Trên thế giới, việc nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) hiện đang được một số tổ chức xếp hạng và đánh giá thông qua các bộ chỉ số để hỗ trợ cho các nhà đầu tư quốc tế trong đánh giá các cơ hội đầu tư vào các thị trường trên toàn cầu. Với TTCK Việt Nam, 2 tổ chức đang được nhắm mục tiêu được nâng hạng là MSCI và FTSE Russell.
Cũng phải nhấn mạnh rằng, việc nâng hạng thị trường không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của cơ quan quản lý bất kỳ TTCK nào trên thế giới, bởi vì việc đánh giá, phân loại và xếp hạng thị trường của các tổ chức xếp hạng trên như MSCI, hay FTSE Russell đều phải tuân theo các nguyên tắc, quy trình và tiêu chí đánh giá của các tổ chức này. Tuy nhiên, theo đại diện lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), cơ quan này đã và đang nỗ lực để thúc đẩy, rút ngắn lộ trình được nâng hạng của TTCK Việt Nam.
Theo đó, về khuôn khổ pháp lý, Luật Chứng khoán 2019 và các văn bản hướng dẫn, Luật Đầu tư 2020, Luật Doanh nghiệp 2020 đã từng bước đáp ứng các tiêu chí về nâng hạng thị trường, bao gồm: tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài; tạo điều kiện thuận lợi cho dòng vốn đầu tư; tiếp cận thông tin; đăng ký và mở tài khoản cho nhà đầu tư; bù trừ và thanh toán trên thị trường chứng khoán; tăng cường đưa vào thị trường các công cụ tài chính mới để đa dạng hóa các sản phẩm đầu tư.
Theo thông báo của tổ chức FTSE Russell vào tháng 4/2022, Việt Nam tiếp tục nằm trong danh sách tiềm năng nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. FTSE Russell đã nhận thấy UBCKNN đã có nhiều cuộc đối thoại với các thành viên thị trường và có các sáng kiến để cải thiện khung pháp lý, cũng như thực tiễn thanh toán. Tổ chức này cho rằng, các hoạt động trao đổi với các thành viên thị trường sẽ là các hoạt động quan trọng tiếp theo, bao gồm thu thập ý kiến và ra quyết định về các quy trình triển khai thực tiễn, cùng với các yêu cầu về vai trò và trách nhiệm của các bên nhằm đáp ứng các yêu cầu pháp lý mới.
Trong kết quả rà soát 2021 của MSCI, tổ chức này cũng đã tiếp tục nhận định nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải đáp ứng các giới hạn sở hữu nước ngoài; vẫn có các yêu cầu về đảm bảo tiền và chứng khoán trước khi giao dịch; thông tin liên quan đến doanh nghiệp không phải lúc nào cũng sẵn có bằng tiếng Anh; thủ tục đăng ký tài khoản chứng khoán là bắt buộc và phải có sự phê duyệt của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán và Việt Nam không có thị trường tiền tệ ở nước ngoài, trong khi thị trường tiền tệ ở trong nước còn nhiều hạn chế như giao dịch ngoại hối phải được liên kết với TTCK.
Theo lãnh đạo UBCKNN, để đảm bảo sự kết nối thông suốt với các tổ chức xếp hạng, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục tích cực trao đổi, thảo luận với các bên liên quan về các chính sách, thực tiễn thị trường và các giải pháp liên quan. Đồng thời, UBCKNN trao đổi với các cơ quan bộ ngành, hiệp hội, thành viên thị trường và các nhà đầu tư nhằm tháo gỡ các vấn đề liên quan nhằm được nâng hạng.
Bên cạnh đó, UBCKNN sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan để xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật Đầu tư 2020, đặc biệt là các nội dung về ngành, nghề và điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài; tăng cường công khai, minh bạch về tỷ lệ sở hữu nước ngoài để nhà đầu tư tiếp cận thông tin đầy đủ, nhanh chóng, kịp thời; nghiên cứu và đưa chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết vào thị trường giao dịch.
Lãnh đạo UBCKNN cho biết thêm, thời gian tới, cơ quan quản lý sẽ phát triển, đa dạng hóa và gia tăng chất lượng các sản phẩm trên TTCK để thu hút nhà đầu tư nước ngoài và cơ sở hạ tầng liên quan như: phát triển và đa dạng các sản phẩm phái sinh, đa dạng hóa các loại hình quỹ đầu tư chứng khoán; tăng cường quản trị công ty, công bố thông tin về môi trường - xã hội - quản trị (ESG) để gia tăng chất lượng cổ phiếu; nghiên cứu phát triển các sản phẩm liên quan đến nội dung xanh và phát triển bền vững.
Lê Pháp (T/h)