miền đang được bày bán tại đây, chủ trạm dừng nghỉ này còn bày bán thêm cả mặt hàng ngoại nhập như: Mũ, kính thời trang, đồ chơi trẻ em, các thiết bị điện tử thông dụng,… Tuy nhiên, ghi nhận của phóng viên cho thấy, có nhiều các sản phẩm nhập ngoại được bày bán tại đây không được dán nhãn phụ bằng tiếng Việt trên sản phẩm, rất “tù mù” về thông tin, nguồn gốc sản phẩm.
Cụ thể, tại quầy bán mũ thời trang, nhiều sản phẩm mang tem nhãn gốc in chữ Trung Quốc và không có bất cứ thông tin nào liên quan đến sản phẩm bằng tiếng Việt, giá của những sản phẩm này được chủ cơ sở niêm yết với giá hơn trăm ngàn một sản phẩm.
Cạnh quầy bán mũ thời trang là kệ bán khăn choàng dành cho các chị em, những sản phẩm này cũng chỉ được gắn tem nhãn gốc in chữ Trung Quốc và không có bất kỳ thông tin nào thể hiện về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm bằng tiếng Việt. Đáng chú ý, nhiều sản phẩm còn được gắn mác của các thương hiệu thời trang nổi tiếng như BVL GARI, GUCCI,…
Tiếp tục di chuyển đến quầy kính mắt thời trang, nhiều sản phẩm, mẫu mã đa dạng được bày bán tại đây. Ghi nhận cho thấy, trên những sản phẩm này ngoài in giá niêm yết, còn lại hầu như “trắng” thông tin. Ngoài ra, đa phần các sản phẩm này đều được in hình hoặc dán logo các hãng thời trang nổi tiếng như Ray Ban, Lacoste, hoặc là CHANFL (na ná như CHANEL),…
Bên cạnh các sản phẩm thời trang nhập ngoại “tù mù” về nguồn gốc xuất xứ, PV ghi nhận tại kệ hàng bày bán nhiều các sản phẩm đồ chơi trẻ em cũng có tình trạng tương tự. Ngoài những thông tin ghi bằng chữ Trung Quốc, không hề tìm thấy bất kỳ một thông tin tiếng Việt nào được ghi trên sản phẩm.
Theo quy định, đồ chơi trẻ em phải có tên sản phẩm, trên bao bì phải in xuất xứ rõ ràng tên, địa chỉ nơi chịu trách nhiệm về chất lượng đồ chơi. Nếu sản xuất trong nước thì sản phẩm phải đề thông tin công ty sản xuất; nếu là hàng nhập khẩu thì ghi thông tin nhà nhập khẩu.
Nhiều chuyên gia khuyến cáo, đồ chơi có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng hoặc không qua kiểm định thường có nguy cơ được sản xuất từ nhựa tái chế, bơm tẩm chất phụ gia, chất tạo màu công nghiệp, nhất là chất PAE (Phthalic Acid Esters) - một hóa chất gây hại cho hệ sinh sản. Nếu trẻ ngậm, mút, ngửi, thổi hoặc trực tiếp tiếp xúc với chất độc này sẽ có nguy cơ tổn thương nghiêm trọng tới sự phát triển về cả thể chất và tinh thần.
Tiếp tục ghi nhận tại trạm dừng nghỉ V77 nằm trên địa bàn xã Quốc Tuấn, huyện An Lão, TP Hải Phòng – đây là cũng là trạm dừng nghỉ đầu tiên trên tuyến cao tốc theo hướng Hải Phòng – Hà Nội.
Theo ghi nhận, tương tự như trạm dừng nghỉ V23, tại khu mua sắm tiện ích nhiều mặt hàng nhập ngoại như kính mắt thời trang, đồ chơi trẻ em, bánh kẹo và đồ uống,… cũng xuất hiện tình trạng không dán tem nhãn phụ theo quy định, mập mờ về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.
Một số hình ảnh ghi nhận được tại trạm dừng nghỉ V77:
Tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng là tuyến cao tốc đạt quy chuẩn quốc tế, được nhiều người dân và du khách đánh giá rất cao về chất lượng kỹ thuật cũng như các dịch vụ đi kèm tại các trạm dừng nghỉ. Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý rằng để duy trì và đảm bảo chất lượng phục vụ tại các trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc này, cần phải kiểm soát nghiêm ngặt tất cả các khâu, đặc biệt là chất lượng hàng hóa đang được bày bán tại các trạm dừng nghỉ này, có như thế mới đảm bảo tính minh bạch thị trường cũng như đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng.
Những thông tin trên xin được gửi tới chủ đầu tư các trạm dừng nghỉ và các cơ quan chức năng có liên quan sớm vào cuộc xác minh làm rõ.
Pháp luật quy định những gì?
Theo quy định của pháp luật về tem nhãn, sản phẩm bày bán phải có nhãn hàng hóa. Nhãn hàng hoá bao gồm hai loại là nhãn gốc và nhãn phụ. Nhãn gốc: Đây là nhãn được thể hiện lần đầu được gắn trên bao bì, hàng hóa do các cá nhân, tổ chức sản xuất hàng hóa tự gắn lên đó (được quy định tại khoản 3, Điều 3, Nghị định 43/2017/NĐ-CP).
Nhãn phụ cũng tương tự như nhãn gốc được gắn lên trên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm nhưng ngôn ngữ sử dụng phải là tiếng Việt, trên đó nêu rõ những nội dung bắt buộc trên nhãn gốc luật định các cá nhân, tổ chức phải dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt hoặc là những nội dung mà nhãn gốc còn thiếu theo quy định của pháp luật Việt Nam cần phải bổ sung (được quy định tại khoản 4, Điều 3, Nghị định 43/2017/NĐ-CP).
Căn cứ theo Điều 31 Nghị định 119/2017/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 48, khoản 49 Điều 2 Nghị định 126/2021/NĐ-CP đối với tổ chức có hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
Trường hợp hàng hóa vi phạm là: lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thực phẩm chức năng thì sẽ phạt tiền cao nhất là 60.000.000 đồng.
Đối với sản phẩm đồ chơi trẻ em, theo Quy định về Quy chuẩn Việt Nam số 3:2019/BKHCN nêu rõ, đồ chơi trẻ em thuộc phạm vi của Quy chuẩn kỹ thuật phải công bố hợp quy phù hợp với các quy định kỹ thuật tại Mục 2 của quy chuẩn kỹ thuật này, gắn dấu hợp quy (dấu CR) và ghi nhãn hàng hóa trước khi lưu thông trên thị trường.
Đối với đồ chơi trẻ em nhập khẩu phải thực hiện đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hoá nhập khẩu theo quy định tại Thông tư 27/2012/TT-BKHCN quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ và Thông tư số 07/2017/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 27/2012/TT-BKHCN.
T.A