Rừng thông bị đầu độc

Một ngày trung tuần tháng 7, nhóm phóng viên Thương hiệu & Công luận có dịp tiếp cận khu vực rừng thông tại nơi giáp ranh giữa địa phận phường 5 và phường 7, phường 11, xã Xuân Thọ... TP. Đà Lạt, chúng tôi phát hiện nhiều gốc thông hàng chục năm tuổi bị đầu độc bằng hóa chất khô héo đến chết; nhiều cây bị ken gốc, nhiều cây bị đốn hạ còn trơ gốc...

Tiếng kiêu cứu từ rừng Tây Nguyên - Bài 3: Phá rừng không lấy gỗ - Hình 1

Những cây thông vừa hạ thì cà phê đã mọc

Quanh các khu vực trên, nhiều quả đồi thuộc đất rừng thông vừa bị “tùng xẻo”. Đất rừng thông được đào múc, san ủi tới đâu, nhà kính, nhà lưới mọc lên tới đó.

Tình trạng “gặm nhấm” rừng thông còn xảy ra ngay tại nhiều khu vực gần trung tâm TP. Đà Lạt. Cụ thể, trên đường Khe Sanh, lối vào khu chung cư Đỏ, thuộc phường 10 (TP. Đà Lạt), một số gia đình đã lấn chiếm bằng cách trồng bắp, chăn nuôi trên rừng thông. Cùng với đó là những cây thông lớn hàng chục năm tuổi, cao tới 20 m chết khô một cách bất thường. Thậm chí, đất rừng tại đây đã được “phân lô”, xây bờ rào bằng gạch hoặc giăng dưới thép gai để “xí phần”.

Tiếng kiêu cứu từ rừng Tây Nguyên - Bài 3: Phá rừng không lấy gỗ - Hình 2

Những mảnh đất được hình thành giữa đồi thông

Trao đổi với phóng viên, ông Võ Thanh Sơn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đà Lạt cho biết, mặc dù đơn vị đã hết sức nỗ lực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, nhưng tình trạng “gặm nhấm” rừng thông vẫn xảy ra. Đây là vấn đề nan giải nhất trong công tác quản lý, bảo vệ rừng tại Đà Lạt hiện nay.

Các đối tượng không hủy hoại rừng ồ ạt, mà tiến hàng đầu độc với số lượng lẻ tẻ, mấy tháng sau, cây thông trúng độc mới chết. Mục đích không phải là lấy gỗ, mà lấn chiếm đất rừng để canh tác nông nghiệp hoặc xây dựng nhà tạm.

Phá rừng, không thèm lấy gỗ!

Ngày 26/6, phóng viên có mặt tại Tiểu khu 543 thuộc địa bàn Thôn K’Long, xã Đạ Pal. Trước mắt chúng tôi, hàng trăm cây gỗ rừng không kể lớn nhỏ, đường kính từ 10 - 80 cm, nằm la liệt trên 2 quả đồi. Con đường mòn độc đạo từ đường lớn rẽ vào Tiểu khu 543 bị các đối tượng lâm tặc bít chặn bởi chính cây rừng để dễ bề tẩu thoát khi bị lực lượng chức năng phát hiện, truy đuổi.

Tiếng kiêu cứu từ rừng Tây Nguyên - Bài 3: Phá rừng không lấy gỗ - Hình 3

Vụ phá rừng nghiêm trọng tại Tiểu khu 543, do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đạ Tẻh (Lâm Đồng) quản lý

Nhiều người dân cho biết, tình trạng phá rừng và lấn chiếm đất làm nông nghiệp nơi đây diễn ra thường xuyên như "cơm bữa". Trước đây, chỉ dừng lại ở mức độ lẻ tẻ như cưa gỗ làm chòi canh vườn hoặc ken cây lấn chiếm đất nông nghiệp trái phép..., chứ không triệt hạ rừng với số lượng lớn như thế này.

Nguyên nhân do có tin đồn trục đường cao tốc Long Thành - Đà Lạt sẽ cắt ngang qua đây kèm theo nhiều dự án của các doanh nghiệp đầu tư đan xen nên đã mở rất nhiều đường sá xuyên rừng. Điều đó, kéo theo giá đất khu vực này sốt lên hơn bao giờ hết, tình trạng phá rừng diễn ra rầm rộ, công khai.

Con đường mòn đi sâu vào rừng, mùa mưa trơn trượt, chúng tôi hết sức vất vả mới lên được quả đồi thứ 2, khoảnh 8 thuộc Tiểu khu 543. Khi thấy chúng tôi chụp lại cảnh tàn phá rừng, người dẫn đường dặn dò: "Các anh chụp hình, đừng để anh em tụi tôi dính vào, không khéo lâm tặc sẽ gây khó dễ. Ở đây, có người bị đánh phải nhập viện vì bị cho rằng đã chỉ điểm cho các nhà báo đến tác nghiệp".

Tiếng kiêu cứu từ rừng Tây Nguyên - Bài 3: Phá rừng không lấy gỗ - Hình 4

Cây chờ chết đứng!

Điều đặc biệt, hàng trăm cây gỗ nằm la liệt, nhưng tất cả vẫn còn nguyên vẹn, lâm tặc để cây chết khô, chứ không xẻ thành phách lấy gỗ tuồn đi tiêu thụ như những cánh rừng khác.

"Chủ đích của lâm tặc triệt hạ rừng Tiểu khu 543 là để lấy đất sản xuất, bởi nơi đây không còn gỗ quý thuộc các nhóm 1, 2, 3... Nếu lực lượng chức năng không phát hiện, lâu ngày sẽ thành đất trống thì mặc nhiên biến thành đất nông nghiệp và dần dần cây trồng như cà phê, hồ tiêu, điều sẽ mọc lên...", một người dân cho biết.

Vụ việc này, được Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Lâm Đồng đã chính thức khởi tố vụ án hình sự để điều tra, làm rõ vụ chặt phá 7 ha rừng tự nhiên, gây thiệt hại khoảng 1.400 cây gỗ với hơn 440 m3 các loại, do Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đạ Tẻh quản lý bị chặt phá.

Cao Diên – Hải Dương